Hai cái nhìn cho rằng có sự tồn tai mãi mãi không biến đổi (thường kiến) và biến mất hoàn toàn (đoạn kiến) được cho là hai khái niệm sai lệch, tất cả đều chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác và tồn tại dưới một hình thức khác, có thể nặng thô, có thể thanh nhẹ. Và lôi lầm cũng như vậy, lỗi lầm có thể thay đổi và được xóa đi nếu như chúng ta quyết tâm san qua bằng những việc bồi đắp lại lỗ hổng lỗi lầm.
Có câu chuyện kể về một vị kiếm sĩ mê một người vợ của một người nông dân nên ông đã giết người đàn ông chồng của người phụ nữ này rồi cướp bà ta về làm vợ, sau một thời gian sống chung, ông nhận thấy người đàn bà này hư đốn, nên ông đã bỏ bà ta. Lương tâm ông vô cùng dằn vặt và hối hận tại sao chỉ vì một người đàn bà hư hỏng mà ông đã cướp mất đi mạng sống của một con người nông dân chất phác hiền lành, ông dằn vặt không thôi, đêm đêm thường mơ thấy ác mộng, hình ảnh của người nông dân cứ về đòi ông trả lại mạng sống cho mình, đó là thời gian ông sống trong đau khổ và dằn vặt vì tội lỗi. lúc bấy giờ, thấy người dân đi từ làng này sang làng khác phải đi vòng qua một ngọn núi đá rất hiểm trở đường đi vòng rất khó khăn, chỉ cần sẩy chân một bước là có thể rơi xuống vực tan xương nát thịt, thế là ông phát tâm đục đường qua núi cho dân làng đi tránh bị nguy hiểm, phát nguyện như thế, cứ ban ngày ông đi xin ăn, tối đến lại vác đục, cuốc xẻng đào đường hầm thông núi.
Cho đến một hôm con của người nông dân từng bị ông giết chết trước kia tìm đến ông thách đấu báo thù cho cha mình. Chàng thanh niên gặp ông ta lúc ông đang đào đường hầm.
Anh nói:
- Ta không thích đánh người sau lưng hãy cầm gươm ra đấu với ta.
Ông trả lời:
- Tội ác do ta giết cha cậu, ta sẽ dâng mạng sống này cho cậu, nhưng ta chỉ xin cậu cho ta đào xong đường hầm qua núi này cho dân làng rồi hãy lấy đầu ta.
Chàng thanh niên nghe thấy cũng hợp lý nên đồng ý. Thời gian chờ đợi kéo dài, ngày nào anh ta cũng thấy người đàn ông này đi xin ăn rồi tối đến lại đào đường hầm này một cách lao nhọc cực khổ, chờ mãi cũng chán nên anh xắn tay phụ ông đào cho mau, trãi qua thời gian ròng rã suốt mấy năm trời, cuối cùng con đường cũng đã được thông, người dân qua lại rất thuận tiện. lúc bấy giờ người đàn ông mới thở phào mãn nguyện rồi quỳ xuống trước mặt chàng trai và nói : đây. Đầu tôi đây cậu hãy cắt đi, ta không còn luyến tiếc gì nữa.
Người thanh niên bật khóc và quỳ xuống ôm lấy người đàn ông :
- Ôi thầy, làm sao con cắt đầu thầy được.
Trong thời gian đục đường hầm với ông già, người thanh niên đã cảm kích, cảm phục tư cách của ông, một người quyết làm việc phước để sám hối xóa tan tội lỗi cũ, lại vừa có tư cách đạo đức. anh nhận ra đây mới là người thầy của mình. Từ vị trí là một kẻ thù, người đàn ông đã trở thành vị thầy đáng kính bởi ông đã làm được công đức quá lớn lao.
Như vậy qua câu chuyện chúng ta mới thấy được rằng, một khi chúng ta đã biết ăn năn sám hối, và quyết tâm phục thiện bằng nhiều việc phước lành để san lấp hố sâu tội lỗi mà chúng ta đã lỡ lầm tạo ra thì tội nào không diệt, phước nào mà không sinh. Nếu như chỉ biết ôm nỗi khổ và dằn vặt ấy thì không thể giải quyết được việc gì, cả một đời chỉ sống trong héo hon và mòn mỏi nhưng quả báo đang chờ trước mặt ngày càng gần hơn, nếu như chúng ta biết phục thiện làm cho đời ta tươi sáng hơn, làm những việc công đức rộng lớn, man lại hạnh phúc cho người khác, thì đó chính là quãng thời gian ta sống cho an bình và xóa đi tội lỗi, tránh được quả báo trả lại nặng nề đau khổ.