Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói về hạnh phúc: Cha mẹ là Bụt, đừng đi tìm Bụt nơi nào khác

Thứ sáu - 17/03/2017 12:20
"Cha mẹ là Bụt đó, đừng đi tìm Bụt nơi nào khác. Ngày hôm nay bạn nói được câu gì, làm được cử chỉ gì để cha mẹ vui thì làm ngay đi, đừng để tới ngày mai, sợ rằng muộn quá", thiền sư Thích Nhất Hạnh chia sẻ.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói về hạnh phúc: Cha mẹ là Bụt, đừng đi tìm Bụt nơi nào khác

Với thiền sư Thích Nhất Hạnh thấy được những tài năng, đức hạnh và nét đẹp mà mình đã tiếp nhận từ cha, mẹ, thấy được cha, mẹ không phải là những thực tại có ngoài mình mà đang có ngay trong mình mới là điều đáng quý trong ngày lễ Vu lan

- Nhà báo Hoàng Anh Sướng: Thưa thiền sư! Với người Việt Nam chúng ta, vấn đề mồ mả, hài cốt rất quan trọng. Ngày ngày, vẫn còn hàng ngàn người mẹ, người vợ, người con đau đáu, khắc khoải đi tìm hài cốt của chồng, con mình hi sinh trong chiến tranh. Những cuộc đi tìm ấy vô cùng gian nan và tốn kém. Thiền sư có cách nào giải quyết bằng tâm linh không? 

- Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Tôi nghĩ, một trong những cách tốt nhất mà chúng ta có thể làm là lập những “trai đàn chẩn tế giải oan” để cầu nguyện và giải trừ oan khổ, cầu siêu độ cho tất cả đồng bào tử nạn trong chiến tranh, trong đó có chiến sĩ trận vong, nạn nhân chiến tranh, những người bị mất tích mà hài cốt chưa tìm được... Không phân biệt chủng tộc, Bắc - Nam, tôn giáo, già trẻ hay trai gái… 

Đất nước đã được thống nhất, hòa bình đã được tái lập từ lâu, chúng ta có dịp trở về với nhau, nắm tay nhau, chấp nhận nhau để cùng cầu nguyện cho nhau, cho những người đã khuất và những người còn đang tiếp tục gánh chịu oan nghiệt và để tất cả cùng có cơ hội chữa lành những vết thương rướm máu lâu ngày chưa lành. Các đại trai đàn chẩn tế giải oan là một trong những hình thức thực tập chữa trị thương tích, nối kết lại tình đồng bào ruột thịt. Cho nên, đây không thuần là vấn đề tôn giáo mà là phương pháp tâm lý trị liệu. 

Tôi đã đi qua cuộc chiến tranh ở Việt Nam, tôi biết phía nào cũng có người trực tiếp hoặc gián tiếp gánh chịu khổ đau. Những vết thương trong lòng nếu không trị liệu có thể sẽ truyền lại cho con cháu. Đứng về phương diện lịch sử cũng như tâm lý, lễ trai đàn bình đẳng chẩn giới (cầu siêu cho tất cả mọi người) có tác dụng trị liệu. Trị liệu để chấm dứt và không truyền khổ đau, hận thù đến thế hệ tương lai.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói về hạnh phúc: Cha mẹ là Bụt, đừng đi tìm Bụt nơi nào khác
Ngày hôm nay bạn nói được câu gì, làm được cử chỉ gì để cha mẹ vui thì làm ngay đi (nhà báo Hoàng Anh Sướng mặc áo đen)

 
- Xin thiền sư chia sẻ thêm về vấn đề tâm lý trị liệu qua những trai đàn chẩn tế giải oan!
 
- Trong phương pháp thực tập của đạo Bụt có cái “hiểu” và “thương”. Khi mình hiểu được thì mình có thể chấp nhận được, có thể xóa bỏ những hiểu lầm, giận hờn, trách móc. Nương vào pháp lực của Tam Bảo và của tâm thức từ bi cộng đồng mà sự trị liệu ấy được thực hiện nơi những người đã khuất và nơi những người còn sống.
 
“Đàn trai” không phải là một cái gì mê tín, thuần túy tôn giáo mà là một pháp thực tập tâm lý trị liệu rất khoa học, tuy nó có tính cách lễ hội dân gian. Đây là sự thực tập có tác dụng trị liệu, đã có từ lâu đời và ăn sâu vào truyền thống của người Việt.
 
Phần đông chúng tôi đều tin rằng, linh hồn của những người đã khuất đáp ứng lại lời mời của chúng tôi đến thọ thực trong thời gian các đại trai đàn. Chúng tôi sẽ cúng dường thức ăn, nước uống và đặc biệt là cúng dường pháp để họ có thể nghe kinh chyển hóa những đau khổ của họ, và để họ có thể được sinh ra ở những nơi tốt hơn.
 
- Vậy thiền sư đã thực hiện nghi lễ truyền thống tôn giáo này ở Việt Nam bao giờ chưa?
 
- Năm 2007, khi về Việt Nam, được phép của Thủ tướng chính phủ, chúng tôi đã tổ chức 3 đại trai đàn chẩn tế cầu siêu bình đẳng giải oan cho người Bắc, người Nam, cho người cộng sản và cả cho người chống cộng sản. Đó là tuệ giác của Nhà nước Việt Nam.
 
Đó là lần đầu tiên, người cộng sản và những người chống cộng sản được ôm lấy nhau để cùng khóc thương, cầu nguyện cho 6 triệu người chết, trong đó có bao người chết oan. Thực tập đó theo đúng tinh thần đạo Phật, buông bỏ những hận thù, bực bội, khổ đau trong quá khứ, đóng góp vào sự thống nhất lòng người.
 
- Trong văn hóa tâm linh Việt Nam, hàng năm còn có lễ Vu lan để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên nói chung. Ngày lễ đặc biệt này cũng trùng với ngày Rằm tháng 7 xá tội vong nhân. Là một người rất quan tâm đến giới trẻ, thiền sư có nhắn nhủ điều gì trong ngày lễ Vu lan này? 
 
- Ngày lễ bông hồng cài áo không phải chỉ để tưởng nhớ công ơn mẹ cha. Các bạn phải biết thực tập nhìn sâu, tức là thực tập thiền quán trong ngày ấy. Phải thấy được những tài năng, đức hạnh và nét đẹp nào mà mình đã tiếp nhận từ cha, mẹ, thấy được cha, mẹ không phải là những thực tại có ngoài mình mà đang có ngay trong mình.
Mình là sự tiếp nối của cha, của mẹ. Và mình mang mẹ cha đi về tương lai. Phải biết mỉm cười cho mẹ, thở cho cha và bước đi cho cả hai. Sự tiếp nối đẹp đẽ của cha mẹ nơi mình là biểu hiện cụ thể nhất cho lòng hiếu.
 
Nếu bạn lỡ có những khó khăn với cha hay mẹ thì đừng nghĩ cạn là cha, mẹ không thương. Có thể những vụng về trong quá khứ về phía họ đã tạo ra những lớp khổ đau đè nặng và làm khuất lấp tình thương ấy. Mình biết nếu có gì xảy ra cho mình thì cha mẹ sẽ khóc hết nước mắt. Và nếu có gì xảy ra cho mẹ hay cha thì mình cũng sẽ khóc rất nhiều. 
 
Sự tiếp nối đẹp đẽ của cha mẹ nơi mình là biểu hiện cụ thể nhất cho lòng hiếu
 
Phải thấy rằng các vị đã có nhiều khổ đau, khó khăn mà chưa đủ khả năng chuyển hóa nên đã tự làm khổ mình và làm khổ lây đến các con. Mình cũng vậy. Mình đã khổ đau vì hiểu lầm, vì bực tức nên đã lỡ nói những lời không dễ thương, có những phản ứng không đẹp đẽ với cha, mẹ.
 
Bên nào cũng chịu một phần trách nhiệm. Thấy được cái khổ của cha, của mẹ, mình tìm cách giúp họ. Mình phải biết nói lời hối lỗi đã không giúp được mẹ cha mà còn làm cho họ khổ đau thêm. Sử dụng pháp lắng nghe và ái ngữ để tái lập được truyền thông, để dựng lại thâm tình, đó là điều mình có thể làm được.
 
Có những người trẻ dại dột đã đi tự tử. Đó là một hành động tuyệt vọng nhưng cũng là một hành động trừng phạt. Trong trường hợp này, đó là trừng phạt chính những vị sinh thành ra mình. Ta sinh ra đời để thương yêu, không phải để trừng phạt. Chết như thế là một sự thất bại.
 
Nếu bạn là Phật tử, bạn phải biết giáo pháp đức Thế Tôn có công năng chuyển rác thành hoa, biến phiền não thành bồ đề, dựng lại tình thâm từ xác chết hận thù. Cha mẹ là Bụt đó, đừng đi tìm Bụt nơi nào khác. Ngày hôm nay bạn nói được câu gì, làm được cử chỉ gì để cha mẹ vui thì làm ngay đi, đừng để tới ngày mai, sợ rằng muộn quá.
 
Ta hãy tôn vinh mẹ, cha trong trái tim. Bụt dạy: Vào thời không có Bụt ra đời thì thờ cha, thờ mẹ cũng là thờ Bụt. Đây là điều tôi muốn nói với các bạn trẻ ở Việt Nam cũng như trên thế giới.

Nguồn tin: Tuổi trẻ và đời sống

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây