Djokovic thường được xem là một trong những tuyển thủ mạnh nhất về sự dẻo dai trong tinh thần. Anh đã học hỏi được phương pháp này thông qua thiền tập Phật giáo, bên cạnh đó, cứ mỗi thời gian diễn ra giải Wimbledon, anh lại tìm đến một ngôi chùa để tịnh tâm.
Đó là ngôi chùa Buddhapadipa với khuôn viên rộng 4 mẫu Anh, tọa lạc ở ngoại ô trên một con đường đầy lá rụng, chỉ cách khoảng 5 phút đi dạo tính từ câu lạc bộ All England. Djokovic là một trong những người nổi tiếng nhất của ngôi chùa. Trong nhiều năm qua, anh thường đến nơi này để được tĩnh tâm trong không gian yên lặng.
Thượng tọa Phramaha Bhatsakorn Piyobhaso trong pháp phục màu cam, ngồi trên một băng ghế nhìn xuống mặt hồ của chùa, nói: “Chúng tôi biết anh ấy được một thời gian. Khi đến đây, Novak không đi cùng ai. Anh ấy bước đến và nói xin chào tới mọi người ở chùa, sau đó đi vào để ngồi thiền một mình”.
Ngôi chùa ra đời từ năm 1976, những người ở đây nhận ra tuyển thủ người Serbia, nhưng họ cố gắng không làm phiền anh khi anh tới để thực tập, thường là vào buổi sáng sớm khi khu vực còn yên tĩnh. Anh tỏ ra tôn kính với những điều xung quanh và không nói gì nhiều với chư Tăng.
Thầy Phramaha là một trong 7 vị Tăng đang cư trú cố định ở đây cho biết: “Đôi khi anh ấy nói với những vị công quả và nhờ họ mở cửa chánh điện để có thể vào trong và ngồi yên ở đó một lúc. Tôi nghĩ anh ấy đang tự học cách thực tập thiền định. Anh ấy đi bộ quanh chùa, dành khoảng 1 đến 2 tiếng ở một mình, và đến đây có lẽ chỉ để tận hưởng thiên nhiên, sự thanh bình và cảnh đẹp”.
Điều dễ nhận thấy tại sao tuyển thủ quần vợt số 1 thế giới lại chọn lựa nơi đây để viếng thăm vì cảnh trí quá đỗi an lành. Bắt đầu từ ngôi tháp có chuông đỏ, đến một lối đi dưới bóng râm dệt bởi những hàng cây, băng qua vài cây cầu gỗ uốn cong trước khi lên một cầu thang lớn màu trắng để tiến vào ngôi chùa trong sắc đỏ xen vàng, từ trên có thể nhìn xuống toàn cảnh.
Bên trong là những bức tranh treo tường tinh xảo và những bức tượng Phật, những ngọn nến đặt trên sàn. Ngôi chùa gần với câu lạc bộ All England đến mức có thể nghe thấy tiếng hoan hô, có lẽ vì thế mà tuyển thủ người Serbia mường tượng ra được chiến thắng của mình.
Dọc đường đi đặt những tấm biển bằng gỗ có khắc lời dạy của Đức Phật. Một câu trong đó nói: “Một người không nên soi mói những lỗi lầm của người khác, vào những điều đã làm và chưa làm bởi người khác. Thay vào đó nên xem xét lại điều gì mình đã làm và chưa làm”. Trong khi đó, một câu khác dạy rằng: “Thắng hàng ngàn người trên chiến trường, không bằng tự chiến thắng bản thân mình”. Với ý nghĩa đó, theo ngôn ngữ quần vợt là phải “tập trung vào cuộc chơi của riêng mình”.
Ngôi chùa Buddhapadipa (Anh) - là nơi mà Novak Djokovic thường xuyên
lui tới để tĩnh tâm nhiều năm qua trong mỗi khi tham dự giải Wimbledon
Những người chơi quần vợt chuyên nghiệp thường nói rằng cách tốt nhất khi thi đấu là được điểm nào tốt điểm đó, hơn là lo lắng về những trận thua và những thách thức phải vượt qua. Theo lời của thầy Phramaha, thiền định giúp ích vì qua đó con người có thể tập trung tâm trí vào việc giải quyết “những vấn đề ngay trước mắt mình”.
“Tôi nghĩ việc hành thiền giúp anh ấy phát triển và giữ vững sự tập trung, đặc biệt trong khi thi đấu” - thầy Phramaha nói về Djokovic. “Chỉ quan tâm đến khoảnh khắc hiện tại và đó là lợi ích của việc thiền định”.
Novak Djokovic sinh năm 1987 tại Beograd, là một vận động viên quần vợt chuyên nghiệp người Serbia. Sau 8 danh hiệu Grand Slam đơn nam của giải quần vợt Úc mở rộng vào các năm 2008, 2011, 2012, 2013 và 2015, các danh hiệu Wimbledon vào năm 2011, 2014, hiện anh đang được xem là tay vợt số 1 thế giới.
Bảo Thiên - Anh thư (theo The Independent)
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự