Những điều giản dị khiến người khác nghiêng mình…

Thứ sáu - 28/07/2017 06:41
Mình thương mấy cháu nên làm những chuyện đó rất bình thường, tự nhiên thôi, chứ không có gì cả”. Đó là chia sẻ chân tình của anh Nguyễn Văn Nhân (sinh năm 1983 - ấp Bàu Tre 1, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM) ở rể, nuôi 3 đứa cháu của vợ và không sinh con để lo cho các cháu chu toàn.

3nh.jpg
Anh Nguyễn Văn Nhân (áo xanh) và những người thân của vợ đã cùng viết nên cổ tích giữa đời thường

Đang giữa cuộc trò chuyện với người viết trước hiên nhà, anh xin lỗi vì tới giờ đi đón cháu Đinh Chí Thoại (sinh năm 2000) đi học thêm về. Do Thoại bị tật bẩm sinh chân trái, đi lại rất khó khăn nên hàng ngày anh đều chở đi học và chở về. Ngoài ra, gia đình nhà vợ còn có em Đinh Long Hồ (sinh năm 1988), sinh ra với di chứng chất độc da cam và Đinh Khánh Duy (sinh năm 2001) chậm phát triển. Anh Nhân nói: “Các cháu không có ba mẹ thì mình đứng ra tắm rửa, cho các cháu ăn, chở các cháu đi học, phục vụ như là con của mình vì mình là cô chú thì cũng như ba mẹ”.

Chuyện tình đẹp của hai tâm hồn đồng điệu

Anh Nhân và chị Đinh Thị Hồng Hạnh quen biết nhau từ năm 2006, khi anh bắt đầu chân ướt chân ráo từ Quảng Ngãi vô Sài Gòn mưu sinh. Anh kể, hồi đó anh cũng mặc cảm, tự ti vì mình nghèo, lại “ở nhà quê mới lên” nên ít tiếp xúc với ai. Trong quá trình đó, anh cũng hay quan sát chị Hạnh, vì cùng làm chung xưởng công ty - “thấy chị ít nói, rất hiền, thỉnh thoảng anh qua nói chuyện vài tiếng, lần lần rồi quen nhau”. Nhưng phải đến năm thứ 2 chị mới đồng ý quen anh, vì chị “ngại” anh nhỏ hơn tuổi mình, do đó luôn tìm cách tránh mặt anh.

Sau đó có dịp, anh Nhân ra nhà chị chơi, lúc đó ba chị Hạnh còn sống, “thấy nhà không khá giả, nhưng sống không có khoảng cách, rất hiền hòa nề nếp”. Khi bố mất, bắt đầu chị mới khổ, vì gánh vác mọi việc trong gia đình, chật vật lo cho các cháu đi học, ăn uống hàng ngày, vay nóng bên ngoài, nên nợ càng ngày càng tăng. “Hàng tháng vẫn đóng tiền lời cho người ta nhưng cái gốc vẫn còn nên khổ lắm. Biết vậy nhưng Hạnh vẫn vay vì cần tiền”, anh Nhân kể.

Thấy vậy “anh thương chị lắm”, muốn đỡ đần cùng chị. Và sau nhiều lần bị từ chối, cuối cùng anh cũng thuyết phục được chị lấy anh vào năm 2012. “Tôi cưới Hạnh là do duyên và nghiệp của hai chúng tôi. Tôi rất thương mến cái tâm tốt bên trong của Hạnh, biết chăm lo cho gia đình, hy sinh lo cho các cháu, rất thương các cháu, tính tình lại hiền hòa nữa”, anh Nhân bày tỏ.

Sau khi cưới chị, anh nghỉ làm ở nhà để chăm lo cho các cháu, thời gian rảnh anh làm thêm thời vụ gần nhà. Và hai anh chị thống nhất với nhau sẽ không sinh con, dành hết tình cảm chăm lo cho các cháu, để các cháu học đến nơi đến chốn, ra trường tự tìm được công việc ổn định mới tính tới chuyện của mình. “Giờ mà vợ chồng sinh con sẽ không nuôi nổi. Nếu giờ mình tính luôn hai bên một lượt thì gồng gánh không xuể. Nên lo xong cho hai đứa đi rồi tính tới chuyện của bản thân”, anh Nhân và chị Hạnh nhất trí với nhau như vậy.

Nói về người con rể của mình, bà Gái (mẹ chị Hạnh) bày tỏ: “Bây giờ tôi chỉ biết thương Nhân thôi chứ không biết làm gì hết”. Bà chia sẻ, chắc nhờ phước duyên nhiều lắm gia đình mới gặp được anh Nhân, anh không biết uống rượu, biết chăm lo cho gia đình, thương các cháu và không nề hà việc gì cả.

Bà kể, các cháu của mình mồ côi cũng vì rượu nên gia đình ly tán, mất hạnh phúc, nhưng  nhờ có Nhân về cùng chăm sóc nên các cháu bà rất ngoan, không bao giờ biết nói dối, đi đâu đều xin phép. Bởi với bà Gái: “Chỉ cầu nuôi cho hai đứa nhỏ học tới nơi tới chốn, giờ tôi sợ nhất trên đời là hai đứa nhỏ, nếu không đi học được là chết, vì không cha, không mẹ, mà không học nữa thì ra đời dễ thành người xấu - tôi chết cũng không yên”.

Còn với em Thoại, hàng ngày được anh Nhân đưa đón đi học, và trên con đường ấy, em được chú chia sẻ nhiều điều về cuộc sống, về làm người. “Chú rất hiền, sâu sắc. Em thấy chẳng có ai trên đời này như vậy cả. Em thương chú lắm”, Thoại nhận xét.

Sống mỗi ngày thấy vui là hạnh phúc

Từ khi quyết định quen chị, và đi đến hôn nhân, anh chị cũng gặp nhiều lời ra tiếng vào của mọi người xung quanh, nhưng anh Nhân xem đó là những lời nói “thương” của hàng xóm. “Tôi nghĩ kỹ lại thì người ta chỉ nhìn bề ngoài, và chỉ muốn tốt cho mình mới nói. Thật sự cuộc sống của mình thì mình sẽ hiểu mọi chuyện, hiểu bên nào như thế nào, nên mình cứ làm theo ý nghĩ của mình thôi. Người ta chỉ nói được một thời gian chứ không ai có thời gian nói hoài. Người ta càng nói nghịch mình thì cái đó đang giúp mình sửa tâm ý, để tu”.

Nên anh ít khi nói lại, anh cười bảo: “Mình thì làm không được bao nhiêu nhưng mình ít nói lại, thì là đã làm nhiều hơn nói rồi. Nếu hồi xưa mình nói nhiều, vật chất mình đủ đầy thì bây giờ mình sẽ ra sao, không biết lạc lối nào rồi, chứ đâu được như bây giờ”. 

Một ngày bận rộn với công việc chăm lo cho các cháu, và công việc mưu sinh, nhưng ban đêm rảnh anh đều nghe thuyết pháp, tụng kinh và ngồi tĩnh tọa. Anh cho biết từ nhỏ đã được mẹ ở quê hướng đi chùa nên khi vào đây anh cũng thường xuyên đi chùa, ngoài những chùa gần nhà, anh cũng đi chùa Hoằng Pháp ở huyện Hóc Môn tham dự khóa tu và hiện tại anh ăn chay trường. Chị Hạnh và bà Gái cũng ăn chay một tháng 4 ngày.

Với anh, tu và học Phật chính là “sửa tâm tánh của chính mình”. Trong cuộc sống không có phân biệt, cái gì thấy xấu thì mình bỏ, tốt thì mình học, sửa mình từng chút một. Anh nói thêm: “Con đường tu học không phải lúc nào cũng bằng phẳng, ban đầu khi mới phát tâm thì mạnh nhưng qua một thời gian thì giảm lần, nên mình phải có cái gì đó để tự nuôi dưỡng mình”.

Đặc biệt, anh cho biết, rất tin vào nhân quả, giàu nghèo là do phước của mỗi người. “Mình chấp nhận số phận hiện tại và sống sao cho cảm giác mỗi ngày sống đều vui vẻ không có gì để phiền, dù mình sống trong khổ, khó, nhưng mình vẫn lo cho cuộc sống gia đình chu toàn”.

Có thể, trong “hiện tại mình nghèo là do kiếp trước mình không có tu, không biết làm phước, và mình xài hết phước nên nghèo. Còn kiếp này nếu mình nghèo nhưng mình biết làm những điều phước thiện từ tâm ý đến những việc làm cụ thể, nhỏ nhỏ thì cuộc sống hiện tại của mình sẽ an yên”. Vì thế anh luôn vui, bình an với những việc làm hiện tại, hết lòng với gia đình.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây