Những nữ tu tại Tự viện núi Druk Amitabha, Kathmandu đã luyện kung fu trong 4 năm để có thể phản ứng nhanh trong những tình huống nguy hiểm như trận động đất mạnh hôm 25/4. "Không ai trong chúng tôi hét lên sợ hãi hay cúi xuống sàn khóc. Chúng tôi di chuyển rất nhanh, né các mảnh tường rơi và thoát khỏi tòa nhà", Jigme Konchok, 21 tuổi, chỉ cho phóng viên xem hội trường bị phá hủy. Đây là nơi cô và các nữ tu khác tập hợp để luyện võ.
Các ni cô bắt đầu học kung fu từ một võ sư Việt Nam. Sau một thời gian, họ vận dụng môn võ này vào nhiều công việc như thiền định và công tác cộng đồng. Họ tham gia các chiến dịch chống lại việc thải chất độc hại ra môi trường, đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ và tuần hành phản đối việc sử dụng tràn lan đồ nhựa.
Họ đang sử dụng các kỹ năng và sức mạnh của mình để cứu trợ nạn nhân của trận động đất làm rung chuyển Nepal cuối tháng trước, khiến hơn 7.000 người thiệt mạng. Trong khi phải sửa chữa nơi thờ tự bị hư hại, các ni cô vẫn nỗ lực hết sức để giúp đỡ người dân, khi họ chứng kiến thiệt hại lớn về người và của do thảm họa gây ra.
"Làm các công việc vì cộng đồng cũng là một hình thức tập luyện tinh thần. Chúng tôi đã rèn luyện cho tay chân rắn chắc để có thể làm việc nặng trong thời gian dài", Konchok, người giám sát Internet và hệ thống âm thanh tại ni viện cho biết.
Mỗi ngày, các nữ tu đi bộ đến các làng lân cận để giúp đào bới, dọn dẹp đống đổ nát từ các ngôi nhà, tìm tài sản bị chôn vùi cho người dân và dọn dẹp đường. Họ còn phân phát gạo, ngũ cốc và giúp dựng lều cho những người ngủ ngoài đường.
Ni viện được Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa, người khởi xướng phong trào Live to Love (Sống để yêu thương), đồng thời là bậc lãnh đạo tâm linh của Truyền thừa Drukpa (Phật giáo Kim cương thừa) tại Nepal, xây dựng từ 26 năm trước. Đức Pháp Vương từng 5 lần tới thăm Việt Nam và lần gần nhất vào tháng 4/2014. Ni viện do Pháp Vương xây dựng là một ví dụ độc đáo về sự đảo ngược vai trò lưỡng giới trong thế giới tu đạo. Thông thường, các nhà sư làm những công việc quan trọng còn các ni cô chỉ làm việc vặt. Trong khi đó, các nữ tu tại đây ngoài cầu nguyện còn học những kỹ năng mà nam giới thường làm như sửa đường ống nước, lắp điện, máy tính, đi xe đạp, và học tiếng Anh.
"Tại nhiều tu viện, phụ nữ không có cơ hội vươn lên khỏi hệ thống phân cấp. Các nữ tu thường chỉ làm các công việc như nấu ăn, dọn dẹp, trong khi các nhà sư điều hành và đưa ra các quyết định quan trọng, giống như nhiều gia đình tại đây", Jigme Yeshi Lhamo, 26 tuổi, đã bỏ nhà tại Ấn Độ để gia nhập ni viện khoảng một thập kỷ trước, nói.
Các ni cô giúp dọn dẹp đống đổ nát tại làng Kalabari, Nepal sau trận động đất. Ảnh: Washington Post.
Các ni cô hôm 2/5 leo lên đống đổ nát từng là nhà của Nirmaya Tamang tại làng Kalabari. Họ đeo khẩu trang, dùng tay không để dọn đá, và lấy cho Tamang nồi xoong cùng dầu ăn trong căn bếp đã sụp.
"Tôi mất con gái và chồng tôi trong trận động đất. Nhà của tôi bị phá hủy. Giờ tôi chẳng còn gì", Tamang nói. "Các ni cô nói rằng họ giúp tôi vì tôi chẳng còn ai để nương tựa. Họ tự nguyện giúp tôi chứ không cần tôi nhờ vả".
Đối với các nữ tu, giúp đỡ cộng đồng cũng là một phần trong việc luyện tập kung fu. "Kung fu không phải là để tấn công hay chiến đấu. Môn võ này giúp bạn có sức mạnh để vượt qua các tình huống khó khăn như trận động đất này". Lhamo nói. "Đó cũng là một hình thức thiền định vì môn võ giúp chúng tôi tập trung, giữ cho tâm trí vững vàng, khiến cơ thể nhẹ nhàng và nhanh nhẹn".
Sau trận động đất, các nữ tu sửa chữa những tấm thu năng lượng mặt trời tại ni viện, lắp gạch mới ở sân trước và xây lại tường vỡ. Ban ngày, các ni cô già cầu nguyện cho linh hồn của những người thiệt mạng trong trận động đất. Ban đêm, họ tuần tra trên đường phố bên ngoài ni viện, khi các ni cô trẻ ngủ trong lều trên bãi cỏ.
"Giáo huấn của chúng tôi nói rằng không có gì là vĩnh viễn", Lhamo nói khi quan sát hội trường luyện kung fu bị hư hại. "Chúng tôi cảm thấy buồn vì trận động đất đã phá hủy một nơi rất thân thương đối với chúng tôi. Tuy nhiên, ít nhất chúng tôi vẫn còn thực phẩm và mái nhà để che trú", Lhamo nói tiếp. "Chúng tôi còn đầy đủ hơn nhiều người khác và cần phải giúp đỡ họ. Đó mới là điều quan trọng".
Các ni cô thu dọn hội trường luyện võ bị hư hại do động đất. Ảnh: Washington Post
Tác giả bài viết: Phương Vũ
Nguồn tin: Washington Post
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự