Tôi đến chùa Pháp Vân của nước Pháp và thế nào lại có may mắn gặp một nhà sư người Indonesia đang ở đây. Nói chuyện mới biết rằng thầy sang đây tu học 1 năm để rồi lại quay về Indonesia phụng sự tiếp tục. Tôi ấn tượng với nụ cười nhẹ nhàng của sư lắm, mặc dù không biết pháp danh.
Buổi sáng của thứ 2 - “lazy day” tức ngày “lười biếng”, không có bất cứ lịch sinh hoạt nào, sau bữa sáng tôi chuẩn bị đi dạo chơi thì phát hiện ra tiếng sáo trầm bổng. Tôi bước chân theo hướng tiếng đàn. Thì ra có có một nhà sư và 1 thiền sinh phương tây đang giao lưu. Sư thì thổi sáo còn vị thiền sinh cư sỹ thì đánh đàn ghi ta. Tôi tiến lại gần và được chào đón rất thân tình.
Tôi ngồi xuống để thưởng thức tiếng đàn, tiếng sáo. Trong bụng nghĩ rằng, để góp vui cũng sẽ chơi 1 bàn đàn ghi ta và hát tiếng Việt cúng dường Sư và bạn đạo. Nhưng trước mắt cứ thưởng thức cái đã.
Sư chơi sáo rất hay. Chiếc sáo cũng rất lạ. Hóa ra đó là sáo Bali. Khi thổi xong bản nhạc, sư giới thiệu cho tôi về cây sáo này và về văn hóa các dân tộc Indonesia. Sư nói tiếng anh rất chậm, nhẹ nhàng và dễ nghe.
Thế rồi sư mang ra cuốn sách với các bản nhạc. Tôi thấy tên cuốn sách nhạc bằng tiếng Indonesia và có ghi “Tập 1”. Trong long thầm nghĩ rằng tức là có nhiều tập. Tôi thực sự giật mình khi được sư giới thiệu rằng sư chính là tác giả của tập bài hát này và sư đã xuất bản đến 3 tập tất cả. Và tất cả là các bài hát cho trẻ em. Trước khi tôi tạm biệt sư và bạn đạo, sư nói rằng ở Indonesia người ta gọi sư là người viết bài hát Phật giáo cho trẻ em.
Sáng hôm sau, sau giờ ăn sáng tôi quyết định gặp riêng sư để bày tỏ long khâm phục và biết ơn, đồng thời muốn tìm hiểu sâu hơn về nhà sư đặc biệt này. Indonesia là đất nước đạo Hồi. Nhìn cách đắp y tôi biết ngay sư theo Phật giáo nam tông. Sao lại có thể viết nhạc, hát và thổi sáo nữa!
Sư Bhante Saddhanyano sinh 1970 ở miền trung đảo Java, Indonesia. Sư vào chùa tập sự xuất gia năm 1995, đúng tròn năm 20 tuổi. Thế rồi sau đó 1 năm, khi ở tuổi 21 sư trở thành si di và từ đó thành một nhà sư.
Tôi rất ấn tượng với những bản nhạc của sư. Nghe nhẹ nhàng mà thánh thót, êm đềm mà quyến rũ, đơn giản và sâu lắng. Tôi nhớ rằng sáng hôm qua, bạn thiền sinh người phương tây đã mang đàn ra và nhìn vào bản nhạc để tập ngay. Tập để tự chơi bản nhạc của sư Bhante Saddhanyano. Nghe hay vô cùng. Nghe tiếng sáo sư thổi cũng thích mà nghe tiếng ghi ta cũng mê. Thật là thú vị và gần gũi văn hóa đông và tây.
Nhà sư Bhante Saddhanyano thổi sáo.
Sư Bhante Saddhanyano chuyên viết nhạc cho trẻ em. Mà sư chỉ viết cho trẻ em thôi. Hỏi ra mới biết rằng trước khi xuất gia sư làm thầy giáo. Bởi rất yêu quý và mến mộ Đạo Phật nên sư Bhante Saddhanyano hay kể chuyện về Đức Phật, hay mang những mẩu chuyện Phật giáo vào lớp học cho học trò của mình. Sư thấy đó là việc làm lợi lạc và cần thiết.
Vấn đề là ở chỗ các em thích nghe, thích học nhưng chưa thật sự hứng thú. Sư suy nghĩ, liệu có cách nào khác để mang đạo Phật đến với trẻ em, đến với đông đảo học sinh phổ thông hay không. Câu chuyện tạm gác lại vì chưa có giải pháp tốt hơn.
Câu chuyện xuất gia của sư Bhante Saddhanyano cũng khá thú vị. Quê nhà cử sư ở miền trung đảo Java nhưng sư lại dạy học ở miền bắc Sumantra. Theo phong tục và truyền thống Phật giáo nam tông cũng như tại Indonesia thì mọi người dân có thể xuất gia gieo duyên từ 7 ngày đến 10 ngày hay 1 tháng hoặc một năm. Là người thầy giáo đã đi dạy được 6 tháng, sư Bhante Saddhanyano quyết định xuất gia gieo duyên.
Lúc đầu người thầy giáo trẻ xuất gia gieo duyên này chỉ định ở lại chùa ngắn hạn. Nhưng rồi thầy thấy thích cảnh chùa, thích cuộc sống xuất gia quá nên ở đến 6 tháng. Khi đã ở được 6 tháng, rất nhiều người ủng hộ, trong đó có các thầy cô giáo là bạn bè và đồng nghiệp của sư. Họ bảo rằng sư rất có duyên với chùa thì nên xuất gia hẳn. Hơn nữa làm nhà sư vẫn có thể đi dạy được cơ mà. Thế là sư kéo dài thời hạn xuất gia gieo duyên của mình đến 1 năm và cuối cùng thì xi xuất gia hẳn và thành sư Bhante Saddhanyano của ngày hôm nay. Nhớ lại câu chuyện của năm 1990 sư Bhante Saddhanyano rất biết ơn các thầy cô giáo, người thân và biết bao người xung quanh đã ủng hộ và cổ vũ sư để xuất gia hẳn. Sư nói nếu không được ủng hộ, khuyến khích, sư đã quay lại ngôi trường và tiếp tục nghề giáo rồi.
Khi hỏi rằng khi nào bắt đầu viết nhạc cho trẻ em, sư Bhante Saddhanyano kể rằng ai cũng thích nhạc, nhất là trẻ em. Tuy nhiên các bài hát Phật giáo, nếu có, chỉ dành cho người lớn. ở Indonesia chưa có nhạc sỹ viết các bài hát Phật giáo cho trẻ em. Hơn thế nữa, khi đã thành người xuất gia rồi, sư được mời đi nói pháp thoại. Những bài pháp thoại dành cho trẻ rất khó và các em luôn cảm thấy chán, ít hứng thú. Với kinh nghiệm sẵn có của một thầy giáo, sư phát hiện ra rằng bài hát, chính những bài hát, những bản nhạc mang lại hứng thú rất mạnh cho các em. Thế là sư ngồi và viết ra 10 bài hát đầu tiên.
Tại ngôi chùa nơi đang tu tập tại Jakarta, những bài hát Phật giáo dành cho trẻ em đầu tiên ra đời. Sau khi viết ra xong, sư Bhante Saddhanyano tự thu âm và mang đi tặng các thầy cô giáo. Các thầy cô giáo rất thích những bài hát này. Họ mở cho các em học sinh nghe và các em đều rất thích. Sư vui mừng vô cùng. Đó là năm 1991, khi sư mới nhận giới sa di.
Thế rồi cuộc thi được tổ chức ở thủ đô Jakarta. 10 em được đoạt giải. 10 em đã hát và thu âm những bài hát của sư Bhante Saddhanyano. Và thế là đĩa nhạc Phật giáo của nhà sư trẻ nam tông người Indonesia chính thức ra đời.
Sư Bhante Saddhanyano kể rằng lúc viết bài hát sư gặp rất nhiều trở ngại. Theo Phật giáo nam tông, các nhà sư tuyệt đối không được hát chứ chưa nói đến việc sáng tác nhạc. Sư bị các nhà sư khác phản đối rất mạnh. Họ không chấp nhận chuyện 1 nhà sư ca hát và sáng viết nhạc. Nhưng sư Bhante Saddhanyano nghĩ rằng mình sáng tác nhạc Phật giáo chứ đâu có phải nhạc đời thường. Hơn nữa những bài hát mà sư sáng tác là các em học sinh hát chứ đâu có phải quý thầy xuất gia hát. Được sự cổ vũ và ủng hộ nhiệt tình của các thầy cô giáo nên sư rất yên tâm và quyết tâm. sư Bhante Saddhanyano tâm sự rằng chính các thầy cô giáo ở thủ đô Jakarta mang tính quyết định đến việc sư cho ra đời đĩa nhạc đầu tiên này.
Và thế là sư Bhante Saddhanyano tiếp tục sáng tác. 2 album tiếp theo được ra mắt dành riêng cho các Phật tử trẻ con -học sinh phổ thông vào các năm 1997 và 1999. Chính sư cũng không ngờ rằng được các em đón nhận tốt đến vậy. Chính sư cũng không nghĩ rằng càng ngày càng được các thầy cô giáo cổ vũ đến thế. Hoằng pháp qua nhạc, qua các bài hát - một cách hoằng pháp độc đáo, mới lạ tại một quốc gia đông dân nhất ASEAN mà hơn 80% dân số theo đạo Hồi, tại quốc gia mà phật giáo Nam tông là chính.
Khi tôi hỏi tên chùa nơi thầy đang tu học, thầy đánh vần tên bằng tiếng Anh rất rõ để tôi ghi lại. Đó là Vihara Dharma Bhakti. Chùa của sư sư Bhante Saddhanyano có 5 quý thầy tất cả. Nghe con số 5, bạn có thể có cảm giác là ít. Nhưng xin thưa rằng cả thủ đô Jakarta cũng chỉ có 60 nhà sư và cả đất nước Indonesia rộng lớn và đông dân đến vậy mà cũng chỉcó 200 nhà sư thôi đó nhé.
Khi tôi hỏi về quê của thầy thì sư Bhante Saddhanyano cho biết làng mà sư sinh ra cách Jakarta 1 ngày đường đi xe. Đi xe phải mất 12 tiếng, còn nếu đi tàu hỏa thì mất 6 tiếng còn máy bay thì mất 1 tiếng. Quê sư ở miền trung Java cũng có 1 ngôi chùa nhưng chưa có nhà sư trụ trì. Bản thân sư cũng hay về quê để hoằng pháp, để cho pháp thoại. Sư tin rằng Phật giáo ở quê sư cũng như trên đất nước Indonesia sẽ phát triển.
Sư Bhante Saddhanyano tâm sự với tôi rằng các đĩa nhạc của sư được in ra và phát miễn phí. Có khi sư trực tiếp mang đến các chùa để tặng, có khi các phật tử đi tặng giúp. Sư cũng mang đĩa về quê mình để tặng các các em nhỏ. Nhiều vùng quê khác, nhiều tỉnh thành khác cũng được tặng 3 đĩa nhạc Phật giáo dành cho trẻ em của sư.
Khi tôi hỏi rằng sư đã phát hành được bao nhiêu đĩa rồi, sư Bhante Saddhanyano ngập ngừng. Rồi sư nói rằng không biết. Nhưng tự nhiên sư nhớ ra và bảo tôi rằng đĩa 1 đã in 5 ngàn đĩa. Đấy là sư in. Còn các Phật tử in thêm, tự in, tự phát tặng bao nhiêu đĩa thì sư không biết. Số lượng đĩa in phụ thuộc vào việc cúng dàng của Phật tử. Tôi nhẩm trong đầu, chắc tổng số cả 3 album cũng phải vài chục ngàn đĩa đã được in ra. Và nếu tính cả việc nghe và xem rồi copy trên mạng internet về thì tổng số chắc cũng cả hàng chục ngàn các em học sinh được nghe các bài hát của nhà sư viết nhạc Phật giảo cho trẻ em Bhante Saddhanyano rồi.
Nhà sư Bhante Saddhanyano và tác giả.
Chúng tôi ngồi uống trà với nhau rất thân tình tại tea house cùng thiên nhiên. Cuối thu trời nước Pháp bắu đầu lạnh. Lá cây đang rụng dần và nhiều cây chỉ còn những chiếc lá cuối cùng. Tự nhiên xuất hiện them 1 bạn thiền sinh phương tây và mang vào 3 chiếc lá tặng sư Bhante Saddhanyano với 3 màu xanh, vàng và đỏ. Ý nghĩa vô cùng. 3 chúng tôi từ 3 quốc gia, 3 lứa tuổi nhưng cùng đang bước đi theo con đường của Đức Phật.
Ngoài trời tiếng chim đang hót. Ánh nắng ngày mới đang dần hiện lên. Tiếng chim làm tôi nhớ lại tiếng sáo và những bản nhạc của sư Bhante Saddhanyano sáng hôm qua, cách giờ này đúng 24 tiếng. Nhạc của sư Bhante Saddhanyano đơn giản lắm. Sư bảo thế. Mà tôi nghe cũng thấy vậy.
Tôi chắp tay chào và thành kính bày tỏ long biết ơn sư. Tôi mong có 1 ngày sẽ được đón sư ở Việt Nam để được mời sư hát cho các em học sinh Việt Nam nghe, để thổi sáo cho các trẻ em nước tôi được thưởng thức.
Ngồi gõ những dòng chữ này, tự nhiên tôi nghĩ đến chuyện xin sư Bhante Saddhanyano bản quyền mang về Việt Nam để Thái Hà Books xuất bản 3 tập sách nhạc này phổ biến cho trẻ em quê nhà. Ở Việt Nam hình như chưa có nhà sư nào chuyên viết nhạc Phật giáo cho trẻ em. À mà hay là tôi thử tập viết 1 bản cho các em nhỏ nhỉ. Có được không nhỉ. Tại sao không!