Tuổi trẻ thời nay

Thứ sáu - 14/03/2014 17:03
Làm thế nào để cơn lốc của cuộc đời không cuốn ta đi theo vòng xoáy của nó? Làm thế nào để ta có thể thống trị, điều khiển mọi hành động của mình, để mọi suy nghĩ và hành động phải xuất phát từ những nhu cầu bức thiết của chính mình chứ không phải do sự xúi giục của bên ngoài?

Khi con người ta chán ngán cái sự đời rắc rối, họ tìm tới chỗ nào “thanh tịnh” hơn. Thường thì, người càng lớn tuổi càng có nhu cầu suy tưởng trong yên lặng. Một trong những nơi họ hay tìm đến là cảnh chùa thanh tịnh. Thực tế hiện nay, chốn già lam gần như lạ lẫm với tuổi trẻ, nhất là những người sinh ra trong môi trường vắng bóng chốn sơn môn.

Tuổi trẻ, tuổi của sự hiếu động, thích chinh phục, chưa nghĩ đến chuyện bình an. Rất nhiều bạn trẻ cho rằng, chốn già lam là nơi bình yên cho những tâm hồn cần sự tĩnh lặng sau những năm tháng mệt mỏi bon chen giữa cuộc đời đầy nhiễu nhương. Tuổi trẻ ngược lại, luôn muốn chứng tỏ mình trong mọi hoàn cảnh, trong mọi môi trường… Vì vậy, tâm trí họ luôn nuôi dưỡng những ý nghĩ táo bạo đến bất ngờ. Họ thường tìm đến những nơi hấp dẫn, có tính cạnh tranh để chứng tỏ tài năng và thi thố giúp đời, giúp cho uy tín và thanh danh. Từ đó, tài năng của mình mới được xã hội thừa nhận.

Vậy thì, giáo pháp Thích Tôn có ích gì cho tuổi trẻ? Cỏ lau thường ưu tư và hình như đang có nhiều ước muốn làm sao chốn thiền môn có thể tạo được môi trường “hấp dẫn” khiến cho giới trẻ phải chú ý, làm cho không chỉ “già vui chùa”.

Thật ra, Phật giáo đâu chỉ dành cho riêng ai, đâu có người nào hay tổ chức nào tự cho mình là kẻ thống lãnh và quyết định sự hưng thịnh của Phật pháp bằng những nghị quyết đầy sáng suốt của mình. Tất cả chỉ dừng lại ở chỗ góp phần làm cho Phật pháp hưng thịnh giữa thế gian mà thôi. Nếu lập luận này có lý, thì mọi suy nghĩ và hành động của tuổi trẻ ngày nay có liên quan đến Phật giáo đều góp phần làm hưng thịnh giáo pháp, nghĩa là tự nó có tác động mạnh mẽ và tích cực, chứ không nhất thiết phải có một sự nâng đỡ toàn diện của bên ngoài, bất chấp mọi sự ngăn cản đối với ham muốn trần thế. Bởi vì, Phật pháp một khi đã hấp dẫn và thấm sâu vào tâm trí thì chính họ là một hình ảnh đẹp giữa thế gian, một điểm son cho tha nhân soi chiếu.

Tất nhiên, tuổi trẻ có những ưu tư về thế sự và có cách tiếp cận rất riêng để giải quyết nó. Sự hấp dẫn của cuộc đời với họ bây giờ không như các thế hệ trước. Trông họ có vẻ năng động hơn, hăng say với công việc hơn và mạch sống với thế hệ trẻ ngày nay cũng hình như đang trôi đi nhanh hơn… Trong chốn bộn bề đó, có quá nhiều người đam mê danh vọng, tiền tài, nhưng cũng không quá ít người biết nhìn lại mình, tìm con đường chinh phục ngoại cảnh. Làm thế nào để ta có được sự tỉnh táo trước tất cả mọi đam mê? Làm thế nào để cơn lốc của cuộc đời không cuốn ta đi theo vòng xoáy của nó? Làm thế nào để ta có thể thống trị, điều khiển mọi hành động của mình, để mọi suy nghĩ và hành động phải xuất phát từ những nhu cầu bức thiết của chính mình chứ không phải do sự xúi giục của bên ngoài?

Phật dạy: “Hãy tự mình làm hòn đảo cho chính mình.” Pháp Phật chỉ như ngón tay chỉ mặt trăng, hãy nương tựa vào đó để vươn lên tìm chân lý và lẽ sống cho cuộc đời mình. Vì thế, nếu có chí hướng và quyết tâm, chúng ta có thể tự mình vươn lên, biết cách tận dụng những ưu điểm của bối cảnh xã hội mà ta đang có được để xây dựng những gì tốt đẹp cho cuộc đời mình.

Thông thường, khi cần học chữ, người ta nghĩ ngay đến trường học; thích nghe nhạc thì nghĩ đến phòng trà; muốn tu hành, học Phật thì nghĩ đến chốn thiền môn… Nhưng ở đời không hẳn hoàn toàn như vậy. Vẫn có người ít khi đến chùa nhưng có thể họ rất rành kinh điển nhà Phật. Thế nhưng, mái chùa vẫn là môi trường tốt cho những ai muốn tìm đến với Phật pháp. Điều đó cũng không có nghĩa hễ đến chùa thì chắc chắn sẽ học được những điều tốt đẹp, là toàn gặp chuyện đạo đức, gặp những con người giỏi Phật pháp và có trí tuệ thâm sâu. Ngược lại, giống như người đãi vàng, không bao giờ đến khu mỏ vàng là lượm ngay được khối vàng ròng mang đi, mà phải đổ mồ hôi đãi cát. Đến chùa, cũng vậy, người ta cũng phải luôn tỉnh thức, luôn tự kiểm chứng những điều học hỏi được, sàng lọc cái tinh túy cho mình trong muôn vàn những lời “giáo huấn” được nghe.

Vấn đề còn lại là thái độ của mỗi người. Trước hết, chúng ta phải là người cầu thị. Thực tế, không phải ai cũng có tinh thần cầu thị như chúng ta tưởng. Những ai ham mê tìm tòi thì kiến thức đến với họ thật dễ dàng. Trái lại, khi để bản năng làm chủ, thì ngoài thời gian cần thiết cho cuộc sống, họ chỉ đam mê những điều vô bổ. Thậm chí, yêu đương là nhu cầu tự nhiên, nhưng chỉ biết ngồi bên cạnh ngắm nhìn người yêu suốt ngày không chán, suốt tháng, tròn năm không thấy mỏi,… thì cũng đáng suy nghĩ lại. Dốc sức cho việc mưu cầu chân lý, tìm lối ra cho cuộc sống thông qua giáo lý nhà Phật cũng là một con đường hay. Cứ học rồi ta sẽ biết, cứ tìm rồi ta sẽ gặp! Chân lý luôn hiện diện ở cuối đường.

Với giới tu sĩ trẻ cũng vậy. Họ vốn là con người trần tục, khác chăng là họ đang khoác lên mình chiếc áo nâu sồng, quyết tâm hướng Phật để mong xây dựng cho mình một đời sống tốt đẹp hơn. Như vậy, cho dù đã chấp nhận đời sống tu hành, họ vẫn còn mang trong mình nhiều vấn vương, vẫn phải đấu tranh từng ngày giữa hai mặt xấu tốt. Họ luôn cần nương tựa nơi các bậc tôn túc, những người bạn cùng tu. Ngoài ra, để hiểu biết xã hội mình đang sống, họ cũng cần phải học hỏi nhiều điều từ cuộc sống bên ngoài. Việc giao lưu với những người bạn trẻ đồng trang lứa là cơ hội tốt cho họ sẻ chia, tìm kiếm sự cảm thông, tích góp thêm nguồn tri thức của nhân loại.

Từ đó, việc bạn trẻ đến chùa không chỉ tìm điều gì có lợi cho chính bản thân mình, mà còn góp phần khuyến khích những người đang tu hành có đủ sự tự tin. Như vậy, để đạo pháp trường tồn và hưng thịnh, tất yếu cần có sự đóng góp của tất cả mọi người.

Tác giả bài viết: Gia Quốc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây