Trước khi tu đắc đạo và trở thành Trụ trì chùa Định Quang, ở phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế, sư Thích Chơn Hữu đã có một quá khứ lẫy lừng "chọc trời, khuấy nước".
Đường đời lầm lạc
Sinh ra ở Thừa Thiên Huế, chưa đầy 4 tuổi, cậu bé Hữu được bố mẹ cho lên vùng kinh tế mới ở Đà Lạt để sinh sống. Suốt những năm tháng cắp sách đến trường Hữu luôn là học sinh giỏi đạt được thành tích cao trong học tập, được thầy cô và bạn bè yêu quý.
Cuộc sống êm đềm những tưởng sẽ cứ tiếp tục nếu như không có một biến động làm thay đổi một cách đột ngột số phận cậu học sinh nghèo hiếu học này. Trong một lần xích mích với đám bạn cùng lớp, Hữu đã bị đám bạn thuê bọn giang hồ vào đánh và làm nhục trước đám đông. Quá uất ức, Hữu bỏ ngang việc học tìm thầy luyện võ.
Những tháng ngày rong ruổi cùng những ngón võ, bài quyền bên cạnh các huynh đệ giang hồ, Hữu đã kết giao và gia nhập làm thành viên một băng đảng khét tiếng tên là “Ánh Sáng”, gồm những tên tội phạm bị truy nã đã gây ra nhiều vụ chém giết, bảo kê, đòi nợ thuê, dằn mặt những kẻ nổi trội... làm kinh hoàng cả một xứ sở đồi thông lúc bấy giờ.
Mặc dù nhỏ tuổi nhất hội, nhưng vốn có bản lĩnh và máu liều, Hữu đã nhanh chóng khẳng định được vị thế và chỉ sau một thời gian ngắn đã được đám giang hồ tôn làm đại ca.
Lúc bấy giờ bên cạnh băng "Ánh Sáng", còn nổi lên băng "Dũng đen" cũng là tập hợp những dân anh chị có máu mặt luôn tranh giành địa bàn hoạt động với bất cứ băng đảng nào. Sự có mặt của băng "Dũng đen" đã khiến Hữu cùng các đệ tử rất tức giận, chờ dịp trừ khử ngay khi có cơ hội.
Thế rồi, vào một buổi tối tháng 5 năm 1990, sau một cuộc nhậu với đám đệ tử, cả nhóm vác mã tấu, ống sắt đến thẳng sòng bạc nơi đám "Dũng đen" đang quản lý để thẳng tay tiêu diệt. Khi vào đến nơi, băng của Hữu vung đao chém hết tất cả đám tay chân Dũng đen, mặc những tiếng kêu ai oán, tiếng thét thi nhau chạy trốn, băng của Hữu vẫn không nương tay, đến khi Dũng đen gục dưới vũng máu mới rút quân về.
Sau trận hỗn chiến kinh hoàng đó, băng “Ánh sáng” của Hữu đã bị Công an truy nã nên Hữu quyết định tập hợp đám đệ tử kéo lên hoạt động tại bãi vàng Tà In (xã Tà In, Đức Trọng, Lâm Đồng).
Sư thầy Thích Chơn Hữu - Trụ trì chùa Định Quang,Tx.Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế
Tại đây, trong một trận sốt rét thập tử nhất sinh, Hữu được đem điều trị ở bệnh viện tỉnh Lâm Đồng. Lúc tỉnh dậy, những tưởng các “chiến hữu” đang kề cận mình để chăm sóc thì người đầu tiên, cũng là duy nhất anh nhìn thấy là người mẹ già của mình. Khi hay tin con bệnh, người mẹ già ấy đã lặn lội từ Huế vào chăm sóc, dùng đức tin nơi cửa Phật để giáo lý người con tội lỗi, sớm mong con quay gót hoàn lương. Từng lời khuyên răn của người mẹ, đã làm thức tỉnh tình người trong Hữu.
Cùng thời gian này Hữu cũng hay tin hai đệ tử trung thành nhất của mình một chết vì HIV/AIDS và một do băng đảng giang hồ khác chém chết. Lúc này, Hữu nhận ra một điều rằng: “Đại bàng dù có mạnh mẽ đến đâu cũng có ngày mỏi cánh”, sự huy hoàng hiện tại có thể trả giá đắt về sau. Ngẫm lại những triết lý đạo Phật mẹ đã dạy, Hữu quyết định rửa tay gác kiếm trở về Huế quy y cửa Phật mong chuộc lại lỗi lầm.
Tình thương chốn cửa Phật
Trở lại quê hương sau bao năm xa cách, đúng lúc trận lũ lịch sử 1999 đang tàn phá cuộc sống biết bao con người bất hạnh, anh mới cảm nhận được nỗi thống khổ giữa sự sống và cái chết của một kiếp nhân sinh. Hữu tìm đến chùa Huyền Không Sơn Thượng (huyện Hương Trà, Thừa Thiên - Huế), trình bày hoàn cảnh với trụ trì là thiền sư Minh Đức Triều Tâm Ảnh- tác giả của những tập văn thơ đã làm thức tỉnh phần nào tâm hồn của một “đại ca phố núi” mà anh đã từng đọc và được thiền sư chấp nhận, nhưng phải làm công quả trong hai năm để thử sức.
Với cuộc sống thanh bình chốn cửa Phật mà anh chưa bao giờ được cảm nhận, ngày ngày tụng kinh gõ mõ, sáng sớm đi khất thực... anh cảm thấy như vơi bớt một phần tội lỗi mặc cảm trong quá khứ.
Sau 2 năm khổ hạnh, Hữu được xuống tóc và khoác trên mình chiếc áo vàng nhà Phật với pháp danh là Thích Chơn Hữu, đến 2005 anh được điều về làm trụ trì chùa Định Quang. Lúc bấy giờ đây là một ngôi chùa cũ, tồi tàn, vỡ nát nhiều nơi, sau một thời gian tâm huyết, kêu gọi sự giúp đỡ đến nay ngôi chùa đã trở nên khang trang, rộng rãi, là điểm đến sinh hoạt của nhiều phật tử trong vùng. Không những thế, nghe ở đâu gặp thiên tai hoạn nạn là thầy trụ trì liền tới tận tình giúp đỡ.
Nhận thấy con em trong vùng còn nghèo khó, ít có cơ hội được học hành đầy đủ, thầy Chơn Hữu ngày đêm suy nghĩ về tương lai các em, không muốn có em nào giẫm vào vết xe đổ của mình ngày trước. Nghĩ là làm, được sự giúp sức của các giáo viên trong vùng, năm 2008, thầy đã mở được một lớp học tình thương mang tên Tuệ học đường cho trẻ em nghèo, trẻ em lang thang cơ nhở, với môn học chủ đạo là tiếng Anh
Lớp học tình thương "Tuệ học đường" của sư thầy Thích Chơn Hữu
Đến nay lớp học của thầy đã thu hút và đào tạo được hàng ngàn em, với sự giúp sức của các thầy cô giáo trên địa bàn tỉnh, hàng chục em từ chỗ mù chữ đã đọc thông viết thạo, mà còn biết rành cả ngoại ngữ. Không những dạy miễn phí, để khích lệ tinh thần học tập của các em, hàng năm lớp học tình thương của thầy còn tổ chức lễ trao giải thưởng, học bổng cho các em có thành tích xuất sắc ở nhà trường.
Sư Chơn Hữu trong một buổi truyền giảng.
Từng là nỗi nỗi khiếp sợ cho biết bao con người, để rồi được phật pháp giáo hóa trở thành một trụ trì hiền lành sống hết mình với tình thương ở cuộc đời. Và tình thương chính là điều đã giúp thầy chia tay với quá khứ của một thời đầy tội lỗi.
“Đạo phật là tri thức, khi đạt đến tri thức thì mới hiểu được nổi đau khổ của nhân gian, hiểu được thì mới tìm ra nguyên nhân và làm bớt đi sự đau khổ. Cuộc đời như cánh cửa, cửa không tự nhiên nó mở cho ta, mà ta phải gõ nó khi có người bên trong, còn không có thì tự ta mở ra chứ nó không thể tự mở được”, sư Chơn Hữu chia sẻ.
Tám Bình
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự