Làm quen với một tiến sĩ, Phật tử 8x

Thứ hai - 22/08/2016 19:47
“Hãy trân trọng thời gian hiện tại ”. Đó là thông điệp cuộc sống mà Tiến sĩ trẻ Nguyễn Bình Dương (sinh năm 1986) chia sẻ với Giác Ngộ khi anh vừa bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Trường Đại học Ruhr Bochum (Đức) ngày 22-6-2016 với đề tài “Formation of dislocation structure in single crystals during plastic deformations” - Nghiên cứu về cấu trúc bên trong của vật liệu, dưới tác động của các yếu tố bên ngoài, cấu trúc này thay đổi và ảnh hưởng đến độ bền của vật liệu.
Anh có pháp danh Quảng Thái, sinh ra trong một gia đình Phật tử thuần thành, trước khi du học đã sinh hoạt Gia đình Phật tử Xá Lợi tại TP.HCM. Trong quá trình làm luận án tiến sĩ, anh đã đăng 3 bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế và tham gia nhiều hội nghị khoa học quốc tế để thuyết trình về các vấn đề mà anh nghiên cứu thành công.

Nói về động lực của mình trên bước đường chinh phục những nấc thang trong nghiên cứu cũng như việc tu học, Nguyễn Bình Dương nghĩ ngay đến mẹ. Những ngày tháng 7 Vu lan, anh đã có cuộc trò chuyện chân tình với Giác Ngộ...

* Trong quá trình làm luận án, chắc anh sẽ gặp nhiều khó khăn, những lúc như vậy anh thường làm gì?

- Khó khăn chính trong lúc tôi làm luận án là nghiên cứu một thời gian dài nhưng vẫn không ra kết quả, hoặc ra kết quả nhưng bị sai phải làm lại. Những lúc như vậy tôi hay để công việc qua một bên và thực tập phương pháp chánh niệm để thư giãn, hoặc đi lên Viện Phật học ứng dụng Châu Âu (thành phố Waldbröl, thuộc tiểu bang Nordrhein - Westfalen, Đức) một vài ngày.

* Đấy là một gợi ý hay cho bạn trẻ, nhất là người làm công tác khoa học. Có những trải nghiệm học tập thú vị tại Đức, anh thấy các bạn trẻ Việt Nam khi du học sẽ gặp phải những trở ngại nào? Anh nghĩ các bạn nên chuẩn bị gì khi có ý định du học?

- Những khó khăn mà các bạn trẻ Việt Nam gặp phải khi đi du học mọi người đã nói khá nhiều trên các trang mạng xã hội và tùy vào hoàn cảnh của mỗi bạn. Ở đây tôi chỉ nêu vấn đề chính là rào cản về ngôn ngữ và cũng là vấn đề quan trọng nhất. Khi diễn đạt ý mình muốn thông qua ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ, chúng ta thời gặp nhiều khó khăn, vì người nghe hoặc mình có thể hiểu sai ý và dẫn đến các hậu quả không mong muốn.

Việc các bạn trẻ cần chuẩn bị, thứ nhất là ngoại ngữ, ngoài ngôn ngữ chính là tiếng Anh thì tùy thuộc vào việc các bạn đi du học nước nào cần học thêm ngôn ngữ của nước đó. Cái cần chuẩn bị thứ hai không kém quan trọng là tâm lý để sẵn sàng đối mặt với khó khăn; khó khăn sẽ xảy ra bất cứ lúc nào và sẽ tăng lên gấp nhiều lần khi các bạn đi ra nước ngoài - cho nên cần phải sẵn sàng để đối mặt và quyết tâm vì mục tiêu mình đã chọn.

Đừng mơ mộng quá nhiều vào cuộc sống du học mà phải có cái nhìn thực tế. Nếu không học được ở Việt Nam thì đừng nghĩ rằng mình có thể học được ở nước ngoài. Vì cuộc sống ở nước ngoài khắc nghiệt hơn nhiều và đòi hỏi nỗ lực hơn rất nhiều.

* Là một Phật tử thuần thành từ nhỏ, lại được sinh hoạt trong môi trường Gia đình Phật tử, cách anh ứng dụng Phật pháp khi học ở đây như thế nào?

- Việc học Phật pháp giúp ích cho tôi khá nhiều trong thời gian học tập ở đây. Tôi có thể chuyển hóa những khó khăn thành động lực, chuyển hóa những lần gục ngã để trở nên mạnh mẽ, tinh tấn hơn nhằm thực hiện những nguyện vọng của mình.

Tôi hay ứng dụng phương pháp thực tập của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, cố gắng chánh niệm trong bất cứ việc gì mình làm và thực tập hàng ngày khi đi lại, khi ở trên tàu, khi làm việc,… Mỗi ngày tôi hay ngồi tĩnh tâm một lát trước khi đi ngủ, khi căng thẳng và mệt mỏi tôi cũng ngồi tĩnh tâm tập trung vào hơi thở.

* Học tại Trường Đại học Ruhr Bochum (Đức), anh có ấn tượng gì?

- Ấn tượng của tôi khi học ở đây là người Đức họ làm việc rất nghiêm túc, rất có trách nhiệm. Vấn đề giờ giấc đối với họ rất quan trọng, họ luôn đúng giờ trong bất cứ việc gì.

Theo truyền thống của Đức, khi tốt nghiệp tiến sĩ, các đồng nghiệp thiết kế riêng cho tôi một cái mũ đặc trưng dựa trên luận án mà tôi nghiên cứu và tính cách của tôi (là Phật tử), đó là lý do vì sao mà trong ngày tốt nghiệp tôi được đội lên cái mũ có hình dạng như vậy.

* Người tạo động lực cho anh nhiều nhất là ai?

- Là mẹ tôi. Tôi cảm nhận mẹ vẫn luôn mỉm cười hiền từ theo dõi từng bước chân mà tôi đang bước đi (mẹ anh mất năm 2015 - PV).

* Có điều gì anh muốn chia sẻ nữa không?

- Tôi cảm thấy trong cuộc sống hiện đại, mọi người bận rộn và phải chịu nhiều áp lực hơn nên đôi khi ít có thời gian dành cho người thân bên cạnh mình, đặc biệt là cha mẹ. Nên tôi muốn nhắn nhủ các bạn trên áo còn đóa hoa hồng thắm thì hãy trân trọng thời gian hiện tại, quan tâm và thể hiện tình yêu thương nhiều hơn với cha mẹ; còn đối với các bạn mà trên áo đã cài hoa trắng thì hãy luôn mỉm cười và vui vẻ lên, vì người thân của mình luôn luôn ở bên cạnh mình, bước theo từng bước chân của mình.


2bd.jpg
TS Nguyễn Bình Dương
Nguyễn Bình Dương tốt nghiệp loại khá giỏi ngành Cơ kỹ thuật của Trường Đại học Bách khoa TP.HCM năm 2009, sau đó anh tiếp tục theo học bậc thạc sĩ Trường Đại học Việt - Đức, đề tài “Modelling polygonization in single crystals within the Continuum dislocation theory” do GS.Lê Khánh Châu hướng dẫn.

Luận văn này đạt điểm tối đa và được tạp chí quốc tế về khoa học kỹ thuật đăng vào cuối tháng 9-2011, đồng thời được báo cáo tại Hội nghị quốc tế về Plasticity ở Mỹ vào tháng 1-2012.

Là sinh viên xuất sắc trong khóa đầu tiên của Trường Đại học Việt - Đức, anh được vinh dự đón tiếp Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel, trong chuyến thăm và làm việc của bà tại Việt Nam vào tháng 10-2011, được ông Schröeder, cựu Thủ tướng Đức trao bằng tốt nghiệp thạc sĩ.
Sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ, anh được Tổ chức German Foundation Research tài trợ để tiếp tục hoàn thành luận án tiến sĩ tại Đại học Ruhr Bochum (Đức).

Nguồn tin: Giác Ngộ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây