Tình người – chẳng biết viết sao cho đủ, chẳng biết nói sao cho vừa? Thơ ca, văn học, báo chí hay các mảng nghệ thuật khác dù nói về khía cạnh gì đi chăng nữa cũng không ngoài mục đích ca ngợi tình thương yêu nhân loại. Biết rằng thế, nhưng sao lòng vẫn trăn trở, nghĩ suy… Lòng thấy nặng hơn giữa buổi chiều về…Trăn trở, không phải là sự than vãn mà chỉ đơn giản chỉ là sự tìm lại những giá trị đạo đức của nhân loại mà thôi.
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng.
Ôi!
Bầu ơi! Thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
Từ những ngày còn là học sinh tiểu học, ta đã thuộc lòng câu ca dao này rồi. Nhưng… tất cả những sự hiểu ấy cũng chỉ diễn bày bằng ngôn ngữ hoa mỹ của thế gian cho bóng bẩy cái tình người của lý thuyết chứ chưa phải bằng sự trải nghiệm của cuộc đời. Nhìn lại thực tế, có đôi lúc cũng đau lắm thay!
Mới nghe qua tưởng chừng như bi quan, nhưng thực tế không phải vậy! Mở rộng lòng mình, lắng nghe sâu hơn những khúc nhạc của tình người và mắt thương nhìn cuộc đời để ta biết rằng vì sao “Người trong một nước phải thương nhau cùng”? Nên nhớ rằng, đồng bào ta không phải chỉ gói gọn trong nước Việt Nam mà còn ở nước ngoài nữa. Dù cho họ có mang quốc tịch gì đi chăng nữa thì dòng máu đang chảy trong người vẫn là dòng máu của con rồng cháu tiên.
Không phải là cùng một nước mới thương nhau, khác nước là “đá nhau”, phân biệt. Nếu hiểu như vậy, chúng ta đã giết chết giá trị của tình người, tình dân tộc, tình đồng bào, tình đồng loại. “Một nước” chỉ là hình ảnh tượng trưng, còn nói rộng ra là người cùng chung một thế giới của “nước mắt cùng mặn, dòng máu cùng đỏ”. Chúng ta cùng khổ như nhau cả thôi. Thế thì tại sao nhiễu điều lại không phủ lấy giá gương? Tại sao không yêu thương, đùm bọc lẫn nhau? Ta được gì trong chiến tranh đẫm máu? Ta được gì trong tiếng khóc của trẻ thơ?
Khi tiếng súng giữa các khu vực còn nổ, khi máu vẫn còn rơi trong tiếng thét lạc giữa vùng bom rơi đạn nổ là ta biết tình người vẫn còn là cái gì đó nói cho vui miệng, cho thỏa mãn cái danh đạo đức để người ta khen ngợi cái bản ngã hão huyền của cá nhân đó mà thôi.
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương”. Đó là sự đùm bọc, che chở bằng cả sự chân thành mà động từ “phủ lấy” đã nói rất rõ. Dân tộc này “phủ lấy” dân tộc khác, quốc gia giàu mạnh “phủ lấy” quốc gia chậm phát triển không phải là sự xâm chiếm mà phải là sự sớt chia, bao bọc làm ấm lại tình người. “Nhiễu điều” và “giá gương” là hai vật quý trên bàn thờ tổ tiên, nhờ sự “phủ lấy” của “nhiễu điều” mà “giá gương” và cả tấm gương được sáng trong, không bụi mờ. Cũng vậy, nhờ sự “phủ lấy” của đất nước phát triển mà những nước chậm phát triển đã khá hơn trước, lá rách cũng không còn rách nữa mà lành lặn hơn, đẹp hơn bởi cái đùm bọc của lá lành!
Tôi là bầu, anh là bí nhưng chúng ta cùng chung một giàn. Đất nước Việt Nam tôi là bầu, đất nước các bạn là bí nhưng chúng ta cùng chung một giàn là mẹ trái đất. Tôi là dân tộc Kinh, anh là dân tộc vùng núi. Nhưng thì sao? Ta vẫn chung một giàn của đất mẹ Việt Nam. “Bầu và bí” là hai hình ảnh tượng trưng để chúng ta có tình yêu thương không sự phân biệt. Khi thọ lấy thân là ta biết đã thọ lấy khổ, vậy cớ gì còn nhìn bằng con mắt nhị nguyên của sự đối đãi, phân chia mà không thương lấy nhau?
Kho tàng ca dao, tục ngữ của dân tộc ta vô cùng phong phú nhưng có đôi khi ta chỉ viết bằng ngôn ngữ cọc cạch của thế gian. Trước đây, khi viết về câu ca dao này, ta chỉ đề cao tinh thần yêu nước nhưng ta lại không biết yêu luôn cả nước bạn. Tình người không thể hạn hẹp trong một xóm làng, một thành phố, một đất nước mà phải trải rộng ra cả nước khác. Vì chúng ta cùng một giàn mẹ trái đất như nhau cả thôi. Nếu ta chỉ biết thương cái nhánh gần mình mà không biết thương những nhánh khác thì cũng chẳng khác nào làm cho giàn trái đất này lung lay.
Tình thương mà Đức Phật dạy là nó phải vượt qua sự phân biệt, là sự đổ vỡ của thế giới hữu ngã không chứa đựng cái tôi hay cái của tôi. Lật lại từng trang báo thời sự trong nước và trên thế giới, ta nhận xét gì về tình người của thời đại @, thời đại toàn cầu hóa, thời đại mà con người ta đang ca ngợi một nếp sống văn minh? Vùng Phi châu, đói vẫn đói, chiến tranh vẫn chiến tranh. Vùng Âu châu, súng vẫn nổ ở một vài quốc gia.
Vùng Á châu, bạo động vẫn còn âm ỉ, đâu đó vẫn còn nghe tiếng súng. Và đất nước ta, không hiểu sao lại ngày càng mọc lên những vụ án giết người man rợ, ghê không khác gì phim!!! Bạo động học đường bắt đầu nhen nhóm rồi bùng lên. Thật dễ sợ! Tất cả là do đâu? Nền tảng đạo đức con người chưa được xây dựng vững chắc. Đồng ý rằng không thể đạt được cái hoàn hảo nhưng cũng không nên để cái tiêu cực phát triển nhanh như vậy.
Cuộc sống này vốn dĩ chẳng có tội. Lỗi là do chúng ta chưa từng biết chấp nhận cái khiếm khuyết của riêng mình, ta đã che đậy nó quá kỹ lưỡng, không cho ai biết và cũng chẳng cho ai đụng tới. Ta chưa từng biết yêu thương người xung quanh mình nên thủ đoạn đã được che đậy dưới lớp chữ của tình thương, chính vì thế cũng đừng ngạc nhiên khi ta lúng túng, ngượng nghịu trong cách giúp đỡ một người khó khăn.
Nếu con người của thời đại @ chưa biết trân trọng những sự trở ngại như một cơ hội để thử sức mình, chưa dám tin vào mình, chưa biết cách yêu thương và tha thứ (đó là chưa nói đến phải yêu thuơng và tha thứ những kẻ mà ta cho là “oán tắng hội khổ”) thì chưa thể gọi là văn minh được. Còn nhiều vấn đề mà tôi muốn chia sẻ cùng bạn như một chút gì đó để chén trà trên tay thôi không nặng lòng ưu tư. Nhưng thôi! Đành im lặng như một dấu ba chấm vì ngôn ngữ đã không thể họa bày hết được.
Trở lại với vấn đề, những câu ca dao trên đều nói về tình yêu thương con người. Cần nhấn mạnh thêm rằng, chúng ta dù là huynh đệ hay không phải là huynh đệ thì cũng đồng một họ Thích. Hãy thương yêu nhau bằng tình đạo vị, không phân biệt hệ phái, vùng miền, có như vậy thì “giàn” Phật giáo Việt Nam mới phát triển được.
Nói tóm lại, viết về giá trị của tình người, ngôn ngữ chỉ là phương tiện để nói lên phần nào đó những điều muốn sẻ chia. Không nên nói bằng ngôn ngữ của thế gian mà hãy nên nói bằng tất cả tình cảm của tình nhân loại. Dù đây là chủ đề không còn mới mẻ gì nhưng ta cũng nên hiểu tất cả những câu ca dao ấy theo nghĩa rộng hơn, vượt qua biên giới của sự hạn hẹp bởi tình thương cần phải được trải rộng.
Khi chữ “Tình” xuất hiện cũng có nghĩa là sự truyền thông đã có mặt. Điều này chứng minh là ta đã đặt nền tảng cho “hiểu và thương”. Tình người là sự truyền thông của nhân loại, là sự truyền thông giữa các dân tộc và quốc gia. Tình người cũng là tình huynh đệ, tình Tăng thân được xây dựng trên nền tảng của Lục hòa và đó chính là giá trị miên viễn cần phải được bảo vệ, chớ để cho tình người xói mòn trong mỗi thời đại. Và khi đó, máu đã ngừng rơi, nước mắt đã ngừng chảy và súng đạn cũng không còn diễn ra nữa.
Vâng!
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người cùng trái đất phải thương nhau cùng.
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
Tác giả bài viết: Nguyễn Giác Hạnh
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự