Tu tập trong tình đồng nghiệp

Thứ bảy - 16/11/2013 07:12
Đồng nghiệp có nghĩa là làm cùng một nghề. Xét như thế, ta sẽ có rất nhiều đồng nghiệp ở khác cơ quan của mình, ở đó đây trong Sài Gòn đông đúc này và khắp các tỉnh thành cũng như rộng lớn hơn, vươn ra tầm thế giới.

Cùng làm chung nghề nên ta sẽ có những đặc điểm na ná nhau, có thể về tính cách, và tất nhiên sẽ cùng... “bệnh”.

Ở đây có thể là bệnh do di chứng của nghề, cũng có khi là “bệnh” mang tính lặp lại trong cách thức ứng xử với cuộc sống của những người làm cùng nghề.

Nếu bạn làm nghề giáo, có thể bạn sẽ phải bị ảnh hưởng bởi bụi phấn, ít nhiều sẽ để lại di chứng liên quan tới hô hấp, chẳng hạn. Nếu bạn làm nghề báo, có thể bạn sẽ bị “bệnh” nghe ngóng và nhìn đâu cũng thấy... vấn đề, cũng có đề tài để chụp, viết, đăng...

Đồng nghiệp cũng có nghĩa là người cùng làm trong một cơ quan. Ta và bạn có thể không cùng một lãnh vực nhưng cùng chung tay cho một sản phẩm để nó ra đời được hoàn hảo, theo những điều kiện hiện có. Do vậy, ta và bạn sẽ đều có những đóng góp và cùng những thao thức chung cho “đứa con tinh thần” của mình. Và đương nhiên, nếu một trong những “móc xích” trên dây chuyền ấy bị trì trệ thì công việc chung cũng bị ảnh hưởng ít nhiều, nếu không muốn nói là chi phối lớn lao.

Là đồng nghiệp thì đương nhiên cần-phải nên hòa hợp, thương nhau, bởi ta cùng chung một cơ quan, cùng trải qua những thăng-trầm với tập thể nên sẽ thấu hiểu nhau hơn. Hiểu thì sẽ thương và sẽ có thể dung hòa mà cùng tiến chứ không phải là để nghi kỵ, cạnh khóe nhau, rồi làm hỏng hóc cả một công trình tập thể. Đó là lời khuyên, nhưng không phải bao giờ chúng ta cũng may mắn có được những đồng nghiệp tốt để chung tay hướng về những giá trị tốt đẹp mà tập thể và những người đứng đầu tổ chức đã định hướng từ đầu.

Tất nhiên, để có một tập thể tốt thì người đầu tàu là quan trọng, phải có tài và đức. Hai thứ ấy đủ lớn thì sẽ nhiếp phục được tập thể, sẽ biết cất nhắc và đặt để đúng vị trí, hay sẽ dùng đúng người cho những việc cụ thể. Và đương nhiên, cũng có nghĩa là sẽ biết mạnh mẽ và quyết đoán, không chỉ trong những quyết sách quan trọng mà còn là trong những khi cần “thanh lý môn hộ”, cắt những khối u hình thành từ bên trong tổ chức của mình do sự biến tướng của nhân cách hay những tị hiềm sinh ra phá hoại...

Tài để phát hiện người hay, người giỏi, tài đức để hàn gắn và hóa giải những hiểu lầm, công tâm với hết thảy để ai cũng cảm thấy mình là người quan trọng trong cả dây chuyền cơ quan.

Và, sẽ thật là may mắn cho những ai có được một vị lãnh đạo tài đức, bởi, như thế thì ta sẽ không phải nơm nớp lo chuyện bị “đì” hay oan khuất, cũng như không phải lo mình không được trọng dụng nếu ta thực sự có tài, có đức tương ưng.

Hiểu được lợi ích của ta hài hòa với lợi ích tập thể cũng như hiểu được rằng, ta và đồng nghiệp của mình là anh em, là bạn bè, là “tình thương mến thương” trong một thực thể chung, sẽ phải cùng chung vai gánh vác những khó khăn cũng như chung cùng thụ hưởng những phần thưởng của sự lao động chân chính thì ta sẽ bắt đầu nhẹ nhàng, cảm ơn những người đã góp tay với mình để tạo nên những giá trị nào đó, hiến tặng cho cuộc sống.

Hiểu được như thế cũng có nghĩa là ta sẽ không ngừng cố gắng, gìn giữ nét đẹp làm nghề cũng chính là gìn giữ đạo đức cho chính mình, và đồng thời là gìn giữ cho cả những đồng nghiệp của ta không phải mang tai mang tiếng.

Có câu “Một con sâu làm rầu nồi canh”, để chỉ cho cả cái cách sống, cách làm việc tắc trách hay tham ô, tham nhũng của một vài cá nhân đã làm ảnh hưởng cả một tập thể, với chức nghiệp được định hình ban đầu là tốt đẹp, thiện lành. Ví như chuyện một số bác sĩ nhận hoa hồng rồi o ép bệnh nhân, đối xử thiếu công bằng đã làm cho danh hiệu “Lương y như từ mẫu” phần nào bị mờ nhạt trong nếp nghĩ, nếp tri ân của mọi người!

Hiểu được điều đó, để sách tấn nhau và sách tấn chính mình tử tế trong tinh thần cộng trụ, cùng nuôi dưỡng chứ không phải đối đầu, tự hoại. Ấy cũng là khi ta đang sống trong tình huynh đệ. Khi đó, ta và bạn không chỉ là những người cùng làm việc bình thường như kiểu “tiền trao cháo múc”, khô khan, lạnh lùng, mà ta sẽ còn có thể kết duyên quyến thuộc, cùng hướng tới những điều thiện lành, cao đẹp...

Nguồn tin: Giác Ngộ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây