Thật hạnh phúc khi cả gia đình cùng theo Đạo Phật

Thứ năm - 20/06/2013 07:47
Gia đình có ba mẹ theo Phật giáo và tu tập Phật giáo là gia đình may mắn. Đứa con sinh ra sẽ được giáo dục theo các tuệ giác của Phật giáo và tiếp nối việc tu tập của ba mẹ.
Trong nhà nên có một phòng thờ, hay ít nhất là bàn thờ Phật. Nếu đủ điều kiện thì có phòng thờ riêng. Sáng dậy sớm, ngồi thiền, tụng kinh, nhắc nhở lòng thực tập tỉnh thức suốt ngày.

Trước khi rời khỏi nhà, mình xá chào Phật, và khi đi đâu về cũng nên xá chào Phật. Là cư sĩ thì nên giữ năm giới và tụng giới thường xuyên, xem xét trong thời gian qua có phạm giới nào hay không và hứa với bản thân tiếp tục giữ giới. Nhiều cư sĩ có thể viết sách Phật giáo dựa vào kinh nghiệm thực tập của họ. Các gia đình Phật tử ra đời để cùng sinh hoạt theo tinh thần tỉnh thức. Khi mọi người trong gia đình gặp gỡ nhau, hãy dành thời gian mà chia sẻ các pháp môn tu tập, làm việc thì vẫn làm việc, nhưng khi làm việc mà có tu thì có nhiều hạnh phúc trong công việc. Cả gia đình đều tu tập gọi là gia đình tỉnh thức, phẩm chất hạnh phúc của gia đình rất lớn.

Chùa Hoằng Pháp thường hay tổ chức khóa tu cho sinh viên, thanh niên và học sinh. Mỗi khóa tu đều rất đông người trẻ tham gia, năng lượng tu tập rất cao. Nhìn nhiều người trẻ tìm đến Phật giáo mà nương tựa mà mừng, nhìn hàng trăm người quỳ xuống quy y Tam Bảo và thọ năm giới mà cảm động rơi nước mắt. Sau khi thực tập vài ngày trong khóa tu, các bạn quay về cộng đồng, đi học hay đi làm, các bạn đem năng lượng tỉnh thức vào đời sống và nó giúp cho đời sống của các bạn bớt lo lắng và phiền muộn. Lần trước xem ti vi, có bản tin về một ông thầy dạy tiếng Anh theo kiểu thiền tập. Trước khi học tiếng Anh, ông thầy cùng với các học trò ngồi thiền, theo dõi hơi thở. Theo ông, việc thực tập này giúp thư giãn và giúp gia tăng trí nhớ, nhất là việc học tiếng Anh sẽ hiệu quả hơn. Chưa biết phương pháp này mang lợi ích tới đâu nhưng các bác sĩ đông phương và tây phương bây giờ cũng khuyến khích thực tập thiền, giảm bớt tâm bệnh, góp phần chữa thân bệnh. Một lớp học từ thầy cô đến học trò biết nương tựa Phật giáo mà thực tập thì còn gì bằng, đây có thể gọi là lớp học tỉnh thức, thầy trò trân quý nhau và tình nghĩa thầy trò cũng nâng cao, cái gọi là bạo lực học đường có thể chuyển hóa.

Trong doanh nghiệp có nhiều việc phải lo toan, nào tìm kiếm thị trường, nào duy trì quan hệ khách hàng, nào nghiên cứu tạo sản phẩm mới, nào phát triển tài năng nguồn nhân lực… Nói chung công việc của doanh nghiệp rất nhiều. Người làm doanh nghiệp có phước lớn, vì tạo công ăn việc làm cho nhiều người, nhưng cái phước này sẽ lớn hơn nữa nếu mọi quyết định và hành xử của doanh nghiệp dựa trên tinh thần thực tập Phật giáo. Nếu từng thành viên trong công ty làm việc có tỉnh thức, họ sẽ trung thành và cống hiến nhiều hơn cho doanh nghiệp và doanh nghiệp trở thành ngôi nhà thứ hai họ muốn nương tựa, bên cạnh gia đình của họ. Có công ty để hẳn một bức tượng Phật trong một căn phòng riêng, căn phòng này được gọi là thiền phòng. Khi ai đó mệt mỏi và muốn nghỉ ngơi, chỉ cần đi vô phòng thiền, thỉnh một tiếng chuông và ngồi thở, một lát sau họ cảm thấy khỏe hơn và tiếp tục quay lại công việc. Doanh nhân đi tu thiền ngày càng đông và nhiều khóa tu thiền cho doanh nhân hay cho người bận rộn rất nhiều. Tu tập không phải là xu hướng hay phong trào mà do con người nhìn thấy nhu cầu đích thực của việc tu tập, giúp cho họ chuyển hóa được những khổ đau của thời đại, đây gọi là doanh nghiệp tỉnh thức, và vì thế công việc của họ phát triển thuận lợi và bền vừng.

Mỗi gia đình, mỗi lớp học, mỗi doanh nghiệp tỉnh thức sẽ tạo cộng đồng tỉnh thức. Tăng thân là một cộng đồng tỉnh thức, có thể chưa viên mãn nhưng nguyện đi trên con đường tỉnh thức cho đến khi viên mãn. Tâm thức cộng đồng có năng lượng mạnh mẽ, tạo nên an ninh và bình yên trong xã hội. Cộng đồng mang yếu tố của cá nhân và các cá nhân góp mặt tạo nên cộng đồng nên từng cá nhân trong cộng đồng tỉnh thức thì cộng đồng đó có nhiều hạnh phúc. Hôm qua tôi về thăm bà ngoại, bà ngoại kể tôi nghe bây giờ người ta ăn chay trường rất nhiều, lí do là tự nấu đồ chay sẽ rẻ hơn trong thời buổi bão giá, bảo vệ sức khỏe khỏi bị ngộ độc thực phẩm khi dùng các sản phẩm thịt chế biến không được sạch sẽ, nhưng nguyên nhân sâu hơn nữa là nuôi dưỡng lòng từ bi. Một người ăn chay có thành tựu về sức khỏe và thực tập tâm linh sẽ ảnh hưởng đến thành viên khác trong gia đình, và cả gia đình có khuynh hướng ăn chay luôn. Khi tôi về nhà thì mẹ tôi nấu đồ chay cho cả nhà ăn và cả nhà đều tham gia với tôi.

Coi như bữa đó ở nhà không có sát sinh hay không sử dụng thịt phẩm. Nhà này ăn chay có kết quả sẽ tác động được đến ngôi nhà hàng xóm và cứ thế việc thực tập ăn chay sẽ nhân rộng. Cũng vậy, khi một người trong nhà thực tập tỉnh thức có an lạc, có thảnh thơi, có hạnh phúc, năng lượng của họ có thể tác động đến người khác trong nhà. Thường người ta nói Phật nhà khó thiêng nhưng đôi khi nhân duyên đã đến thì sự nương tựa lẫn nhau trong gia đình rất hay, như tôi chẳng hạn, tôi tìm đến Phật giáo cũng là nhờ công lao của mẹ. Khi cả gia đình có niềm tin và thực tập tỉnh thức thì mời hàng xóm cùng thực tập, năng lượng tỉnh thức được lan truyền. Gia đình trở thành nơi bình an, làng xóm trở thành nơi bình an, tệ nạn xã hội giảm thiểu, tình nghĩa giữa con người với nhau sẽ lên ngôi. Một khu vực mà có nhiều chúng sinh tỉnh thức, khu vực đó rất an lành, khí hậu nhẹ nhàng và sự sống êm ả. Như có nhiều người nói đi vào chùa thấy thanh thản lắm vì khu vực chùa toàn người thực tập tỉnh thức nên môi trường xung quanh cũng được hưởng lây.

Thường khi đi vào chùa thì mình thực tập rất miên mật nhưng khi về nhà thì mọi sự thực tập có vẻ quên, do mình bị công việc ngoài đời cuốn theo và sự tỉnh thức phần nào bị phai nhạt. Vì vậy, ở nhà cần có những phương tiện và những bạn đồng tu nhắc nhở, khuyến tấn mình tỉnh thức suốt ngày, cái này gọi là tu toàn thời gian. Nên có lịch công phu vào buổi sáng và buổi tối. Buổi tối trước khi đi ngủ thì ngồi thiền, tụng kinh, nghe pháp thoại hay đọc kinh sách, đừng đánh mất thì giờ vào việc giải trí của thế gian. Làm việc cả ngày mà tối còn giải trí nữa thì thời gian đâu tu, mình đánh mất dần năng lượng tỉnh thức. Tu tập có tính chất thư giãn nên thay vì nghe nhạc thì nghe pháp thoại, hạnh phúc khác hẳn và còn có giá trị nuôi dưỡng.

Sáng dậy sớm ngồi thiền, tụng năm giới và lạy Phật. Trước khi đi làm, thỉnh ba tiếng chuông nhắc mình thực tập chánh niệm suốt cả ngày. Bây giờ có những bài thiền ca, nhạc thiền hay nhạc kinh. Ở nơi làm việc thỉnh thoảng mở các bài này lên mà nhắc nhở mình thực tập. Đi đường nghe tiếng chuông chùa, chuông nhà thờ, tiếng bấm còi, thậm chí tiếng chó sủa hay tiếng gà gáy, đều là những âm thanh vi diệu nhắc mình thực tập chánh niệm. Các bài kệ chánh niệm phải học thuộc lòng, đừng xem thường những bài kệ này. Khi bản thân chưa đủ vững chãi, chưa làm cho tỉnh thức viên mãn thì hãy tận dụng mọi phương tiện để nhắc mình tu.

Đi vào chùa tu rất dễ vì ở trong đó ai cũng tu, còn về nhà, có người tu người không, đi ra ngoài như cái chợ, người tu ít lắm nên những lúc không thể vào chùa được thì hãy biến ngôi nhà thành cái chùa, cái chợ thành cái chùa, nói cách khác là mọi nơi đều có thể là đạo tràng. Ở chùa nhiều lúc phải theo giờ công phu của mọi người, nhưng ở nhà mình có thể kiểm soát thì giờ của mình dễ dàng hơn và mình có rất nhiều công việc để thực tập tỉnh thức. Lau nhà, nấu cơm, rửa chén, làm vệ sinh, trò chuyện với ba mẹ hay chăm sóc con cái, đem cái tâm yêu thương và an trú trong công việc đang làm, bỗng chốc ngôi nhà trở thành đạo tràng. “Tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ mới là đi tu.” Ở nhà mình có hai ông Phật là ba mẹ, nên chăm sóc được ba mẹ là biết cúng dường chư Phật. Con cái là sự tiếp nối của mình, hướng chúng đến Phật pháp là biết cách thương con. Trong nhà làm một người phụng sự, làm mọi thứ nhưng chẳng thấy làm gì thì không có phiền não, không ngồi suy nghĩ vì sao phải làm ít hay nhiều.

Chỉ cần có chánh niệm trong mỗi công việc thì công việc cực cách mấy mình vẫn có hạnh phúc thì sự cực khổ kia có xá gì. Ra ngoài đường năng lượng nóng bức rất lớn, nào là giao thông, nào là nguy cơ tai nạn, rồi đi chợ, lời ra nói vào cũng có thể khiến mình đánh mất chánh niệm. Cẩn trọng hành động, sử dụng lời ái ngữ và theo dõi tâm ý, những tai nạn ngoài đường có thể sẽ giảm đi phần nào. Chùa là nơi truyền bá cách thực tập tỉnh thức và nơi ứng dụng nó là gia đình và ngoài đường. Việt Nam hồi xưa trên ti vi có chương trình trong nhà ngoài phố, nếu trong nhà tỉnh thức và ngoài phố cũng tỉnh thức thì còn chỗ nào là không phải đạo tràng. .
 
Khắp nơi là đạo tràng
Từ chùa chiền thiền viện
Từ trong nhà ngoài phố
Từ thành thị nông thôn.

Nếu chánh niệm miên mật
Đời sống thôi tất bật
Tỉnh thức sẽ vút cao
Niềm vui sẽ dâng trào.

Tác giả bài viết: Damlinhthat

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây