Học bổng mang tên những Phật tử hy sinh vì đạo...

Thứ sáu - 07/10/2016 08:33
Ba năm nay, cứ đến ngày 25-8, ngày giỗ của liệt nữ Quách Thị Trang là PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cùng các bạn đồng hương trao học bổng Quách Thị Trang cho các em học sinh nghèo, vượt khó ở TP.HCM và sau đó trao học bổng Tám Thánh Tử Đạo tại Huế.
GS.TS.Nguyễn Thiện Tống trao học bổng Quách Thị Trang cho hai học sinh Trường THPT Võ Thị Sáu (TP.HCM) năm 2015 - Ảnh: Khánh Vy
GS.TS.Nguyễn Thiện Tống trao học bổng Quách Thị Trang cho hai học sinh Trường THPT Võ Thị Sáu (TP.HCM) năm 2015 - Ảnh: Khánh Vy
Cả hai học bổng này đều ra đời với ý niệm tưởng nhớ liệt nữ Quách Thị Trang và tám vị Thánh tử đạo đã hy sinh trong mùa Pháp nạn năm 1963, đồng thời tiếp sức những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cùng lứa tuổi với liệt nữ Quách Thị Trang và tám Thánh tử đạo lúc hy sinh - 15 tuổi được đến trường.

Học bổng mang tên những Phật tử đặc biệt

Nếu như từ bảy năm trước, giáo viên các trường THPT ở Thừa Thiên Huế biết đến PGS.TS Nguyễn Thiện Tống với hình ảnh người thầy tận tâm, nỗ lực hết mình, không ngại khó khăn “gõ cửa” các mạnh thường quân để xin học bổng, tiếp sức sinh viên đến trường; thì ba năm trở lại đây, giáo viên, các em học sinh và nhà chùa ở Huế biết đến thầy nhiều hơn qua các chương trình học bổng tưởng nhớ những Phật tử trẻ hy sinh trong mùa Pháp nạn năm 1963.

“Hình ảnh những Thánh tử đạo trong mùa Pháp nạn cứ mãi ám ảnh tôi và tôi đã viết lại những chi tiết đó, để trải lòng. Sau khi đọc những dòng tâm sự của tôi, bạn tôi - TS.Dương Quang Duy gợi ý cùng nhau thực hiện chương trình học bổng dành cho học sinh nghèo hiếu học vừa lên lớp 11 hay 12 ở TP.HCM và Huế, lấy tên Quách Thị Trang, Tám Thánh Tử Đạo để tưởng niệm họ. Tôi rất tâm đắc và bắt tay vào thực hiện. Năm 2014, những suất học bổng đầu tiên đã được phát, trong giây phút đó, chúng tôi không sao diễn tả được niềm hạnh phúc, cảm xúc cứ dâng trào”, thầy Nguyễn Thiện Tống chia sẻ.

Rồi thầy giải thích thêm, học bổng Quách Thị Trang được lấy từ tên liệt nữ, Phật tử Quách Thị Trang, pháp danh Diệu Nghiêm - bị bắn chết trong cuộc đấu tranh cùng với 5.000 sinh viên, học sinh Sài Gòn nhằm chống lại chính sách “thiết quân luật” của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa vào ngày 25-8-1963. Còn học bổng Tám Thánh Tử Đạo được lấy từ tên tám nạn nhân trẻ tuổi đã chết oan ở Đài Phát thanh Huế đêm 8-5-1963, gồm Đặng Văn Công - Tâm Đồng; Dương Viết Đạt - Tâm Thành; Nguyễn Thị Yến - Tâm Thanh; Nguyễn Thị Phúc - Tâm Thông; Lê Thị Kim Anh - Tâm Hiển; Trần Thị Phước - Tâm Thuận; Nguyễn Thị Ngọc Lan - Tâm Chánh; Huyền Tôn Nữ Tuyết Hòa - Tâm Tôn. 

Học bổng đầu tiên được trao vào năm 2014 với số lượng 10 phần và được tặng đều qua các năm - đến năm 2015, số lượng tăng lên 12 phần và đến năm 2016 đã trao được 20 phần. Vì học bổng ra đời để tưởng niệm liệt nữ, Thánh tử đạo, nên ngoài tiêu chí học sinh nhà nghèo, vượt khó, học giỏi, các em còn phải tìm hiểu thông tin, biết tiểu sử của nhân vật mà học bổng mang tên.

PGS.TS Tống nói: “Không gì vui bằng khi các em cầm trên tay học bổng mà hiểu rõ vì sao có tên học bổng này, tên học bổng là tên của ai. Đó chính là giá trị, ý nghĩa lớn lao đằng sau số tiền 2 triệu trong mỗi học bổng mà chúng tôi tiếp sức cho các em học sinh nghèo, hiếu học”.

Tình thầy, nghĩa đạo


Mặc dù bộn bề công việc hàng ngày ở TP.HCM, không đêm nào ngủ trước 12 giờ nhưng năm nào PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cũng dành cả tuần để đọc, xét hồ sơ đề đạt nguyện vọng của các em học sinh xin cấp học bổng và ít nhất một lần di chuyển ra Huế để gặp, trao học bổng cho từng em.

Thầy Tống rưng rưng kể: “Tôi đã rất xúc động khi đọc nhiều lá thư tâm tình chân thật và thể hiện ý chí phấn đấu của những con người có tấm lòng với cha mẹ, anh chị em, với gia đình, trường học, với cộng đồng và quê hương. Có khi tôi không cầm được nước mắt trước hoàn cảnh của những sinh viên nghèo hôm nay, nhất là khi số lượng sinh viên cần được giúp đỡ luôn luôn nhiều hơn số học bổng vận động được. Do đó, thật khó khăn để có thêm một học bổng ở lằn ranh số lượng giới hạn này, và có khi phải vận động thêm nhiều người mới có được”. 

Hỏi thầy vì sao tâm huyết với học bổng cho các em như thế, thầy trầm lắng chia sẻ: “Tôi được sinh ra trong gia đình nghèo. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, anh em tôi ở Huế với ngoại và cha mẹ tôi đi làm ở Quảng Trị. Suốt thời học sinh tôi quen với đói lạnh, ốm đau và thường xuyên học bài dưới ánh sáng lờ mờ từ tim đèn sáp vụn mà bà tôi xin ở chùa. Tôi đã cố gắng học giỏi để được phần thưởng, học bổng hàng năm để vượt qua từng chặng đường học vấn của thời niên thiếu nghèo khó. Ai đã từng nhận được học bổng mới thấy hết ý nghĩa của nó, đặc biệt vào lúc đang gặp khó khăn. Nếu không có những suất học bổng trợ giúp, tôi khó có thể học hành đến trình độ như ngày hôm nay”.

Không dưới hai lần thầy nhấn mạnh: “Đối với học sinh nhà nghèo thì học tập là con đường tốt nhất để giúp chính mình và gia đình thoát cảnh nghèo đói và cũng góp phần giải thoát nghèo đói cho quê hương”.

Chính vì hiểu và thương, nên những trải lòng, lời thầy viết trong thư vận động học bổng cho các em đã chạm đến trái tim nhiều người, nhờ vậy mà số phần học bổng đã được tăng dần qua các năm và có ý nghĩa hết sức to lớn. Như lời cô Bích Đào, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Cao Vân (Huế) nhận xét: “Học bổng Tám Thánh Tử Đạo mà PGS.TS Nguyễn Thiện Tống và TS.Dương Quang Duy trao có ý nghĩa rất nhân văn, không những hỗ trợ cho gia đình các em khoản kinh phí mà còn tạo cơ hội, giúp các em nỗ lực, phấn đấu học tập, vì ngày mai tươi sáng”.

Lần nào cũng vậy, phát học bổng cho các em, thầy luôn nhắn nhủ: “Hãy thể hiện lòng biết ơn nhà tài trợ bằng nỗ lực học tập cho thành tài để có thể trả lại học bổng ân tình này cho học sinh, sinh viên thế hệ mai sau”. Tiếp xúc, làm việc cùng thầy, chúng tôi nhận ra rằng, dù tuổi đã gần 60 nhưng người thầy giáo ấy luôn dạt dào tâm huyết, hướng đến học trò nghèo hiếu học với tất cả tình yêu thương và trách nhiệm với nghề.

Thầy luôn tìm cách giúp cho học trò nghèo học đến nơi đến chốn, thậm chí khi không tìm được mạnh thường quân, thầy sẵn sàng trích tiền lương ít ỏi của mình để giúp các em và chưa bao giờ có ý niệm nhận lại. Người thầy ấy giờ đây chỉ trăn trở một điều duy nhất: “Hy vọng chương trình học bổng Quách Thị Trang, học bổng Tám Thánh Tử Đạo sẽ được nhiều người biết, được ủng hộ trong tương lai và số suất học bổng sẽ được tăng dần lên - vì số lượng học sinh cần đến học bổng để nâng bước, tiếp sức đến trường còn nhiều..., nhiều lắm”.

Lá thư từ Pháp

Khi biết quê nhà có học bổng mang tên Quách Thị Trang, Tám Thánh Tử Đạo, GS.Cao Huy Thuần (Pháp) đã xúc động, viết thư gửi thầy Thiện Tống. Nội dung thư bộc bạch rằng: “Tôi xin chân thành gửi đến anh lòng biết ơn của tôi đối với việc làm cao quý đầy ý nghĩa và rất cần thiết của anh. Nhờ học bổng ấy mà các bạn trẻ ở Huế còn được nhắc nhở mỗi năm về một lịch sử không xa nhưng chẳng mấy ai còn biết. Tôi từng hằng mong cứ đến đêm đó, giờ đó, tất cả các chùa ở Huế đều đồng thanh gióng lên một hồi chuông nhưng không thấy. Bây giờ, đã nghe tiếng chuông của anh”.

Nguồn tin: Giác Ngộ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây