Câu chuyện thứ nhất
“Em ấy không thi đỗ thì còn ai có thể được vào trường đó nữa”. Đó là lời thầy giáo cấp hai nói với mẹ tôi trước kỳ thi vào trường chuyên cấp ba "xịn" nhất nhì tỉnh. Lúc ấy, tôi, gia đình, nhà trường hay bạn bè đều coi việc tôi thi đỗ là một điều hiển nhiên. Một học sinh chuyên Anh nhưng năm nào điểm tổng kết Văn, Toán cũng trên chín phẩy, lý do gì để nó thi trượt trường chuyên? Tôi vẫn giữ trong lòng niềm tin ấy, sự hiếu thắng, cao ngạo ấy cho đến ngày biết kết quả thi…35 điểm. Tôi trượt!
Số điểm chỉ đủ để vào một trường trung học phổ thông tầm trung của tỉnh. Tôi xấu hổ và cảm thấy mọi người như đang thương hại mình. Bao nhiêu câu “Giá như…” hay “Nếu như…” nhảy múa trong đầu. Tôi không khóc, vẫn làm mọi việc như bình thường chỉ có điều trong im lặng, một thời gian dài tôi không bước ra khỏi nhà, không họp lớp, không liên hoan, không gặp bất cứ ai trừ gia đình mình.
Một ngày trước hạn cuối nộp hồ sơ nhập học, mẹ ôm tôi vào lòng, tôi đã khóc nức nở như một đứa trẻ con. Mẹ không nói, vỗ về tôi nhẹ nhàng. Đợi tiếng khóc của tôi nín dần, mẹ cất tiếng: “Mẹ tin sau vấp ngã này con sẽ lớn lên, con đã quên lúc bố bỏ mẹ con mình chỉ cách ngày thi vào cấp hai của con mấy tháng nhưng cuối cùng con vẫn thi đỗ vào trường chuyên đúng không? Mẹ muốn nhìn thấy lại sự cố gắng của con như ngày ấy”. Buổi sáng hôm ấy, khi mẹ chuẩn bị đi nộp hồ sơ nhập học, tôi xuống nhà, mỉm cười thật tươi: “Mẹ ơi, con đi với mẹ nhé”. Tổng kết học kỳ một, tôi là học sinh có điểm tổng kết cao nhất khối.
Bài học thứ nhất: Khóc không phải là cách giải quyết vấn đề!
Câu chuyện thứ hai
Ngồi viết bài báo này, ngẫu nhiên hôm nay lại là tròn mười năm từ ngày bác mất. Khi hai mẹ con tôi dọn về nhà mới, người hàng xóm mới - là bác đã giúp đỡ hai mẹ con tôi bắt quen từ cuộc sống bỡ ngỡ ban đầu. Từ một người đàn bà chỉ làm việc nội trợ trong nhà, mẹ tôi bước ra cuộc sống bên ngoài với đứa con gái bốn tuổi và bao công việc bộn bề khác. Mỗi lần vòi nước hay đồ điện hỏng, mỗi lần có thông báo bão về, bác đều tất bật lo cho gia đình mình rồi chạy sang nhà tôi để hỏi han giúp đỡ, lúc thì giúp mẹ sửa chữa bóng điện, khi lợp lại mái nhà. Hai gia đình sát vách nhau, tuổi thơ của tôi gắn liền vớ chị Quỳnh và chị Mai – hai cô con gái của bác. Đã có lúctôi nghĩ chúng ta như một gia đình, bác là bố, cháu có thêm mẹ Xuân, có thêm hai chị gái, điều ấy thật tuyệt! Nhưng cuộc đời ai biết chữ ngờ, khi bác phát hiện ra mình bị ung thư vòm họng. Bác giấu gia đình, bác dùng tất cả thời gian còn lại cuối cùng của chăm lo cho lũ trẻ. Cả 3 đứa con luôn được bác cho đi chơi mỗi cuối tuần, luôn được nhận những tấm quà mỗi khi bác "đi công tác Hà Nội". Phên, rào, liếp, dậu của cả hai nhà được ác chăm chút lại, đường nước đường điện không hỏng bác cũng mang ra sửa sửa, cắt cắt, ai hỏi bác những cơn húng hắng ho, bác chỉ cười: "Chuyện vớ vẩn ấy mà, chắc sắp khỏi". Ấy thế mà bác đi. Đột ngột! Tôi và hai chị đờ đẫn cả một thời gian vì thiếu vắng dáng hình bé nhỏ nhưng chắc nịch và hiền hòa. Bác đi, gia đình bác cũng chuyển đến một nơi ở mới. Và mỗi khi nhắc về chuyện cũ, tôi vẫn cảm giác được tiếng cười, giọng bênh vực của bác mỗi khi tôi bị mẹ cho ăn đòn. Bác là một phần ký ức tuổi thơ của tôi.
Bài học thứ hai đến với tôi là: Tình yêu có ở mọi nơi, San sẽ nụ cười đi, nụ cười ấy sẽ còn mãi.
Câu chuyện thứ ba: Ngày hôm nay, con đường ấy, người nắm tay tôi không còn là anh nữa. Tôi một thời vụng dại đã từng coi anh là cả thế giới của mình, đã nghĩ nếu mất anh em sẽ không biết dựa vào ai khác. Suy nghĩ về những chuyện đã qua, câu chuyện của tôi và của anh. Tôi sẽ mãi mù quáng, sẽ mãi lao đầu vào con đường tăm tối ấy để có thể được ở bên anh cho dù chứng kiến anh nói cười với bao người khác nếu không có sự ra đi của đứa bé – thiên thần nhỏ bé của anh và người ta. Ngày chúng ta biết sự xuất hiện của nó cũng là ngày mất nó. Sự ích kỷ, nông nổi của tuổi trẻ, người gánh chịu hậu quả lại là một sinh linh bé bỏng chưa thành hình thành hài. Có lẽ khi đó, với một cô gái mới bước qua sinh nhật tuổi hai mươi như tôi, tổn thương này là quá lớn, tôi chưa từng nghĩ tình yêu của mình sẽ nhiều nước mắt như thế, sẽ gây đau khổ cho nhiều người như thế. Đó cũng chính là lúc tôi quyết định khép chặt trái tim mình.
Nhiều năm trôi qua, với những niềm vui bên bè bạn, cuộc sống và thêm nhiều những trưởng thành từ trong sâu thẳm. Tôi biết cười nhiều hơn, lúc đầu chỉ là nụ cười gượng gạo để người khác yên tâm. Sau rồi tôi hiểu, tiếng cười ấy ngấm dần, ngấm dầnđã xuyên qua trái tim vốn vô cảm lạnh băng của tôi khiến nó ấm áp và ngập tràn ánh sáng. Thay vì cố gắng cười, cố gắng sống tiếp cuộc sống của mình. Tôi nhận ra nụ cười trong những khoảnh khắc khó khăn vô cùng quan trọng, là điều không hề dễ, nhưng chỉ cần tôi đủ dũng cảm cho một nụ cười trước nghịch cảnh thì ngay từ khoảnh khắc ấy tôi có thể cam đảm mà bước tới.
Bài học thứ ba: Không có điều gì là mãi mãi, nhưng nụ cười là phương thuốc mãi mãi làm thức giấc niềm vui sống và niềm tin trong chính bạn.
Ai đó đã từng nói, khóc là niềm riêng, cười là phép cộng, cho sự cao thượng, cho cây cải đắng quên lòng mình đang đắng, nở hoa vàng dọc suối để ong bay...!
Cuộc sống của sinh viên FU là tổng hợp của nhiều câu chuyện, vui có, buồn có. Nhưng mong là với mỗi câu chuyện bạn đều có thể vượt qua những ngưỡng bất lực trước hoàn cảnh của mình, chọn lấy nụ cười để nhẹ nhàng bước tiếp.