Tình yêu là gì sao ta lại khao khát đến vậy?

Thứ bảy - 15/06/2013 19:22
Sự sống là quá trình đốt cháy vì nó tiêu hao năng lượng. Nói là tiêu hao cũng không phải mà phải nói là trao đổi năng lượng. Năng lượng không thể tự nhiên tiêu hao đi mà thay hình đổi dạng, hay chuyển đổi từ năng lượng này sang năng lượng khác.
Năng lượng điện đi vào quạt máy đẩy gió đi, năng lượng điện đâu có mất, nó đã đi vào năng lượng gió rồi. Tình yêu luôn có sự trao đổi, nếu không thì tình yêu rất đơn phương.

Yêu thì phải yêu ai hay yêu cái gì, tức là có đối tượng của tình yêu. Nếu được đối tượng đáp lại thì có sự trao đổi. Dù người hy sinh cách mấy, kể cả thân mạng, cũng có sự trao đổi trong đó, tức là muốn chứng tỏ tình yêu hay muốn được đền đáp bằng tình yêu. Khi đã nói muốn tức là có mong cầu và khi mong cầu quá nhiều thì nó trở thành gánh nặng. Thời buổi này nói đến mái nhà tranh hai quả tim vàng quả thật đã lỗi thời. Yêu nhau mà ngồi ăn cháo với muối chắc khổ lắm, năng lượng tiêu hao dữ lắm. Cho nên phải đi làm, phải lo cho sự nghiệp để đảm bảo cho tình yêu. Sau này có con cái thì phải lo cho con nữa.

Những người may mắn có sự nghiệp rỡ ràng nhưng chưa chắc có tình yêu. Nhiều người giàu có mà tình yêu khổ sở lắm, người giàu cũng khóc là vậy. Vì thế, chỉ yêu thôi đâu có đủ, phải có nhà ở, không lẽ ở nhà thuê hoài, phải có ti ền chi tiêu, không lẽ cứ xin ba mẹ, phải có công việc làm, không lẽ mọi thứ từ trên trời rơi xuống. Cơm áo gạo tiền đốt cháy sức lực khủng khiếp, đây là chưa nói tới cạnh tranh torng công việc hay tự nhiên xuất hiện tình địch. Có câu hát, Đường vào tình yêu có trăm lần vui có vạn lần sầu.

Nghe sao bi quan quá nhưng sự thật là vậy, vui thì ít mà sầu thì nhiều. Lúc sầu quá thì người muốn trốn tránh tình yêu, như chạy đi thật xa, đổi số điện thoại, không trả lời thư, di chuyển chổ ở, thậm chí thay hình đổi dạng và có người chạy vô chùa tu để trốn tình yêu. Có câu, Tình cũ không rủ cũng tới, hay là câu, Theo tình thì tình chạy và chạy tình thì tình theo. Ngay cả Lý Mạc Sầu cũng phải thốt lên, Hỡi thế gian, tình là gì? Người có nhu cầu trốn tránh khổ đau nên tìm kiếm hay sử dụng phương tiện để lánh nạn, nạn này là nạn khổ đau. Dẫu biết yêu có thể có nhiều khổ đau nhưng sao người vẫn cứ yêu, muốn yêu và tìm kiếm tình yêu cho bằng được?

Tình yêu đã có từ vô thỉ, tổ tiên đã từng yêu, ông bà đã từng yêu, ba mẹ đã từng yêu và giờ đây người cũng bước vào đường tình đường yêu. Người khát khao tình yêu vô bờ bến vì nhu cầu yêu thương của người nó cứ dào dạt. Nhiều người thẫn thờ, ngày quên ăn, đêm quên ngủ vì hình bóng người kia choáng ngợp cả tâm trí. Mà cái gì choáng ngợp mới được, ánh mắt chăng, đôi bàn tay chăng, giọng nói chăng… Liệt kê hết 1000 cái choáng ngợp đi chăng nữa cũng không nằm ngoài lục nhập. Con người sinh ra để gây choáng ngợp lẫn nhau.

Nhiều cặp đôi không có đẹp hình đẹp dánh nhưng vẫn dính vào nhau vì họ bị choáng ngợp những cái khác, như tài năng, tài ăn nói, tài dí dỏm, tài làm ăn… Xuân Diệu nói về sự khát khao của tình yêu như sau, Đã hôn rồi hôn lại, hôn đến mãi muôn đời, đến tan cả đất trời, anh mới thôi dào dạt. Đất trời tan đi mới thôi khao khát tình yêu thì có thể cho là tình yêu hết sức mãnh liệt, nhưng người đời nhìn bằng con mắt của khát khao, của chưa bao giờ thỏa mãn, nên mới so sánh như thế. Đối với nhân duyên thì cái này lụy tình quá, người chưa bao giờ biết dừng lại, mà khi chưa chịu dừng lại thì nhân duyên cũng sẽ tiếp tục sứ mệnh của nó. Một cư dân Bosnia được xem là đã lấy vợ 162 lần và có rất đông con. Để hợp pháp hóa việc cưới vợ, người này phải li dị rồi lại cưới, và li dị rồi lại cưới, cứ thế. Đã tr ên 75 tuổi nhưng ông vẫn muốn cưới vợ nữa. Không hiểu ông đã thể hiện sự khao khát trong tình yêu như thế nào? Cưới vợ nhiều cũng là một thứ nghiệp và chắc là ông không có hạnh phúc lắm vì ăn ở với nhau trong một thời gian ngắn rồi dẫn ra tòa li dị nên đau khổ ắt hẳn diễn ra triền miên.

Cuốc sách Cô đơn vào đời của Dịch Phấn Hàn có đoạn, Tình yêu là một việc rất bất đắc dĩ. Tình yêu là một hỗn hợp của sự tất yếu, không thể tránh khỏi, nhưng nó cũng chẳng thể nào làm chúng ta thỏa mãn. Còn tình cảm gia đình thì sao? Cũng bất đắc dĩ như vậy cả thôi. Bạn không có quyền lựa chọn bố mẹ sinh ra mình. Bạn cũng không có quyền lựa chọn tình cha hay tình mẹ. Bạn sẽ nhận được bao nhiêu tình cảm của cha mẹ, điều đó bạn chẳng thể quyết định được. Tình bạn còn bạc bẽo hơn. Giữa nam và nữ không có tình bạn, một là yêu, hai là không yêu.

Câu chữ “bất đắc dĩ” được lặp đi lặp lại trong đoạn văn dường như tác giả muốn nói đến điều không thể tránh khỏi của tình yêu. Tình yêu biểu hiện nên con người biểu hiện và con người biểu hiện thì chắc chắn tình yêu biểu hiện. Nói không có quyền lựa chọn ba mẹ âu cũng chưa chính xác vì tâm thức cộng đồng lôi kéo những tâm thức tương đồng với nhau hay những tâm thức cần phải gặp nhau. Chính người lựa chọn ba mẹ cho người vì sự sắp đặt của người trong nhiều kiếp. Ba mẹ ứng xử với người ra sao, người yêu ứng xử với người ra sao hay bạn bè ứng xử với người ra sao tùy thuộc vào cách người ứng xử với họ. Nếu phải sống chung với người tâm đầu ý hợp thì người sẽ thấy hạnh phúc lắm vì người đã từng gieo trồng những hạt giống của đoàn kết, của vị tha hay của sự hòa giải.

Nếu phải sống chung với người không tâm đầu ý hợp thì người sẽ thấy nhiều bất trắc trong đời sống hôn nhân, âu cũng là do người đã từng giao trồng những hạt giống của không đoàn kết, của hận thù hay của sự chia rẽ. Một chút bâng khuâng giữa dòng đời có thể khiến người chạnh lòng và tìm ra con đường muốn đi. Có những thành tựu rất lớn từ những khai sáng rất nhỏ, nên không xem thường những điều nhỏ. Một chút bâng khuâng trong tình cảm nhưng nhiều khi lại nấn ná rất lâu và nhiều cái một chút như thế lại dẫn đến quyết định to lớn. Chánh niệm về tình yêu thì người biết mình đang yêu, nhưng người sẽ xây đắp cho mình một con đường tình yêu có hạnh phúc, có thủy chung, có tào khang, có sắc son, có hy sinh và nuôi dưỡng những giá trị đích thực.

Trong các bài thiền tập đều có bài liên quan đến thu thúc sáu căn nhằm giảm bớt vọng niệm. Vọng niệm gia tăng sẽ làm gia tăng ý niệm về bản ngã. Bản chất của lục nhập là không có tự tánh, tức là không có cái ta riêng biệt, nó là biểu hiện của các cơ quan, của dây thần kinh nên nó vốn thanh tịnh. Mắt này vốn thanh tịnh, tai này vốn thanh tịnh và các căn khác cũng vốn thanh tịnh. Các căn trở nên không còn thanh tịnh nữa khi thức trở nên bâng khuâng lúc tiếp xúc với cảnh trần. Và khi thức phân biệt tức là còn kì thị, tính chất kì thị là biểu hiện của sự không thanh tịnh. Sở dĩ nói thân Phật thanh tịnh như lưu li vì thân Phật không còn kì thị như thân chúng sinh.
 
Sở dĩ nói tâm Phật sáng ngời như trăng tỏ vì tâm Phật không còn kì thị như tâm chúng sinh. Muốn tình yêu trong sáng thì việc sử dụng sáu căn cũng phải trong sáng, giảm bớt kì thị đi, giảm bớt vọng niệm đi hay giảm bớt ý niệm về bản ngã đi. Bản ngã như một cái đinh, nó đóng vào đó những cố chấp và bao nhiêu si mê nên mọi thứ đều trở nên không trong sáng hay không lành mạnh. Sáu căn đẹp hay không đẹp không quan trọng, vấn đề là sử dụng nó một cách lành mạnh. Chăm sóc cho sáu căn không phải là cung phụng hay chiều chuộng nó mà chính là làm rơi rụng những phân biệt, nhìn thế giới bằng sáu căn bình đẳng, tức là bằng con mắt bình đẳng, bằng cái tai bình đẳng, bằng cái thân bình đẳng, bằng ý nghĩ bình đẳng… Hạnh phúc hay khổ đau của tình yêu đều bình đẳng, nếu không thấy vậy vì người chưa cung cấp đủ điều kiện để thấy tính bình đẳng của nó.

Hạnh phúc là bình đẳng, và thử nhìn xem điều gì khiến một tình yêu có hạnh phúc. Khổ đau là bình đẳng, và thử nhìn xem điều gì khiến một tình yêu có khổ đau. Chất chứa hạnh phúc nên được hạnh phúc và chất chứa khổ đau nên được khổ đau, bình đẳng là như vậy. Hai người nam nữ quyết định chỉ là bạn không tiến xa hơn nữa, nhưng điều kiện tiếp xúc cứ diễn ra, cứ gặp gỡ, cứ tâm sự, cứ trao đổi thông tin, cứ chăm sóc và đến khi thấy không thể thiếu vắng nhau được nữa, họ đẩy tình bạn lên cao trào mới, và tình yêu đáp lời. Trong tình bạn có tình yêu và tình yêu chờ cho tình bạn chín muồi thì bước tiếp hành trình của nó. Từ tình bạn đến tình yêu là bình đẳng vì người đã cung cấp các điều kiện cho tình yêu đơm hoa kết trái. Cho nên không có gì là tự nhiên hay bất đắc dĩ đâu nhé.

Một lần đức Phật đã dạy thầy Anan và đại chúng như sau, Lành thay Anan, ông muốn biết câu sinh vô minh là cái đầu gút khiến ông luân chuyển sinh tử, đó chính là sáu căn của ông, chớ không phải vật gì khác, ông muốn biết tánh vô thượng bồ đề khiến ông mau chứng an lạc giải thoát, tịch tịnh diệu thường, cũng là sáu căn của ông, chớ không phải vật gì khác. Nói sáu căn là nguồn gốc sinh tử chỉ là một chiều mà sáu căn cũng là nguồn gốc của chấm dứt sinh tử tức là niết bàn. Khi thu thúc sáu căn và sáu căn trở nên thanh tịnh thì sáu căn không còn dính mắc sáu trần, buông bỏ được mong mỏi chạy theo sáu trần thì sáu căn thể nhập niết bàn.

Làm cho sáu căn thanh tịnh không phải là mua thuốc nhỏ mắt V-Rhoto nhỏ vào cho mát con mắt mà lành mạnh hóa việc sử dụng mắt căn. Buông thả sáu căn thì sáu căn bất tịnh, không phải là mắt bị đau, mà mắt căn đã bị ô nhiễm, bị sắc trần làm cho nhuốm bệnh, đây gọi là bệnh căn. Nếu nói người có căn tu thì cũng có thể nói người có căn không tu. Căn tu là đem sáu cái căn ra mà tu, hay thu nhiếp sáu căn vào chánh niệm. Căn không tu là đem sáu cái căn ra mà phá, hay đem rao bán sáu căn cho con ma thất niệm. Tình yêu được khao khát như lục nhập được khao khát. Chánh niệm về tình yêu chẳng qua là chánh niệm về sáu căn. Chánh niệm về mắt thì con mắt không láo liêng. Chánh niệm về tai thì tai không nghe ngóng.

Chánh niệm về mũi thì mũi không tầm cầu. Chánh niệm về lưỡi thì lưỡi không tìm kiếm. Chánh niệm về thân thì thân không buông thả. Chánh niệm về ý nghĩ thì ý nghĩ không trôi lăn. Chánh niệm về tình yêu thì hãy sống sâu sắc trong đối tượng của tình yêu đó, chấp nhận mà thương sáu căn của đối tượng đó, không chạy theo đối tượng nào hay chạy theo sáu căn của đối tượng nào nữa. Nếu sáu căn có giây phút bâng khuâng hay giây phút chạnh lòng thì nhờ chánh niệm mà biết dừng lại, đây mới gọi là thủy chung đích thực. Thủy chung đích thực là thu thúc sáu căn.

Sáu căn chẳng qua cũng chỉ là tứ đại, do nhân duyên mà hình thành nên con mắt. Trong Kinh Tâm Sự Với Người Bệnh, thầy Xá Lợi Phất dạy ông Cấp Cô Độc, Này ông Cấp Cô Độc, ông hãy quán chiếu con mắt, con mắt này không phải là ta, ta không bị kẹt vào con mắt này. Và trong Kinh Chánh Kiến cũng có đoạn, Khi nhân duyên đủ thì con mắt biểu hiện và khi nhân duyên thiếu vắng thì con mắt không biểu hiện, khi con mắt biểu hiện thì con mắt không phải có và khi con mắt không biểu hiện nữa thì con mắt không phải không. Người có đôi mắt đẹp vẫn không thể tránh nổi già nua và vết chân chim hằn sâu để rồi sau đó tan thành cát bụi.

Đôi mắt này không phải của ta, ta không thể phán cho nó đẹp hay không đẹp. Dù bỏ tiền đi làm thẩm mỹ, đôi mắt cũng sẽ mờ dần. Tứ đại ở khắp mọi nơi nên mình cũng ở khắp mọi nơi. Đôi mắt của người thương cũng là đôi mắt của người. Tứ đại của người thương cũng là tứ đại của người. Và khi đứa con chào đời, đứa con đó cũng là người, nó mang đôi mắt của người, nó mang tứ đại của người. Người hóa thân rất nhiều vì người tiếp nối vô lượng. Khi tứ đại tan rã, người lại đi vào địa cầu, đi vào sông suối, đi vào gió, đi vào sức nóng, đi vào không gian thênh thang. Người luôn được sinh ra vào ngày mới và sáu căn cũng thế, lúc nào cũng mới. Ngôi nhà mà người đang ở có vẻ cũ dần nhưng thực ra nó đang mới, mới trong dáng vẻ của ý niệm về sự cũ đi của ngôi nhà. Ở trong ngôi nhà hoài được cho là cũ, nhưng thử đi vào một ngôi nhà khác thì ngôi nhà có vẻ là mới, ngôi nhà mới ở.

Mỗi ngày người đi học hay đi làm qua những con đường quen thuộc nhưng con đường đó ngày nào cũng mới, những người trên đường hôm nay tiếp xúc khác với ngày hôm qua, mặt đường sạch hơn hay bụi hơn, dòng người thưa thớt hay đông đúc hơn, nên cái gì cũng mới. Tình yêu cũng mới nữa. Ngày hôm nay cách mà người hành xử trong tình yêu đã khác rồi. Đành rằng tình yêu cần làm mới, nếu không nó dễ nhạt nhòa lắm. Khi tình yêu nhạt nhòa thì người muốn làm cho nó đậm sâu. Tình yêu cần có sự khiêm cung, bằng không ý niệm bản ngã xâm chiếm. Có câu, Vợ đẹp là vợ người ta. Người không tự tin torng việc giữ người vợ đẹp vì người ý thức rằng cái đẹp có tính bay nhảy.

Do quá đỗi tự hào về sắc đẹp của sáu căn mà người đánh mất sự khiêm cung nên không thấy tính vô thường của nó. Chúng sinh thích được khen về sáu căn lắm, đơn giản vì chúng sinh cho sáu căn là tối thượng. Nếu không khiêm cung với sáu căn thì khi sáu căn tàn lụi, người có xu hướng làm giàu, không phải làm giàu cho người mà làm giàu cho thẩm mỹ viện, nhưng thẩm mỹ viện có tài ba cách mấy và ngành khoa học thẩm mỹ có thành quả cách mấy cũng không thể tân trang cho một hình hài úa tàn theo năm tháng. Đôi khi người cũng nên mừng vì mình già đi và chuẩn bị chết. Nhờ già mà người trân quý sự sống và nhờ chuẩn bị chết mà người trân quý từng phút giây, trân quý hiện tại.

 Ta sinh ra vào một ngày mới
Tình yêu xung quanh đang gọi mời
Dù hạnh phúc lúc đầy lúc vơi
Dù khổ đau, thảnh thơi ta bước tới.

Giá như ta không còn gặp nhau
Thì ta có thấy đời nhiệm mầu
Thấy bình minh lên trời tỏ rạng
Thấy cánh chim bay những ngút ngàn.

Ta viếng thăm sự sống nơi này
Thôi không còn phiền não bủa vây
Thôi bươn chãi hờn, yêu, giận, ghét
Cho tình thương bung nở tháng ngày.

Nguồn tin: Đàm Linh Thất

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây