Tâm Bồ tát của cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nhiếp với học trò

Chủ nhật - 16/03/2014 21:35
Tôi thật sự xúc động với những việc làm giản đơn và cụ thể của cô Nhiếp và nhà trường đối với khẩu hiệu “dạy chữ - dạy người” ở trường THPT Phan Huy Chú.
Tâm Bồ tát của cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nhiếp với học trò
Tôi biết về cô Nguyễn Thị Nhiếp không phải bởi trường THPT Phan Huy Chú, Q.Đống Đa, Thủ đô Hà Nội nơi cô làm Hiệu trưởng, là trường chuẩn quốc gia, bởi trên cả nước không chỉ có mỗi một ngôi trường này đạt danh hiệu cao quý đó. Tôi quý mến cô không bởi cô là Hiệu trưởng thuộc diện trẻ nhất cả nước khi được bổ nhiệm. Tôi muốn góp trí, góp sức với cô và nhà trường, mà thật sự là vậy, bởi đây là ngôi trường của trí sáng tình sâu, bởi tâm Phật của cô đáng để biết bao người học theo.
 
Sáng Chủ Nhật trời lạnh của tháng Ba, tôi được mời đến để nói chuyện với các thầy cô và toàn thể phụ huynh và học sinh nhà trường về chủ đề chọn nghề, chọn trường cho các con. Trời lạnh mà tất cả các bậc phụ huynh có mặt. Mỗi người cha, người mẹ ngồi bên con mình để nghe và hỏi những thắc mắc xung quanh việc tuyển sinh. Tôi đã chứng kiến những giọt nước mắt và những đôi mắt đỏ au của cả các bậc cha và mẹ lẫn các con. Xúc động vô cùng. Nhất là khi tôi nói với các con rằng, dù con có cõng trên hai vai mình, một bên là cha, một bên là mẹ và đi hết cuộc đời này cũng không trả hết được công ơn của các bậc sinh thành.
 
Tôi cảm giác mình nói hay và rất tâm huyết, nói như đang thiền nói. Một phần quan trọng bởi trước đó, tất cả chúng tôi được nghe bài phát biểu của cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Nhiếp xúc động đến mức xuýt nữa chính tôi đã bật khóc. Cô nói bằng tâm can của mình, bằng trái tim chan chứa Phật tâm của mình. Cô nói gì tôi không nhớ hết nhưng những cụm từ như “Các con yêu quý của cô”, “Quý phụ huynh đã bỏ ra 18 năm nuôi dạy con để có ngày hôm nay”, “Những đứa con thân yêu của chúng ta, là máu thịt của mình, là người tiếp nói hành trình của gia đình mình trong tương lai không xa”, “Các bác đã không tiếc thời gian để bỏ ra một nửa ngày vì “của để dành” của mỗi chúng ta”, … vẫn vang vảng trong não tôi lúc này.
 
Mỗi khi đến trường Phan Huy Chú, nhìn cơ sở khang trang, sạch sẽ tôi biết rằng đây là tâm huyết của thầy và trò nhà trường. Thư viện của trường có khá nhiều sách và mặc dù chưa thể so sánh với thư viện của các nước trên thế giới nhưng có lẽ cũng thuộc loại thư viện trường THPT tốt nhất Việt Nam. Tôi biết rằng, ngôi trường này được xây dựng bởi tinh thần, bởi tâm của cả thầy và trò.
 
Khi trao đổi với tôi, cô Nhiếp nói rằng, ngôi trường tốt không chỉ ở cơ sở vật chất, cũng không chỉ ở một thế hệ giáo viên giỏi hay những lứa học trò đã thành đạt, mà chính là “dòng chảy tiếp nối của bao công sức và tin yêu”. Tôi cảm nhận rất rõ điều này ở sự hy sinh của tất cả các thầy cô, ở từng cố gắng đi lên, làm mới, không lặp lại và không ngại khó khăn của từng người cha, người mẹ thứ hai của các con. Rằng đây là tâm nguyện của cô Nhiếp và cả một tập thể đoàn kết
 
Tôi không muốn phân tích các con số của nhà trường như tỷ lệ giáo viên trên chuẩn (trình độ thạc sĩ) đạt từ 80% - 90% trong số giáo viên biên chế hay tỷ lệ trúng tuyển vào đại học là gần 60% với các lớp đại trà và 95% với các lớp chất lượng cao của nhà trường hoặc 11 năm liền nhà trường có giáo viên dạy giỏi từ nhất, nhì, ba đến xuất sắc cấp Thủ đô Hà Nội. Tôi muốn nhấn mạnh đến sự cảm nhận của mình về cái tâm Phật, và sự hết mình của mỗi thầy cô, nhất là cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nhiếp. 
 
Tôi thật sự xúc động với những việc làm giản đơn và cụ thể của cô Nhiếp và nhà trường đối với khẩu hiệu “dạy chữ - dạy người” ở trường THPT Phan Huy Chú. Điểm khác biệt ở đây là những hành động thật tâm, từ tâm chứ không phải là khẩu hiệu suông, hô hào và để đấy “tiên học lễ, hậu học văn” như ở rất nhiều ngôi trường khác. 
 
Tôi thích ở đây nhất các lễ hội “Xuân yêu thương” nơi các thầy cô giáo được học sinh tin yêu. Tôi mê sản phẩm “Lễ tri ân trưởng thành” nơi là buổi cuối cùng nhà trường dạy các con làm người, khi những giọt nước mắt và tình yêu thương chan chứa từ tâm. Tôi biết rằng nếu bạn có mặt ở đây, dù chỉ một lần cũng thấy xúc động vô cùng.
 
Tôi viết bài này khi dọng nói ấm áp của cô Nguyễn Thị Nhiếp như đang vang trong đầu tôi. Tôi ngồi gõ những dòng chữ này mà như nghe thấy nhịp đập trái tim của mỗi thầy cô nơi đây. Ngôi trường của những tấm lòng hết mình vì các con, vì tương lai của chính chúng ta. Tôi như thấy rõ sự biết ơn của mỗi người cha, người mẹ và chính các con với cô hiệu trưởng và cả trường. Tôi hiểu rằng, chỉ có từ bi và trí tuệ mới giúp cô Nhiếp và nhà trường được như ngày hôm nay.
 
Tôi thật sự không biết cô Nguyễn Thị Nhiếp có phải là phật tử hay không, nhưng rõ ràng tâm của cô là tâm của một vị Bồ tát. Mà đúng, phải có ngàn mắt để nhìn thấu suốt, ngàn tay để hành động mới có một con người như cô, để có một ngôi trường Phan Huy Chú như thế này.

Nguồn tin: Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây