Chàng “soái ca” 30 tuổi này đã có chuyến đi cuốn hút cộng đồng mạng dõi theo, với hàng chục ngàn lượt like (quan tâm), share (chia sẻ) sau mỗi chùm ảnh, bài viết trên dòng thời gian của trang Facebook cá nhân.
Khoa cho biết, từ nhỏ anh đã sống trong chùa nhiều năm, lớn lên thỉnh thoảng cũng hay đọc sách và tìm hiểu thêm về Phật pháp, cũng như đã đi thăm rất nhiều chùa chiền và thiền viện ở khắp Việt Nam từ Nam tới Bắc, từ Đông sang Tây, từ những ngôi chùa khang trang nổi tiếng đến những ngôi chùa bé nhỏ nằm tận rừng sâu phải mất cả ngày đường mới tới được, được gặp nhiều thầy và được các thầy chỉ dạy rất nhiều. Trước khi đi hai tháng, Đăng Khoa cũng lên chùa A Di Đà ở Bảo Lộc - là nơi anh đã đến rất nhiều lần để tịnh dưỡng, thiền niệm buổi tối và xin trò chuyện để nhận được lời khuyên nhủ từ thầy trụ trì.
Chào Khoa, để có chuyến đi thú vị như vậy, anh đã chuẩn bị bao lâu và những gì? Mọi người rất tò mò không biết làm sao anh có thể đi qua ngần ấy nước với cả xe gắn máy?
- Trần Đặng Đăng Khoa: Nói về thời gian chuẩn bị thì có thể nói trong 7 năm, trong 2 năm, trong 6 tháng hoặc cả đời cũng đều đúng cả. Dành cả đời để ấp ủ nó, dành 7 năm để đi khắp nơi tích lũy kinh nghiệm về đi đường xa, về cách giao tiếp, về xử lý sự cố, về việc lên kế hoạch, 2 năm để chuẩn bị giấy tờ hay 6 tháng cuối để chạy nước rút và thu xếp mọi thứ để lên đường. Đó là chuỗi ngày dài đằng đẵng đầy thấp thỏm lo âu vì không biết mọi thứ có tiến hành đúng mong muốn hay không, nhưng cũng rất phấn khích vì càng lúc thì mình càng tiến gần đến ngày lên đường và thực hiện giấc mơ cả đời mình.
Trong khi nhiều người trẻ tuổi hơn anh đang an vị với công việc và gần như đều chọn những gì chắc chắn! Anh lại chọn nghỉ việc để đi, đó có phải là sự mạo hiểm?
- Nói mạo hiểm cũng đúng, vì chuyến đi thật sự chứa nhiều thử thách và rủi ro khó lường. Tuy nhiên ai không bắt đầu thì sẽ không bao giờ kết thúc. Mọi thứ trên đời đều có tính cân bằng và bù trừ lẫn nhau, cái gì càng thử thách thì sẽ càng tuyệt vời hơn khi đạt được. Tôi cũng xem nó như chuyến đi chơi dài ngày và là một kỳ nghỉ xa hơn các kỳ nghỉ khác thôi chứ không có gì đặc biệt lắm. Sau khi đi về thì lại đi làm bình thường và sống một cuộc sống an nhiên thôi.
Vâng, vậy điều gì thôi thúc anh đi và điều gì đã giúp anh vượt qua nhiều khó khăn, tất nhiên có cả những nguy hiểm trên hành trình khắp thế giới như anh vừa nói?
- Mỗi khi chán nản hay gặp khó khăn, tôi cứ nghĩ lại lý do tại sao mình bắt đầu, đó là cả một giấc mơ và hoài bão được vun đắp qua nhiều năm và tốn quá nhiều thời gian và công sức để chuẩn bị - vì thế cứ cố gắng đi tiếp đến khi nào không thể bước tiếp được nữa thì thôi. Mình cũng phải xác định rằng, cuộc đời là vô thường, không bao giờ biết trước chuyện gì sẽ xảy ra, nên nếu có cũng hãy sẵn sàng đón nhận tất cả vui buồn, thành công, thất bại, những thứ có thể sẽ xảy đến cho mình.
Anh vừa nói đến lý vô thường của Phật giáo! Và, Phật giáo với những đặc tính “bi - trí - dũng” đóng vai trò như thế nào trong suốt chuyến đi của anh?
- Bi: Đi để cảm nhận thế giới còn nhiều khổ đau, đâu đâu cũng còn những người vướng ải khổ nạn và đang chật vật để sống cuộc đời của mình trong kiếp này, đặc biệt là trẻ em và những người lớn tuổi. Từ đó phát lòng cảm thương và yêu quý họ, đồng cảm với sự khó khăn của họ, từ đó nuôi dưỡng tâm hồn trong sáng dù ít dù nhiều cùng với chúng sanh khắp nơi.
Trí: Vừa đi vừa học hỏi từ tất cả mọi thứ chung quanh, từ những con người và nền văn hóa được giao tiếp. Không bao giờ ngừng học hỏi và cố gắng tìm hiểu được căn nguyên của mọi vấn đề.
Dũng: Khi đã cố gắng hiểu được Bi và Trí, cảm thụ được phần nào hai yếu tố ấy thì tự nhiên bản thân sẽ có sức mạnh và sự tự tin để bước tiếp, không ngại gian khổ để tiếp tục con đường đi tìm hạnh phúc của mình. Đồng thời sau này dù có gì cũng phải khiêm tốn, không ham danh lợi, không thỏa hiệp với cái ác, không đánh mất chính bản thân mình.
Có lẽ vì cảm nhận sâu sắc hơn nỗi khổ của nhiều người nên ngay trên chuyến đi, Khoa còn tranh thủ làm những việc thiện nguyện, đóng góp cho quê nhà, nhất là trước thềm xuân Mậu Tuất này?
- Thực ra, trước giờ tôi cũng làm nhiều việc thiện nguyện ở Việt Nam, đặc biệt là cho trẻ em vì vốn tính rất yêu quý trẻ em. Trên chuyến đi này nếu có gì làm được thì cũng sẵn lòng hỗ trợ. Sau này về mình cũng viết một cuốn sách và 100% tiền bán sách sẽ dành tặng hết cho trẻ em và các trường hợp cơ nhỡ khác như lời hứa với bản thân và với những người thân yêu đã ủng hộ và theo dõi chuyến đi này.
Dừng lại bên đường, Khoa tự chụp hình, lãng mạn bên một góc cây vàng ươm lá - Ảnh: NVCC
Qua nhiều nước, hẳn anh cũng có qua những cung đường Phật giáo? Ở các nước Phật giáo ấy, anh có cảm nhận gì đặc biệt?
- Tôi đã đi qua Campuchia, Thái Lan, Nepal, Ấn Độ,… là những nước nằm trong cung đường Phật giáo ngày xưa. Nhớ nhất là lúc ở Nepal, đến Lumbini - nơi Đức Phật Thích Ca đản sinh. Lúc ấy cảm giác rất vui và an nhiên, đặc biệt là khi vào thăm thánh tích Maya Devi và ngồi dưới gốc cây đa cạnh hồ Puskami. Đó là một trong những giây phút đáng nhớ và tĩnh lặng nhất trong chuyến đi này.
Tuy nhiên cũng có đôi chút buồn khi đến Ấn Độ vì Phật giáo nơi nó sinh ra đã không còn phổ biến và bị lấn át bởi những tôn giáo khác, những di chỉ Phật giáo cũng bị hư hại nhiều.
Hồi nãy anh có nói sẽ viết sách?
- Vâng, tôi sẽ viết một cuốn sách về hành trình này, về những điều mắt đã thấy, tai đã nghe, tim đã cảm nhận được, về loài người muôn phương, về những hạnh phúc và khó khăn họ gặp phải, về thế giới quan của họ về cuộc sống này. Ngoài ra, nếu được tôi cũng sẽ viết thêm một cuốn sách cho thiếu nhi nữa.
Thật thú vị! Mỗi ngày sống với điều mới mẻ, mỗi chuyến đi đều giúp mình thay đổi nhận thức, trưởng thành hơn. Những thay đổi mà anh cảm nhận từ chuyến đi lịch sử của bản thân?
- Tôi thấy mình vừa trẻ đi mà lại vừa già đi. Trẻ vì luôn được nhìn những điều mới mẻ và nhìn mọi thứ ấy với con mắt của một đứa trẻ: đầy tò mò và phấn khích, mỗi ngày thêm yêu đời hơn và phấn khích hơn vì không biết điều gì sẽ xảy ra trong hôm đó. Tuy nhiên đi nhiều thấy nhiều cảnh khổ nên nhiều khi cũng u sầu vì thấy thế gian này sao còn nhiều khó khăn và mỗi dân tộc đều có những trắc trở của riêng họ. Từ đó cũng thấy mình có vẻ như già đi nhanh chóng vì lúc nào cũng suy nghĩ mông lung về cái gì đó không rõ, tính cách cũng chậm hơn và không vồn vã như trước.
Tới Paris với niềm hoan hỷ cho một chặng đường khá dài, đi qua 23 nước với 150 ngày trải nghiệm
Chiếc xe máy rong ruổi qua nhiều miền đất, dừng lại chụp hình ngay địa phận Lumbini - Ảnh: Đ.Khoa
Trần Đặng Đăng Khoa trong hành trình đã có nhiều khoảnh khắc tĩnh lặng
- trong ảnh, tại một điểm dừng chân bên hồ trên dãy Alpes, Thụy Sĩ - Ảnh: NVCC
Sắp đến Tết rồi, hiện anh đang ở đâu và đã qua được bao nhiêu nước? Còn sẽ đi bao lâu nữa để về lại Việt Nam? Anh có lời chúc gì gửi gắm thông qua Giác Ngộ?
- Đến Tết chắc tôi sẽ còn ở Nam Mỹ, không rõ nước nào nữa. Hiện đang ở Chile cũng là nước thứ 25 rồi, và chắc phải mất một năm hơn nữa mới về lại Việt Nam. Qua báo, Đăng Khoa kính chúc toàn thể quý Phật tử và bạn đọc Giác Ngộ năm mới vô lượng an lạc, vạn sự cát tường.
Đình Long - Nhã An thực hiện
Nguồn tin: Giác Ngộ
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự