Bảo hộ thân tâm trong mùa thi

Thứ sáu - 05/07/2013 20:42
Vào mùa thi, có rất nhiều bạn trẻ thích lên chùa học bài, phần vì yên lặng, phần vì có cơ hội tĩnh tâm sau khi học mệt.
Làm gì để những mùa thi không phải mệt nhoài thế này?. Tranh minh họa từ Internet.
Làm gì để những mùa thi không phải mệt nhoài thế này?. Tranh minh họa từ Internet.
Tháng 6, tháng 7 là mùa thi tốt nghiệp, thi tuyển sinh Đại học, Cao đẳng với khá nhiều áp lực về kết quả, về những dự định, nên học trò sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng tâm lý, sức khỏe… Làm thế nào để mình không stress cũng như vượt qua áp lực một cách nhẹ nhàng?

Học vừa sức!

Đó là lời khuyên của rất nhiều người đi trước và của những chuyên gia sức khỏe, tâm lý. Vừa sức là đừng ép mình phải quá sức bằng những cái mốc phải đạt được mà mình biết chắc là trong một sớm, một chiều mình chưa có khả năng đó. Nếu ép mình phải được những số điểm ngất ngưỡng nào đó trong khi sức học mình chỉ đủ để đậu là một điều vô lý, nên phải thoải mái tâm lý, đừng “nhìn người khác” mà cố đạt điều mình chưa thể.

Không phủ nhận việc “cạnh tranh” trong học tập sẽ giúp cho ta có thêm động lực phấn đấu nhưng phải nhớ “cạnh tranh lành mạnh”. Nghĩa là trên cơ sở của “tiềm lực” mỗi người mà cố gắng hết mình và chấp nhận những kết quả đạt được. Điều đó cũng nằm trong tinh thần của học vừa sức, không để mình bị chi phối bởi kết quả của người khác, làm cho mình “bỏ hình bắt bóng”, chạy theo “thành tích ảo” để rồi “xôi hỏng bỏng không”.

Nương tựa gia đình

Không một ai thành công mà thiếu một điểm tựa để chia sẻ mỗi khi thất bại cũng như để có động lực phấn đấu. Một trong những điểm tựa vững chãi nhất đó là gia đình, ở đó có những thành viên biết yêu thương nhau, lắng nghe, chia sẻ được với nhau nên sẽ giúp cho mình có niềm tin vào đường hướng phía trước. Rất nhiều người thành công chia sẻ về những tháng ngày đèn sách, lam lũ của mình chính là vì tình thương của cha, mẹ, vì hộp sữa bò mẹ chắc chiu mua cho mình bồi dưỡng trong những mùa thi…

Có bạn, không còn cha mẹ hoặc thiếu vắng một trong hai đấng sinh thành, vì lý do nào đó, song vẫn giữ sợi dây liên lạc “huyết thống tình thâm” với người thân đã khuất, cố gắng học-hành-thành đạt, xem như “món quà” tặng cho những người thân-thương của mình. Chính vì vậy, lý do để mình phấn đấu có khi là “vì một ai đó mình thương yêu, trân trọng, dù người còn hay đã mất” cũng chính là một cách tạo ra sức mạnh để mình không chùn bước dẫu có thể mình sẽ gặp thất bại một đôi lần.

Nương tựa tâm linh

Không phải ngẫu nhiên mà vào mùa thi, nhiều chùa đã tổ chức cho học sinh, sĩ tử một buổi lễ cầu nguyện. Tất nhiên, không phải là để giao phó kết quả đậu, rớt cho Phật, Bồ-tát mà ý nghĩa chính là nhờ vào tha lực của sự chú tâm cầu nguyện nơi chư Tăng và sĩ tử, sẽ giúp cho các bạn ổn định tinh thần, sáng suốt hơn trong khi làm bài, bước vào phòng thi. Với niềm tin được sự gia trì kết hợp với kết quả của sự chú tâm nguyện cầu luôn luôn làm tăng thêm năng lực tinh thần (nhờ định sinh tuệ) nên người thực hiện nghi thức cầu nguyện, lễ Phật, đi chùa thường sẽ vững chãi, sẽ dễ phát kiến ra những điều hay hơn là những người không có sự định tâm, sự vững chãi…

Cũng vậy, vào mùa thi, có rất nhiều bạn trẻ thích lên chùa học bài, phần vì yên lặng, phần vì có cơ hội tĩnh tâm sau khi học mệt. Nhìn ngắm Đức Phật, tôn tượng Bồ-tát… rồi nhắm mắt thở vào, thở ra thật nhẹ nhàng, mỉm cười thật an nhiên với các Ngài cũng sẽ làm mình thư thái, tiêu tan bớt rất nhiều lo lắng, muộn phiền.

Trong thiền môn, có bài kệ tán Phật rằng: “Xinh tốt như hoa sen/ Rạng ngời như Bắc Đẩu/ Xin quay về nương náu/ Bậc thầy của nhơn thiên/ Sen quý nở đài giác ngộ/ Hào quang chiếu rạng mười phương/Trí tuệ vượt tầm pháp giới/ Từ bi thấm nhuận nong sông/ Vừa thấy dung nhan Điều Ngự/ Trăm ngàn phiền não sạch không” chính là để nói lên cái ý này.

Có một chốn về tâm linh, nhất là vào những thời điểm cam go thi cử, ta lên chùa lạy Phật, thỏ thẻ với Ngài về thuận lợi, khó khăn, mong Ngài gia hộ mình vững chãi cũng chính là đang tưới tẩm những hạt giống lành tốt, mạnh mẽ trong mình để “bão giông không đốn ngã”, để những mệt mỏi muộn phiền của mùa thi không làm mình như cạn kiệt sức sống, ta ơi!

Quán niệm về thi cử

Không ai đi thi lại muốn mình không đậu. Nhưng, chuyện thi đỗ, thi trượt vốn là điều hiển nhiên trong mỗi mùa thi nên đừng quá nặng lòng với kết quả. Đậu thì đương nhiên vui, nhưng chưa đỗ thì cũng đã sao? Cuộc sống có những lối rẽ mà mới dừng lại, rẽ ngang qua, ta cứ nghĩ là thất bại, là thụt lùi, nhưng biết đâu con đường nhỏ lắm khi lại an toàn, đi đường vòng hơi xa nhưng vừa sức, chậm mà chắc. Nhất là thời đại này, cơ hội học tập và thành đạt không phải chỉ bắt đầu với duy nhất bởi một cánh cửa là Đại học. Nhiều lớp học, khóa học kỹ năng với bằng cấp tương tự, có cơ hội để học lên nữa không phải là hiếm, nếu không muốn nói là rất nhiều.

Do vậy, chỉ cần ta chịu khó nhìn thoáng một chút, không để mình bị chi phối bởi những “dấu chấm hết” từ kết quả không mong muốn thì mình sẽ thấy những con đường phía trước chờ mình, cũng không đến nỗi nào. Và, tất nhiên, nếu mình nghĩ đúng thì đậu chưa phải đã là tuyệt vời, là hoàn thành việc học mà vẫn cần phải phấn đấu, cần thêm một chặng đường dài nữa để hoàn thiện kỹ năng, để lành nghề, giỏi chuyên môn.

Chính vì thế mà “thắng không kiêu, bại không nản” cũng có thể được xem là châm ngôn gối đầu giường trong mùa thi cử, để ta thấy cuộc sống đúng nghĩa với màu hồng. Có câu nói, hạnh phúc tùy cách nhìn, Phật thì dạy “nhất thiết duy tâm tạo”, nên hễ mình thấy bất an có nghĩa là mình đã nhìn theo chiều đen tối rồi đó, nếu mình thấy chênh vênh nghĩa là mình đang đi lầm lạc, phải dừng lại ngay, để tự tháo gỡ hoặc để sẻ chia, nhờ người tháo gỡ cho mình sáng ra, như là “nương tựa gia đình” hoặc “nương tựa tâm linh” như đã nói ở trên vậy đó!

Tác giả bài viết: Lưu Mạnh Khôi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây