“Nhớ sống hiền gặp lành” cho chính người xuất gia

Thứ ba - 20/08/2013 17:58
Hàng triệu người con đều muốn thể hiện lòng hiếu thảo của mình đến các đấng sinh thành mỗi dịp Vu Lan về. Những người xuất gia theo đạo Phật cũng thế...
Đại đức Thích Pháp Bảo, chủ nhiệm diễn đàn Vẻ đẹp Phật pháp, đang tu học tại Thiền Viện Vạn Hạnh (TP.HCM) chia sẻ về cái hiếu của người xuất gia.


 
“Chúng ta hãy cố gắng tạo duyên lành để cho cha mẹ làm nhiều việc phước thiện”, đại đức Thích Pháp Bảo.
 
Người xuất gia luôn chịu 4 cái ân

Đại đức có thể chia sẻ về người xuất gia thể hiện chữ hiếu của mình thế nào không?

Khi đã đi tu rồi thì mang ơn hay trả ơn, chúng tôi thường hướng tâm tới Tứ trọng ân (Ân cha mẹ - Ân tam bảo sư trưởng - Ân quốc gia xã hội - Ân chúng sanh vạn loại) tất nhiên là không chỉ lo lắng riêng gì đối với gia đình thân tộc huyết thống.

Thuận hiếu của người xuất gia được thể hiện ở việc trì tụng Tâm kinh, hằng ngày sám hối nghiệp chướng, thanh tịnh ba nghiệp (Thân, khẩu, ý), đó còn là bổn phận giữ gìn Đạo làm con, làm sao cho cha mẹ được yên tâm, hài lòng về nếp sống…

Lúc cha mẹ còn tại tiền thì người tu còn phải biết hướng dẫn cha mẹ cung kính các vị Tỳ kheo chân tu, thọ trì Giáo pháp của Đức Phật, tiếp nhận năm giới quý báu và quy y Tam bảo hay tạo duyên lành để cho cha mẹ làm nhiều việc phước thiện.

Hướng dẫn cha mẹ thực hành lời Phật dạy và đem tâm nguyện hồi hướng cho khắp cả chúng sanh, để cái phước duyên đó không chỉ có ý nghĩa với kiếp này mà còn những được nghiệp lành cho những kiếp sau.

Thầy có thể chia sẻ về gia đình thế tục của mình được không?

Năm thầy lên 3 tuổi thì ba thầy đã qua đời, từ đó mẹ và các anh chị em thầy phải sống mò mẫm, tựa nương nhau để khôn lớn trên vai của mẹ.

Quê hương thầy ở gần vùng ven biển, sớm chiều hai bữa cơm rau muối lạt lòng, cát phủ trắng, chẳng trồng trọt được loại hoa màu, cây cối gì.

Ngày ngày mẹ phải chạy gạo từng bữa một, sau đó phải gánh đôi gióng (quang gánh - PV) trên lưng đi buôn bán qua ngày, nuôi đàn con thơ dại. Theo tháng năm, mẹ thầy cũng đã thuận duyên của tạo hóa, mất hơn hai năm nay rồi.

Mẹ luôn là động lực tiếp sức
 
Tại sao thầy xuất gia? Trong thời gian tu tập hình ảnh của người mẹ xuất hiện như thế nào trong tâm trí của thầy?

Từ nhỏ, sau khi ba mất thì mẹ cho phép thầy qua ở với bà ngoại, để tiện đường đi học và giúp đỡ cho bà mấy công việc như thổi cơm, rót nước, kiếm lá xông, mua cau trầu…

Và khi bà qua đời, thầy lại được duyên hầu Hòa thượng Thích Thiện Tấn, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN Tỉnh Quảng Trị, chùa Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị thương nên tới dặn với mẹ “Cho “hắn” (tiếng Huế) lên chùa tu học với chúng tôi nghe”!

Khi rời mái nhà thân yêu để theo chân Hòa thượng lên chùa, mới đi chừng một đoạn đường, mẹ thầy chạy vội theo gọi “Ôn (cách gọi các bậc tu hành lớn tại miền trung - PV) ơi! Ôn cho con gởi tấm áo lạnh cho Tấn với ạ! (tức tên đời của thầy). Lúc đó nhìn mẹ rươm rướm dòng nước mắt, chảy dài trên gò má, thầy thương mẹ lắm. Mẹ còn dặn với theo: “Con ráng tu cho tinh tấn con nhé!”.

Lời nói của mẹ là động lực tiếp sức, nguồn động viên an ủi vô tận cho thầy mỗi khi gặp khó khăn, chùng bước…

Thầy có những kỷ niệm sâu sắc nào nhất về người mẹ của mình không? Những lời dạy nào của mẹ vẫn còn văng vẳng trong tâm trí của thầy? Nói về những kỷ niệm với mẹ thì nhiều lắm! lúc còn nhỏ, đến khi khôn lớn. Thời gian xuất gia, những lúc trở về thăm quê nhà khi nào thầy cũng muốn làm một người con rất đỗi “bình thường” bên mẹ.

Có một hôm mẹ vào TP.HCM nhưng thầy không hề được báo trước chuyến đi “thăm con”. Khi thấy bà xuất hiện ở sân chùa, thầy mới nhận ra một điều là tình mẹ bao la quá, lúc nào cũng tạo cho thầy sự bất ngờ!

Và đó là lần đầu tiên thầy ôm choàng lấy thân hình nhỏ bé của mẹ vào lòng mà không nói được gì cả. Cảm giác ấm áp, hạnh phúc vô ngần khi thầy vẫn còn có may mắn được nhận nguồn năng lượng yêu thương ấy! Mẹ còn dặn dò mấy lời trước lúc tay mẹ rời bàn tay của thầy và bảo: “Nhớ sống hiền gặp lành con nhé!”

Được biết thầy viết rất nhiều bài cũng như làm các đĩa CD về mẹ. Thầy có thể chia sẻ một ít về điều này không ạ?

Năm xưa tuổi còn đi học, mỗi ngày đi học về, mẹ thường dò những bài học ở trường nhưng mẹ gõ thước tới đâu thì thầy chỉ đọc đến đó mà thôi. Thời đó thầy ít bày tỏ tình cảm hay rất kiệm lời khi nói chuyện với mẹ.

Đến lúc viết lách, sáng tác một số tác phẩm về văn học thì người khơi nguồn cảm hứng và cây bút viết không biết mỏi mệt đó chính là người mẹ của thầy.

Hai năm qua hình ảnh vô thường ra đi của mẹ đã đánh thức thầy khá nhiều. Trong lòng thầy trào dâng những thao thức, kỷ niệm về hình bóng một người mẹ không thể nào báo đáp công ơn nuôi dưỡng.

Hiện có rất nhiều người con đang vô tình hoặc cố ý lãng quên cha mẹ bằng nhiều lý, theo thầy nghĩ không đáng chút nào. Thấy vậy, thầy muốn chấp những bài thơ, bài văn thành những bức thông điệp tình mẹ qua âm nhạc và bất cứ ở nơi nào con người vẫn cảm, vẫn lắng nghe được hết tất cả những lời nhắn nhủ “Mẹ luôn nhớ con - Con hãy trở về…

Xin cảm ơn Đại đức!

Nguồn tin: Báo Lao Động

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây