Sư cô chạy chợ nuôi trẻ mồ côi

Thứ sáu - 30/12/2016 01:45
“Nuôi các bé là niềm vui của tôi, cũng là tâm nguyện khi còn nhỏ” - Sư cô Thích nữ Như Quý, trụ trì tịnh thất Thanh Quang (Q.Thủ Đức, TP.HCM) chia sẻ về việc nuôi trẻ của mình. Hiện tại cô đang nuôi 14 em, bé nhỏ nhất 17 tháng tuổi và lớn nhất đang học lớp 9.

Trong câu chuyện kể về quá trình nuôi trẻ, thỉnh thoảng cô rơm rớm nước mắt khi nhớ về những ngày cơ cực lúc bắt đầu chấp nhận nuôi các em. Đó là vào những năm 1991, khi Sư cô đang học trung cấp Phật học ở Thiên Minh - bản thân lúc đó rất khó khăn, cả ngày đi học, chiều về cô chạy vô thành phố mua diêm, rồi về chùa làm bánh đi bán để mua gạo và các nhu yếu phẩm cho cuộc sống hàng ngày.

Khi được Hội Phụ nữ Tam Bình mang một em nhỏ xuống thuyết phục nhờ nuôi, cô cũng lo mình sẽ không kham nổi, nhưng rồi cô chấp nhận: mình sẽ chịu cực hơn để nuôi các em “vì em không còn cha mẹ, ở với ngoại nhưng ngoại lại bệnh nặng không thể nuôi được, hàng ngày theo các anh chị lớn đi ăn xin ngoài đường”.

Và kể từ đó, mỗi lần có em nào bị bỏ rơi ở trạm xá Tam Bình, hoặc Hội Phụ nữ nhặt được đều dắt xuống chùa nhờ Sư cô nuôi. Đến bây giờ nhiều em đã ra ngoài lập gia đình, một số vẫn nối gót theo chí nguyện của Sư cô.

Để đủ tiền lo việc ăn học của các em, mỗi ngày cô đều dậy lúc 3g sáng để công phu, sau đó chạy xe xuống Chợ Lớn bỏ mối đồ chay cho các quán chay, rồi lại quay về chùa tranh thủ cho các bé ăn sáng và chở đi học. Khi đã cho các em đi học xong, cô lại tất bật đi bán những món đồ chay còn lại, nhiều khi cô nấu thêm sữa, nước sâm để bán tại một số chùa gần đó, hoặc ra các chợ bán.

Dù vất vả nuôi các em như vậy, nhưng chùa vẫn duy trì hoạt động nấu bún riêu chay miễn phí đến nay đã gần được 10 năm, đều đặn một tháng hai lần vào ngày rằm và mùng 1 từ trợ duyên của Sư cô Thanh Phước. Sư cô cho biết: “Khi Sư cô Phước về chùa, thấy được những việc làm của tôi, cô bảo tôi phải làm nữa, vì cô có thể làm được nhiều việc hơn. Rồi nghe chia sẻ của cô Phước, tôi thấy đúng tâm nguyện của mình là làm gì đó giúp ích cho nhiều người nên tôi đồng ý tổ chức nấu chay”. Nhiều công nhân, học sinh, người bán vé số, nhân viên văn phòng… vẫn thường xuyên ghé chùa ăn chay.

Trong không gian bếp nhỏ nhắn của buổi chiều tháng 12-2016, các cô bắt đầu làm các loại mứt để bán Tết, nào là mứt mít, me, dừa, gừng…; một số nhờ Phật tử đem vào cơ quan bán dùm,“tuy giá bán có mắc hơn bên ngoài một ít nhưng đảm bảo chất lượng”, cô Như Quý chia sẻ.

Để khách hàng không ngán khi ăn bánh mình làm, Sư cô luôn thay đổi các loại bánh trong mỗi dịp lễ khác nhau. “Có những lúc đi bán bị té xe gãy tay, tôi vẫn chạy xe đi bán… nếu không bán thì không đủ tiền lo cho các em. Vì mỗi tháng, tiền học của tất cả các em là trên 10 triệu đồng, chưa kể về ăn uống”, Sư cô Như Quý kể.

Sinh ra trong gia đình tiểu thương nghèo ở TP.HCM, hàng ngày mẹ gánh chè đi bán, ba thì đạp xích-lô, xe ôm, nhà lại có đến 10 anh chị em nên từ rất nhỏ cô đã biết phụ gia đình đi bán bánh các loại. Dù vất vả từ nhỏ nhưng cô thấy mình may mắn vì còn có ba mẹ để thương yêu, các em nhỏ đã không có ba mẹ lại sống lang thang bên ngoài thì không biết sẽ vất vả thế nào. “Cho nên thật sự thời gian đầu nghĩ mình không có điều kiện để nuôi mấy bé đâu, nhưng trước Tam bảo, tôi phát nguyện rồi dõng mãnh chấp nhận những khó khăn, chấp nhận đi buôn bán, để nuôi các bé”, Sư cô chia sẻ.

Cô tâm sự, năm 1980, khi có duyên chăm sóc cho một người cô bị ốm, “hàng ngày được nghe câu kinh tiếng kệ, tôi thích lắm, rất muốn đi tu. Và được NT.Thích nữ Như Hoàng (trụ trì tịnh thất Thanh Quang bấy giờ) cho quy y, hướng dẫn học kinh kệ, thế là tôi xin phép gia đình cho tôi xuất gia. Trước khi xuất gia, Sư bà có nói tôi có căn tu và sẽ làm được nhiều việc có ích cho đời. Đó là lời giáo huấn của Sư bà làm tôi nhớ mãi, là hành trang tôi mang theo bên mình để nhắc nhở mình làm những việc lợi đạo ích đời”.

2tq.jpg
SC.Như Quý cùng các bé tại tịnh thất Thanh Quang - Ảnh: Thùy Linh

SC.Thích nữ Như Quý cho biết thêm: “Hiện tại tôi ước mình đủ kinh phí xây dựng lại các phòng ở cho các bé; Xây dựng ngôi chánh điện khang trang một tí, không bị dột, tường không nứt nẻ… để việc tu học được dễ dàng. Chùa không có những mạnh thường quân, những nhà hảo tâm nên tự thân tôi làm và lo cho các bé. Chính quyền ở đây cũng thương, cho chùa thời gian cải thiện cơ sở vật chất đảm bảo tiêu chuẩn để thành lập mái ấm”.

Nhận định về tu sĩ trên địa bàn của mình, HT.Thích Nhựt Giác, Trưởng BTS GHPGVN Q.Thủ Đức cho rằng, Sư cô Thích nữ Như Quý là người có lòng từ của người tu, có tình thương của người đời, dù còn khó khăn nhưng vẫn nuôi các em nhỏ, chăm sóc chu đáo; đồng thời Sư cô cũng tham gia tích cực trong các hoạt động Phật sự của Phật giáo quận, là người có đạo hạnh rất tốt.

Nguồn tin: Giác Ngộ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây