Sư cô trẻ về miền heo hút

Chủ nhật - 26/07/2015 07:52
Có một ngôi chùa làng, dân chưa hiểu về đạo nên đem tượng Phật ra ngoài đồng để, Sư cô có phát tâm về không, ở đây còn nhiều khó khăn lắm”.

Nghe lời kêu gọi của chư tôn đức tỉnh Long An và nhớ những lời quý thầy giảng dạy khi còn học ở Học viện: “Các con hãy đến vùng sâu vùng xa, ở nơi đó họ rất khát khao Phật pháp, các con đừng có ngại gì hết, đi không có nề hà, đem hết sức của mình để cống hiến, từ từ rồi mọi chuyện sẽ tốt đẹp” - nên cô mới mạnh dạn phát tâm về, chứ thấy mình còn nhỏ, lại mới ra trường nên muốn tập trung vô tu nhiều hơn.

Đó là những lời chia sẻ của SC.Thích nữ Diệu Huệ, trụ trì chùa An Châu (xã An Lục Long, huyện Châu Thành, Long An). Sư cô về chùa được 6 năm, hiện là Trưởng ban Hoằng pháp huyện Châu Thành.

Tu tập trước để chuyển hóa

Khi mới về được một tháng, Sư cô mở khóa tu đầu tiên cho Phật tử, “tâm nguyện của tôi là cho người ta tu tập trước để chuyển hóa từ từ”, SC.Diệu Huệ chia sẻ.

Là Ni trẻ, lại mới về nên những ngày đầu dân làng họ cũng để ý, cũng ngóng chờ quý sư cô trẻ làm gì. Ý thức được điều đó nên cô mở khóa tu, để hướng dẫn bà con tu tập, đồng thời bản thân mình cũng được tu tập, tháng đầu tiên tổ chức có trên 50 Phật tử tham dự.

Hàng tháng cô đều duy trì khóa tu cho đến ngày hôm nay, “Phật tử về tu tập ngày càng đông hơn và ổn định, người ta cũng thích tu bởi có người hướng dẫn”. Trong khóa tu cô cũng hướng dẫn thêm giáo lý, ngoài hướng dẫn người lớn tu tập, Sư cô cũng rất quan tâm đến các em nhỏ nên vào các ngày cuối tuần, cô tập cho các em tụng kinh Phước đức, ngồi tĩnh tâm 15 phút, học những lời đạo đức.

Thấy đường làng sình lầy bùn đất, nhiều em đi học bị té, các bác lớn tuổi đi lại khó khăn, Sư cô vận động Phật tử mua đá khối về làm đường, rồi Sư cô và các cô trong chùa ra phụ làm.

Nhiều người mấy năm trước ghé thăm chùa, giờ có dịp quay lại đều bảo “rất khâm phục”, bởi ngày xưa về đây, gai góc mọc cao, điện nước cũng không có, đất toàn vũng ao. Sư cô về mới sửa sang lại chùa, mua đất đắp nền thêm lên, khoan giếng, kéo điện, nên ngôi chùa giờ khang trang, ngoài chánh điện cũ thì giờ có giảng đường để Phật tử tu tập hàng tháng. Rồi Sư cô thường xuyên tổ chức đến thăm, tặng quà cho các cụ lớn tuổi, hỗ trợ các em nhỏ hiếu học và nấu cơm từ thiện ở bệnh viện huyện mỗi tháng một lần.

Người tu thì bản thân phải hành trì

Nói về cách tu tập và hướng dẫn Phật tử, Sư cô bảo, “khi hoằng pháp cô luôn chú tâm đến việc khuyến khích Phật tử tu tập, tin sâu nhân quả, tùy theo đạo tràng, có đạo tràng thích niệm Phật thì mình hướng dẫn cho người ta trong sự tu tập làm thế nào niệm Phật cho đúng Chánh pháp - Tịnh độ là hiện tiền chứ không phải đợi mất mới vãng sanh. Còn đối với đạo tràng thích Thiền hay Mật tông thì cô cũng nói để người ta tu cho đúng. Ngày xưa người dân đến chùa chủ yếu là đến chứ chưa có hiểu gì về đạo Phật nên cô cũng cố gắng giảng để cho Phật tử hiểu rõ tu là làm sao cho đời sống hiện tại được an lạc”.

Cô nói, Phật tử hiện nay đa số là giới trí thức, ở đây có nhiều giáo viên về tu cũng đông nên không thể đem kiến thức phổ thông ra giảng, còn bà con bình dân thì làm sao cho họ phát tâm tu và chuyển hóa bản thân mình, chứ không phải là một sự mê tín.

Rồi cô khẳng định: “Người tu thì bản thân mình phải hành trì, khi đi giảng bản thân mình phải tu tập nhiều hơn nữa, để mình có một chút gì đó truyền tải đến người khác. Giáo lý của Phật không chỉ là hiểu mà phải hành trì. Bây giờ Phật tử ở các nơi rất giỏi, sự hành trì của họ sâu lắm, họ hỏi nhiều về thực hành hơn nên mình phải có sự tu tập” - Sư cô Diệu Huệ chia sẻ.

Cô nói, bản thân rất có phước duyên được học hỏi ở chư tôn đức lớn khi học ở Học viện PGVN tại TP.HCM, khi về Long An và khi đi hoằng pháp, nên cô luôn khắc ghi lời dạy, “con nhớ một ngày dù bận rộn công việc Phật sự như thế nào, thì cũng phải có thời khóa tu tập riêng cho mình”.

 “Sư cô có tâm lắm”

Sư cô quê Long An, xuất gia ở chùa Long Hoa, Cần Đước. Nhà ở thị xã Tân An, ngay từ nhỏ cô đã thích đi chùa, đi học giáo lý, công quả. Gia đình cô là đạo Phật nhưng chỉ lạy Phật chứ chưa hiểu Phật, nên không muốn cho cô đi tu. Nhưng giờ gia đình ai cũng tu tốt, tu theo Sư cô luôn - Sư cô cười tươi khi nói tới gia đình.

1la.jpg
Từ khi có sư cô về - nơi heo hút thay da đổi thịt (cả ngôi chùa làng và tâm thức bà con) - Ảnh: N.Danh

Đối với Phật tử và chính quyền, khi nói về Sư cô đều rất hoan hỷ. “Hồi đó tôi cũng đi nhiều chùa nhưng về đây thấy có duyên. Sư cô hướng dẫn cho Phật tử tu niệm rất tận tình, cả về tu học và làm từ thiện. Ở đây Phật tử ai cũng yêu mến Sư cô” - chú Diệu Âm Nguyễn Thành Danh chia sẻ.

Phật tử Diệu Hoa Nguyễn Thị Diệu Hoa thì nhận định: “Sư cô hoạt bát, dễ gần. Sống ở đây chủ yếu là vì Phật tử và vì chúng sanh hết chứ không sống cho riêng mình. Cái gì cũng lo cho mọi người xung quanh hết, chia sẻ cho Phật tử hết, kể cả vui lẫn buồn”.

Em Minh Hạnh Nguyễn Phước Tài, đang học lớp 9, Trường THCS An Lục Long gắn bó với chùa được 6 năm - từ khi Sư cô về, nhờ sự hướng dẫn từ một người hàng xóm thì nói: “Sư cô là người hòa đồng, rất thương Phật tử, chăm sóc chu đáo cho Phật tử, dạy nhiều đạo lý rất ý nghĩa”.

“Từ khi về đây, Sư cô vận động mạnh thường quân giúp cho bà con nhân dân xã An Lục Long nhiều lắm, cô vận động xây cầu, xây lộ, tặng quà cho người nghèo. Những hoạt động của cô cũng góp phần làm cho xã có những nét đổi mới, cơ sở hạ tầng hoàn thiện hơn.

Trước khi về chùa còn nghèo, xây dựng tạm bợ thôi, sau đó cô về thì cũng vận động Phật tử xây dựng khang trang và mở rộng ra hơn. Bà con cũng rất ủng hộ, những ngày lễ vía, bà con đến chùa cũng rất đông” - ông Hà Minh Tuấn, Chủ tịch xã An Lục Long nói.

Nguồn tin: Giác Ngộ

 Từ khóa: khó khăn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây