Phật pháp và nghị lực sống phi thường của 2 chị em

Thứ ba - 27/05/2014 08:00
Tinh thần bình đẳng từ bi của Phật giáo đề cao sự nỗ lực vươn lên của con người trong cuộc sống, theo như lời Phật dạy: “Chiến thắng vạn quân trên chiến trường không vẻ vang bằng chiến thắng chính mình”.
Nhiều người đã tìm thấy qua Phật pháp bao nguồn an ủi khích lệ, từ đó họ nương theo tình thương yêu sáng suốt của Phật đà, để chiến thắng sự mặc cảm và nỗi phiền lo.
 
Đức Phật đã chỉ ra 8 loại khổ đau mà con người bình thường ai cũng có (sinh, lão, bệnh, tử, ái biệt ly, sở cầu bất đắc, oán tăng hội, ngũ uẩn xí thạnh). Trong đó, có loại khổ thứ 8 mang tên ngũ uẩn xí thạnh khổ là thứ khổ của những người không may không có được thân hình lành lặn, khỏe mạnh. 
 
Con người bình thường vốn khổ vì sự hội tụ và xung đột của bốn thành phần đất nước gió lửa tạo nên đủ mọi bệnh tật, vậy những người khuyết tật tay chân teo tóp, họ còn đau đớn khổ sở gấp bội phần, vì họ không thể vận động dễ dàng được, và sức đề kháng của họ yếu hơn người bình thường.

Nhưng chướng ngại về thân thể không thể ngăn những con người kiên cường bất khuất ấy tồn tại và phát triển từng ngày. Ở mảnh đất Nghệ An, có những con người như thế. Tại huyện Thành – Diễn Châu, hai chị em sinh đôi, người chị 35 tuổi tên Đậu Thị Thủy, người em 31 tuổi tên Đậu Thị Bốn, 2 chị em họ là phật tử thuần thành thuộc rất nhiều kinh Phật, điều đó làm hàng triệu triệu con tim người Việt cảm động và ngưỡng mộ.
 
Vì tâm lành hướng Phật con người bình thường không phải ai cũng có, vậy mà hai chị em có thể tu học tinh tấn trong hoàn cảnh khó khăn. Điều này làm những con người lành lặn phải tự nhìn lại mình, phải sách tấn mình tu tập sao cho thuần thành, tinh tấn như 2 cô gái bé nhỏ. 
 
Hai chị em Bốn và Thủy biết đến đạo Phật được 2 năm, nhân duyên họ được đảnh lễ ĐĐ.Thích Tâm Mẫn đang trong quá trình nhất bộ nhất bái xuyên Việt đi ngang qua Diễn Châu, Nghệ An. Hai chị em chia sẻ rằng họ khâm phục, ngưỡng mộ Thầy Tâm Mẫn tự đáy lòng, vì Thầy có một nghị lực phi thường cùng một tình thương hiếm có, khi Thầy đi suốt chiều dài đất nước để gieo duyên Phật pháp với tất cả phật tử trên cả nước. 
 
Hai cô gái trẻ từ đó muốn nương theo công đức của Thầy để học hỏi và noi gương Thầy tu tập, để tự mình sống độc lập và giúp người thân được an lòng, và hạnh phúc vì được chứng kiến con mình hoàn thiện bản thân từng ngày. 
 
Khi 2 chị em đọc những câu chuyện về đức Phật, họ cảm nhận được tình thương yêu bao la của đức Từ Phụ, những người khuyết tật biết được rằng, dù họ là ai, họ như thế nào, thì trong họ, Phật tính nhân từ sáng suốt luôn nguyên vẹn, như bao người khác vẫn luôn có viên ngọc trong chéo áo, vì thế họ bình đẳng cùng với tất cả mọi người. Nương tựa  vòng tay bao dung, yêu thương của Phật Bảo và Tăng Bảo, nụ cười tươi sáng của hai chị em đã thay thế cho dáng hình không lành lặn trong mắt người đối diện.
 
Chính vì 2 chị em Bốn và Thủy chịu khó tìm đọc kinh Phật, nên Phật pháp giúp cho con người, đặc biệt là người khuyết tật thấy được nhân quả và vô thường. Chính vì vô thường và luân hồi có thật cùng luật nhân quả hiện hữu, nên con người dù trong hoàn cảnh nào cũng có thể tu tập để cải đổi vận mệnh của mình. 
 
Phật pháp giúp hai chị em thấy được sự từ bi bình đẳng của lòng người phật tử, từ đó họ chấp nhận thực tại và sống hạnh phúc với thực tại. Bởi họ biết rằng, trong từng phút giây của ngày hôm nay, họ đang đón nhận biết bao tình cảm của gia đình và những người Phật tử cả nước biết đến họ; họ biết rằng họ đang đi trên con đường Bát chính đạo để có thể tự tại cái khổ đau về thể xác và tinh thần; để rồi kiếp sau họ lại làm người sẽ là những người khỏe mạnh, xinh đẹp, nhờ vào những nhân duyên thiện lành mà họ gieo vào cuộc đời và lòng người. 
 
Đó là những chất liệu làm nên nghị lực sống phi thường cho tất cả mọi người trong cuộc sống, không riêng những người khuyết tật. Con người sống trong cuộc đời có 8 loại khổ cần lắm nghị lực sống mạnh mẽ, phật tử tu tập giữa cuộc sống cũng cần có nghị lực để giữ được chính tinh tấn trong Bát chính đạo, và thực hiện Tứ chánh cần.

Tác giả bài viết: Diệu Hòa

Nguồn tin: Phatgiao.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây