Nhật ký của một vị Tăng trẻ du học tại Sri Lanka

Thứ tư - 30/07/2014 08:01
Mình ở trong một tu viện Nam tông Balagule. Thầy trụ trì rất dễ thương và hồn nhiên như con nít...
Tác giả cùng quét sân chùa với chú Simun - Ảnh: Áng Mây Bay
Tác giả cùng quét sân chùa với chú Simun - Ảnh: Áng Mây Bay

Thành phố Kandy, ngày 16-7-2014

Trầm Hương thân quý! Vậy là mình đã xa Việt Nam thật rồi đó. Mới ngày nào chúng ta còn đi thong dong trên các con đường thật đẹp ở Việt Nam, giờ lại có mặt ở đảo quốc Sri Lanka xinh đẹp này. Cũng những con đường đầy cỏ hoa, những rừng cây bạt ngàn nắng gió nhưng khoảng cách thời gian và không gian nếu đong đo thì có lẽ sẽ không dài và xa hơn nỗi nhớ.

Trầm Hương biết không, khi vừa đặt chân lên đảo quốc này, một cảm giác vừa lạ lẫm vừa thân quen dâng đầy trong tâm thức. Cảnh vật còn hoang sơ tĩnh mịch như thời Đức Phật. Những tu viện cổ kính giản đơn đến không ngờ nép mình trên những ngọn đồi đầy cây xanh lộng gió. Phật tử Sri Lanka rất hiền lành và dễ mến. Khuôn mặt họ thật phúc hậu và từ ái mà chỉ cần Trầm Hương nhìn một lần là ấn tượng không quên. Mình thích đôi mắt của người Sri Lanka, đôi mắt sâu thẳm như hồ nước mùa thu, long lanh như bầu trời xanh không mây gợn.

Trầm Hương ơi!

Bây giờ bên đây là 9g35, một buổi sáng thật an lành và se lạnh. Khí hậu ở Sri Lanka tương đối nóng nhưng may mắn thay mình ở thành phố Kandy, địa hình đồi núi nên khí hậu mát mẻ giống như Đà Lạt ở Việt Nam mình vậy. Mình ở trong một tu viện Nam tông Balagule. Thầy trụ trì rất dễ thương và hồn nhiên như con nít. Trong chùa có hai thầy Sri Lanka ở chúng đi học và 4 chú tiểu Sri Lanka rất dễ thương. Các chú rất thân thiện với mình. Trong các chú, mình thường hay trò chuyện với sư chú Simun. Sư chú Simun là người Bangladesh, sư chú mới 12 tuổi mà phải rời bỏ quê hương để sang đây tu học.

Phật giáo Bangladesh bị tàn phá và khủng bố bởi những người Hồi giáo cực đoan, họ đến khủng bố và đốt phá các tu viện nên có rất nhiều thầy Bangladesh phải bỏ quê hương xứ sở của mình mà đến Sri Lanka tu học. Nghĩ tới thấy chạnh lòng và thương quá! Thương cho Phật giáo mình mà cũng thương cho những con người còn thiếu quá nhiều năng lượng hiểu và thương. Trái tim họ chưa mở ra như một đóa hoa và vòng tay họ chưa bao dung để có thể ôm những người khác vào lòng một cách không phân biệt.

Giờ này Trầm Hương đang làm gì nhỉ? Trầm Hương đang cắm hoa trên chánh điện hay được ngồi uống trà rồi? Buổi sáng, sau giờ thiền tọa, mình phụ các chú quét sân chùa. Người Phật tử Sri Lanka không có thói quen tụng kinh ở chánh điện như Việt Nam mình mà họ tụng kinh xung quanh cây bồ-đề. Đối với họ, cây bồ-đề là thánh địa quan trọng nhất. Trầm Hương có thể hiểu được vì sao mà phải không? Vì Đức Phật của chúng ta thành đạo ở gốc bồ-đề và họ tin rằng tu tập, tụng kinh, ngồi thiền, kinh hành quanh gốc bồ-đề sẽ mang lại năng lượng bình an và trí tuệ nhất. Đi ngang qua khu vực đất của cây bồ-đề chúng ta không được mang giày dép, đi chân trần như thế để tiếp xúc với thiên nhiên và bày tỏ lòng cung kính. Hồi mới sang, mình chưa quen đi chân trần nhưng đi rồi mới thấy thú vị. Con người hiện đại văn minh toàn mang giày dép, họ chẳng bao giờ đi chân đất vì ngại giẫm phải những vật không an toàn.

Trầm Hương biết không, những con đường ở đây đẹp lắm! Đường mòn quanh co, uốn dài theo triền đồi đầy cây cỏ. Đặt từng bước chân trên con đường nhỏ, ý thức từng bước chân đi theo hơi thở ra vào. Thở vào, đã về, thở ra, đã tới… Bài tập thở đơn giản ấy Sư ông dạy chúng ta thực tập mỗi ngày Trầm Hương nhớ không? Nhờ những bài tập ấy mà mình thấy quê hương đích thực của mình ngay bên cạnh. Nỗi nhớ quê nhà cũng dần nguôi ngoai.

Trước lúc rời xa Việt Nam mình quyết định mang cả quê hương theo cùng trái tim mình. Hơi thở nhiệm mầu giúp mình có mặt bây giờ và ở đây. Tăng thân khắp chốn, quê hương nơi này! Mình biết Trầm Hương còn đó cho mình, quê hương còn đó và Tăng thân cũng còn đó. Chỉ cần trở về thì tất cả sẽ có mặt ngay thôi phải không? Do đó, mình sẽ đi từng bước chân thật cẩn trọng cho mình và cho cả quê hương…

Kandy, ngày 17-7-2014

Một buổi sáng thật bình yên giữa núi rừng đầy gió và cây lá. Giờ thiền tọa sớm mai kết thúc lúc 4g30, mình ra phụ sư chú Simun quét lá bồ-đề như mọi hôm và ngồi viết vài dòng cho Trầm Hương.

Bên mình thế nào rồi Trầm Hương? Vẫn khỏe và an yên như mọi khi đúng không? Mình biết dù thế nào Trầm Hương vẫn sẽ an lành như sương mai như thế. Mỗi lần nghĩ đến quê nhà, mình nhớ nụ cười an lành của Trầm Hương, nụ cười nhẹ nhàng và bình an đến lạ. Mình dám chắc rằng chỉ cần ai đó ngồi bên cạnh Trầm Hương trong vài phút thôi, dù không cần nói gì nhưng năng lượng an lành của Trầm Hương chắc chắn sẽ khiến trái tim họ nở ra như một đóa hoa.

Trong khung cảnh vắng lặng của núi rừng mà quét lá cây trên con đường uốn cong xào xạc thì thật là hạnh phúc. Sư chú Simun thấy mình ra quét sân, chú vui lắm. Miệng chú cười thật tươi. Quét được một chút, mình dừng lại thở và mỉm cười nhìn chú. Chú nghĩ mình mệt nên hỏi: “Are you tired, bhante?” (Thầy có mệt không, bhante?).

Mình hỏi chú: “Simun, while you are sweeping, do you know you are sweeping? Are you joyful in your works?” (Simun, lúc chú đang quét sân, chú có biết mình đang quét sân không? Chú có thật sự có an lạc, thảnh thơi với công việc của mình?).

Thoáng suy nghĩ một chút, chú cười và trả lời: “I am so happy, why not?” (Sao thầy hỏi vậy, con rất hạnh phúc ạ). Rồi mình chia sẻ cho chú cách thở và làm việc trong chánh niệm. Simun nói ở Sri Lanka mọi người chỉ thực tập thiền trong tư thế ngồi thôi.

Mình kể với sư chú rằng, trong truyền thống thực tập thiền của Phật giáo Việt Nam không chỉ ngồi mới có thể thực tập thiền mà chúng ta có thể thực hành thiền trong mọi lúc mọi nơi và trong mọi hoạt động của đời sống. Chú ngạc nhiên lắm khi nghe mình chia sẻ như vậy. Mình chỉ chú thiền hành và đi cùng chú dọc theo con đường đầy lá. Mỗi bước chân là một hơi thở, thở vào biết mình đang thở vào và thở ra biết mình đang thở ra. Mình nhớ lời dạy của Sư ông: “Đi như hôn trên mặt đất”. Mình còn chỉ sư chú cách quét sân trong chánh niệm nữa: “Simun, if you practice mindfulness meditation in your daily life, you will get a lot of peace and happiness. Every step can bring to Buddha land. That’s magical thing that you can do in the present moment. Just observe your breath, breath in and out” (Simun, nếu chú thực tập chánh niệm trong cuộc sống hàng ngày, chú sẽ có được sự bình an, hạnh phúc. Mỗi bước đi đều mang chú đến gần với Đức Thế Tôn. Đó là điều kỳ diệu mà chú có thể làm được ngay giây phút hiện tại, bằng cách quan sát hơi thở vào, thở ra của mình).

*

Dưới chân đồi là khu nhà dưỡng lão. Phần đất này do thầy trụ trì hiến cúng cho nhà nước xây dựng. Phía trước khu nhà có một kệ nhỏ, cao, chứa nước và cơm trắng. Mình thấy có rất nhiều chim đến ăn và uống nước tại nơi này. Hầu như nhà nào cũng có một cái kệ cao trước nhà như vậy. Simun nói cái kệ này dành để bố thí thức ăn cho chim chóc xung quanh.

Người Sri Lanka từ bi lắm Trầm Hương. Khuôn mặt của họ rất hiền từ và phúc hậu. Đời sống đơn giản mà hạnh phúc lắm. Ở đây con người sống rất gần gũi với thiên nhiên. Trên cây bồ-đề lớn tại chùa mình có một đàn quạ rất lớn. Quạ ở Sri Lanka lớn hơn rất nhiều so với ở Việt Nam. Buổi tối chúng bay về và kêu vang cả một góc chùa. Chùa Balagule nằm trên một ngọn đồi lớn, xung quanh là rừng cây. Người Sri Lanka để cây cối mọc tự nhiên không chặt phá. Vì thế mà ở Sri Lanka có rất nhiều cây cối, thỉnh thoảng trong chùa quý thầy còn bắt gặp mấy chú nai, thỏ và kỳ đà tới sườn đồi ăn cỏ uống nước.

Khi tình thương có mặt thì có gì là cách biệt, xa rời nữa phải không Trầm Hương? Hiểu và thương trọn vẹn nghen…

"ĐĐ.Thích Đồng Tâm tốt nghiệp Thạc sĩ Địa lý kinh tế - Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, tham gia giảng dạy 3 năm tại trường này. Hiện thầy đã tốt nghiệp cử nhân Phật học Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, Tăng sinh khóa 1 chương trình Cao học Phật giáo của Học viện. Đầu tháng 7 vừa qua, ĐĐ.Thích Đồng Tâm sang thành phố Kandy, Sri Lanka du học chương trình cao học Phật học".

 

Tác giả bài viết: ĐĐ.Thích Đồng Tâm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây