Người mở mối đạo ở thôn Păng Tiêng

Thứ năm - 30/07/2015 07:32
Nơi đó là một ngọn đồi nhỏ thoai thoải, xung quanh là ruộng lúa, dòng suối và rừng núi, mặc dù chỉ cách TP.Đà Lạt có hơn 30km, nhưng phải mất gần 2 tiếng đi xe máy để đến nơi. Đó là thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng.
Nơi đó có vị thầy trẻ - ĐĐ.Thích Nhựt Hải, vừa tốt nghiệp khóa IX Học viện PGVN tại TP.HCM về, với tâm nguyện hoằng pháp vùng xa.
 
Con đường để vào nơi vị thầy đang có chí nguyện xây dựng ngôi Tam bảo toàn đá sỏi, dốc, mưa thì rất trơn trượt, khó đi. Dân cư ở đây đa phần là dân tộc thiểu số theo các tôn giáo giáo bạn và một phần nhỏ người dân đi xây dựng kinh tế mới theo đạo Phật. Ở đây hiện chưa có ngôi chùa nào.

Học từ gương các thầy đi trước

Nói về tâm nguyện hoằng pháp vùng xa, thầy kể, khi còn đang học Trường Trung cấp Phật học Lâm Đồng, những dịp huynh đệ ngồi với nhau, thầy thường được nghe kể về những câu chuyện của quý ngài đi trước, thấy có rất nhiều vị cộng tác với nhau rất thành công và đưa Phật giáo phát triển mạnh, mãi sau này tình cảm huynh đệ vẫn rất tốt.

Rồi từ tấm gương của người trước, thầy chia sẻ với huynh đệ trong lớp: “Huynh đệ mình nên kết hợp với nhau tìm một nơi ở vùng sâu, vùng xa để hoằng pháp”. Khi chia sẻ thì được huynh đệ rất đồng tình, nhưng khi quyết tâm làm thì mỗi người mỗi nhân duyên, nên cuối cùng chỉ còn mình thầy.

Năm 2012, khi đang học ở Học viện Phật giáo tại TP.HCM, thầy rủ mấy huynh đệ đi mua đất, quý huynh đệ không tin vì trong túi thầy chỉ có có 50 ngàn. Rồi thầy quyết định một mình đón xe lên đường. Trước khi đi, thầy chia sẻ: “Huynh đệ mình có tâm nguyện, chí nguyện đẹp mà mình không quyết tâm làm thì chí nguyện đó chỉ trên sách vở. Còn chuyện nhân duyên thì chưa biết được gì, mình cứ tự nhiên theo cái lệ tự nhiên ấy thì sẽ thành tựu thôi”.

Khi gặp được mảnh đất ưng ý thầy không đủ tiền, nên chia sẻ cho Phật tử, thì được khuyên: “Thầy nên mua một miếng đất ngoài phố để tụi con đến gần gũi thăm nom. Thầy sức khỏe yếu, đi vào vùng sâu vùng xa con muốn đến thăm rất khó, khi đau ốm không ai chăm sóc, trong đó đồng bào lại rất khó giáo hóa, mà để trở thành tín đồ Phật tử thì lại khó khăn hơn”.

Nghe vậy, thầy giải thích cho Phật tử về tâm nguyện của mình: “Quý Phật tử nên nghĩ đến những chuyện sâu xa hơn cho Phật pháp. Chẳng lẽ Phật giáo chỉ tập trung những nơi đô thị, còn những vùng đất mới, rất tiềm năng và nơi đó Phật giáo chưa có mặt, nếu tu sĩ không đến đầu tiên thì Phật tử có đến không, nếu Phật tử đến mà tu sĩ không đến thì có hình thành nên Tam bảo không? Mình phải mạnh mẽ đi đến những vùng đó.

Thật ra mà nói, người Kinh vào vùng đất này nhu cầu tâm linh của họ rất cao; đời sống khó khăn, mà trong rừng núi nữa, họ rất cần đến tâm linh, bởi phải sống trong nhiều thứ bất an, hay tin vào những điều mê tín. Do đó họ cần có người thầy hướng dẫn; tu sĩ nên đi vào đó để đáp ứng nhu cầu của họ”, ĐĐ.Nhựt Hải giải thích cho Phật tử.

Nhiều Phật tử hiểu được việc làm của thầy nên cũng gom góp cúng dường và cho thầy mượn. Gần đến ngày trả tiền mua đất, thầy vẫn chưa đủ tiền, lúc đó thầy cũng hơi nhụt chí. Nhưng tối hôm đó thầy ngủ nằm mơ thấy có vị Hộ pháp đến nói: “ông vô đó mua mảnh đất ấy đi, vô đó mà hoằng hóa, thế đất đó giống như con rùa, con hổ, ông ở đó mới hoằng pháp được”, từ đó thầy không lo nghĩ nhiều về tiền bạc để mua đất, thầy nghĩ tất cả để... Hộ pháp lo!

Được nhiều sự trợ duyên

Mua đất năm 2012, đến giữa tháng 6-2015, thầy bắt đầu xây dựng. Từ ngày về đây, “thấy có rất nhiều điều thuận duyên, tôi không bao giờ nghĩ mình có thể sắp xếp công việc được nhiều như vậy, tất cả mọi việc nó đến một cách tự nhiên”, thầy cho biết.

Chính quyền địa phương đã tạo điều kiện, hướng dẫn những thủ tục pháp lý kỹ càng cho thầy. Một số Phật tử thuần thành ở đây khi thầy đến nói chuyện đều hết lòng hỗ trợ: “Thầy cứ sai việc đi, anh em của con ở đây cũng đông lắm, để con nói lên phụ với thầy”. Một số chư vị tôn túc trong Ban Trị sự  tỉnh cũng hướng dẫn thầy cất một cái nhà ở tạm, để quen biết với dân chúng địa phương, rồi sau đó mới có cơ sở phát huy.

Thầy Nhựt Hải cho biết hiện tại vẫn chưa có giấy phép chính thức xây dựng cơ sở tôn giáo, nên giờ cất một cái nhà để ở, “trước tiên là có nơi để bản thân mình tu học, để quen biết gần gũi với dân chúng và địa phương”.

Chủ nhật hàng tuần thầy đều ra TP.Đà Lạt hướng dẫn Phật tử tu học, hướng dẫn ngồi thiền, niệm Phật, chia sẻ kinh nghiệm tu học, và học về kinh Na Tiên.

Bà Tám, nhà ở đường Quang Trung, TP.Đà Lạt, quen biết và trợ duyên cho thầy từ khi học trung cấp cho biết: “Ở đây Phật tử mến thầy lắm, cứ Chủ nhật là thầy hướng dẫn Phật tử tu tập”.

 “Thầy là người có hạnh, biết cách làm việc, thầy có tâm nguyện, có nhiều ưu điểm”, Sư cô Huyền Tâm, từng là giáo thọ của thầy ở Học viện chia sẻ.

Chú Chu Hồng Anh, pháp danh Đức Anh, gia đình là Phật tử thuần thành ở xã Lát, khi thầy Nhựt Hải đến gặp và chia sẻ về tâm nguyện, chú đã hết lòng trợ duyên cho thầy.

Chú Hồng Anh cho biết: “Nói chuyện với thầy, thấy ý chí thầy rất lớn, tuổi trẻ mà dám vào vùng sâu vùng xa đầy khó khăn chướng ngại, với chí nguyện sau này hoằng dương Phật pháp, nên cũng cố gắng, khả năng mình tới đâu thì giúp thầy tới đó. Hơn nữa, ở đây đa số là đồng bào dân tộc, nên tôi cũng rất mong sẽ có một ngôi chùa tại đây”.

“Thật ra đối với một thầy trẻ, tâm nguyện lớn như vậy sẽ gặp rất nhiều chướng ngại. Không những chướng ngại về vật chất mà cả trên bước đường hành đạo cũng rất khó khăn. Nhưng tôi tin, nếu cố gắng là sẽ làm được. Bậc tu hành chân chính thì lúc nào cũng sẽ có những Long thiên - Hộ pháp hỗ trợ, khó khăn sẽ vượt qua”, chú Hồng Anh cho biết thêm.

Tu học để hoằng pháp

Có duyên với Phật pháp từ sớm, năm 12 tuổi, thầy xuất gia tu học ở chùa Thập Tháp (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định). Lúc đó gia đình thầy chưa phải là Phật tử, sau khi thầy đi tu mới bắt đầu tìm hiểu Phật pháp và đến khi 2 em thầy xuất gia thì cả nhà mới quy y Tam bảo.

7nh.jpg
Ngôi nhà nhỏ của người dân để lại làm nơi ở cho Phật tử công quả

Thầy học Trung cấp Phật học Đà Lạt năm 2006, song song đó, thầy còn học Đại học Đà Lạt ngành Ngữ văn. Năm 2011, thầy học Học viện PGVN tại TP.HCM.

Sau 2 năm đại cương ở Học viện, thầy chọn khoa Triết để theo học, “vì với tâm nguyện là sẽ về vùng sâu vùng xa hoằng pháp, thấy khoa Triết là một khoa có chiều sâu về nội điển nhiều nhất, học về nội điển nhiều nhất. Học đại học bên ngoài mình đã học về ngoại điển nhiều rồi, nên bây giờ mình học nội điển và kết hợp cả hai, nhưng nội điển là cái chính yếu cần học, và kiến thức đó mới giúp mình nghiên cứu sâu. Nếu không có điều kiện học nữa, thì người học cũng có một nền tảng vững chãi để có thể tìm hiểu tiếp và đủ kiến thức để hoằng pháp hướng dẫn Phật tử”, thầy tâm sự.

Trong những câu chuyện thầy kể, thầy đặt nhiều ý nguyện cho vùng đất này, cũng như những hướng phát triển tương lai về hoằng pháp và tu tập cho bà con không chỉ nơi đây, mà nhiều nơi khác. Đó là những tâm nguyện đẹp, cần thời gian và sự bền vững, mạnh mẽ giữ vững lý tưởng từ vị thầy trẻ.

Rồi thầy chia sẻ, trong khó khăn sẽ làm con người ta sinh rất nhiều thiện pháp: “Đối với tôi, khó khăn hiện tại là chuyện bình thường của đời tu, là những trợ duyên nuôi lớn tâm nguyện của mình, coi mình có vượt qua được không. Chính những lúc như vầy làm cho ý chí của mình mạnh mẽ ghê lắm, nuôi lớn nhiều thứ và tâm mình có chấp nhận được không. Chấp nhận một cách tự nhiên, đó cũng là tu tập”.

Nguồn tin: Giác Ngộ

 Từ khóa: mặc dù, thoai thoải

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây