Thử giả định để trái tim rung lên, đệ trình: không, phải nuôi lớn tình thương nơi mỗi người, đừng để tình thương lụi tàn, đừng để hết thương nhau!
Đôi khi, mình sống trong bầu thương yêu nên mình không nhận ra sự quan trọng của tình thương, thậm chí mình còn bắt đầu nuôi lớn những ý thức, thực hành những điều trái ngược với thương yêu như là ích kỷ, ghét ganh, đạp đổ…
Khi càng đi về hướng thiếu tình thương thì mình sẽ trở thành một kẻ cô độc, bởi ai cũng cần có tình thương để sống nên quy luật loại trừ ấy tự động thực hiện. Tình thương như thực dưỡng của tâm hồn, chính vì thế mà từ xưa đến giờ ai sống vì con người, sống cho con người cũng thường kêu gọi: hãy thương nhau đi.
Thương nhau là có thể sống cho nhau, nhận diện sự tương tác tích cực của tình thương cho sự phát triển của hạnh phúc chứ không phải để bó hẹp mình và người trong một vài mối quan hệ được gọi thành tên - chính danh như người yêu, bạn bè, thân bằng quyến thuộc. Nếu chúng ta chỉ quan tâm đến mỗi tình thương trong vài mối quan hệ như thế thì chúng ta có thể sẽ khổ và sẽ trở nên ích kỷ. Vì vậy mà Bụt dạy mình tình thương lớn, tất nhiên cũng phải bắt đầu từ những mối quan hệ thực tế trong đời sống như thương cha, thương mẹ, thương vợ thương chồng, thương con cái, yêu đồng bào, đồng loại rồi đến vạn loại chúng sinh…
Phật dạy về tình thương không phân biệt. Và cũng giống như mọi thứ khác trong đời sống, phải tập dần dần, như một đứa trẻ để trở thành vận động viên của môn chạy thì từ nhỏ phải tập bò, tập đi, lớn lên tập chạy, tập cho có sự dẻo dai, bền bỉ… Đó là một quá trình, nên tình thương trong từng người, từng nhóm phải được hun đúc từ bài học yêu thương những đối tượng gần gũi, thân thuộc. Thiền sư Thích Nhất Hạnh dạy về tình thương đó bắt đầu bằng tình mẹ, theo Ngài thì “tình mẹ là gốc của mọi tình thương”.
Hãy thương mẹ! Đó không phải là lời khuyên mà là mệnh lệnh từ trái tim những ai muốn làm người. Chữ người viết hoa có ý nghĩa trong trường hợp này. Bởi vậy, thi thoảng có vài bạn trẻ hỏi tôi về tình yêu, về lòng hiếu thuận và kể cho tôi nghe về vô số những việc làm rất ga-lăng của những người con trai dành cho mình. Nghe xong, ngoài việc mừng cho bạn, tôi còn hay nhắc: em cũng cần quan sát cách anh chàng ấy đối xử với mẹ, với cha, với ông bà, tổ tiên như thế nào nữa. Đừng có choáng ngợp trong những việc làm tốt, những món quà mà người ta tặng mình rồi quên hết, rồi cho đó là tuyệt vời, ngất ngây với nó!
Một người con trai, hoặc một người con gái nếu chưa tốt với cha mẹ mình nghĩa là tình thương của người ấy không có gốc rễ thì thực chất đó là sự thỏa mãn cảm xúc chinh phục cũng như thỏa mãn cảm xúc được yêu của mình mà thôi. Thông qua sự chăm sóc tận tụy cho mình, người đó muốn đạt được cái khác: đó là tình yêu thương của mình và đằng sau đó là vô số những “đặc ân” khác mang tên tình yêu (thương) mà mình sẽ dành cho họ.
Phải nhận diện và kiểm tra cái điều giản đơn ấy rồi tiếp tục làm những bài test khác cho người thương của mình, đó cũng là cách bạn thể hiện tình yêu thương đúng đắn của mình.
Đừng để tình thương vắng mặt cũng chính là châm ngôn cho việc thương yêu đúng đắn. Bởi nếu thương yêu mà ích kỷ, mà không nghĩ đến những giềng mối quan hệ quanh mình và người thương, cũng như không thèm để ý tới bất kỳ ai có nghĩa là mình đang nhồi nặn cho tình thương biến tướng thành lòng ích kỷ, chiếm hữu, phía sau đó là ghen tuông mù quáng, là những hệ lụy ngập tràn!
Vậy là sự “cần nhau” của con người với con người chính là sự có mặt của tình thương, của gốc rễ hạnh phúc, chứ không phải đơn thuần là sự hút nhau về mặt giới tính, hấp lực của những nhu cầu mang tính chất bản năng. Đó mới chính là sự cần nhau thực sự mang ý nghĩa của “ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”, của triết lý về tình thương, thứ chất liệu cho hạnh phúc vững bền.
Tác giả bài viết: Lưu Đình Long
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự