"Nụ cười sẽ còn hiện hữu ở khắp nơi"
Giữa lòng TP.Đà Nẵng nhộn nhịp có một bếp ăn hoạt động từ lúc 4 giờ 30 hằng ngày, tại 210 Lê Văn Hiến, Q.Ngũ Hành Sơn. Không kể nắng mưa, hàng chục người có mặt ở quán cơm nghĩa tình thật sớm, cùng nhau chuẩn bị những phần cơm dành tặng người khuyết tật, người già, trẻ em và người lao động nghèo.
Sáng sớm 18.7, không khí tại quán đã náo nhiệt với tiếng cười nói của hàng chục tình nguyện viên. Mỗi người mỗi việc, người rửa rau, người cắt gọt củ quả, người nấu cơm, người sơ chế thực phẩm... tất cả đều chú tâm, làm thoăn thoắt để nấu kịp 600 suất cơm chay trước 9 giờ 30.
Dù phải sắp xếp công việc riêng để thay phiên nhau "giữ lửa" bếp cơm, các tình nguyện viên vẫn luôn hồ hởi, vui vẻ và "không thấy mệt mỏi". Bởi ai nấy đều mong muốn góp một chút công sức để san sẻ khó khăn với những người khó khăn.
Ấm áp quán cơm chay 0 đồng giữa lòng Đà Nẵng
Còn với nhiều người đang chật vật mưu sinh hằng ngày ở TP.Đà Nẵng, quán chay nghĩa tình do sư thầy Thích Pháp Minh (chùa Quán Thế Âm) cùng các nhà hảo tâm mở là một địa chỉ quen thuộc. Họ đều cảm kích trước tinh thần tương thân tương ái, "lá lành đùm lá rách" của các tình nguyện viên đã dành hết tâm huyết để giúp họ có những bữa cơm ấm bụng.
Sư thầy Thích Pháp Minh cho biết việc nấu cơm chay phát miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn đã được duy trì lâu nay. Tuy nhiên, quán cơm này thì mới mở cách đây nửa tháng.
Vợ chồng bà Hoa vui vẻ nhận phần cơm 0 đồng.
"Có rất nhiều tình nguyện viên đến quán cơm để phụ giúp nấu nướng. Mỗi ngày chúng tôi phục vụ hàng trăm suất ăn cho các cô chú bán vé số, người lao động và đặc biệt là phục vụ các suất ăn tại khoa cấp cứu Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Quán vừa mở ra đã có rất nhiều thực khách đến ăn ủng hộ, đây cũng là nguồn kinh phí để duy trì hoạt động quán", sư thầy Thích Pháp Minh nói.
Theo sư thầy, rất nhiều nhà hảo tâm muốn giúp đỡ người khó khăn có bữa cơm đủ no nhưng vì điều kiện thời gian không cho phép nên họ đã liên hệ chùa để cùng nhiều người phối hợp với nhau.
"Mỗi người đến quán cơm là một cuộc đời, là một số phận khác nhau nhưng họ đều cười tươi, cảm thấy ấm lòng khi đón nhận sự yêu thương của những người xa lạ. Nếu sự yêu thương ngày càng lan tỏa nhiều hơn nữa thì nụ cười sẽ còn hiện hữu ở khắp nơi", sư thầy bộc bạch.
Ông Nguyễn Văn Lênh nhận cơm từ các tình nguyện viên.
"Cơm từ thiện đã nuôi sống vợ chồng tôi"
Năm 2018 cùng chồng rời quê nhà ở tỉnh Thanh Hóa sau nhiều biến cố trong cuộc sống, bà Nguyễn Thị Hoa (45 tuổi) vào TP.Đà Nẵng bán hàng rong kiếm sống. Mỗi ngày vợ chồng bà Hoa đi bộ hơn 15 km rong ruổi qua các tuyến phố để bán hàng, trong khi trong người đang mang bệnh tật. "Mỗi ngày cứ đến giờ, tôi dắt chồng qua hướng Q.Ngũ Hành Sơn để nhận cơm rồi lại đi bán ngược về xóm trọ ở Q.Liên Chiểu. Tôi nhận cơm sư thầy đã nhiều năm rồi. Cơm từ thiện đã nuôi sống vợ chồng tôi thời gian qua", bà Hoa xúc động nói.
Ông Nguyễn Văn Lênh (62 tuổi, quê Quảng Ngãi) kể ông rời quê ra TP.Đà Nẵng ở trọ để hành nghề bán vé số dạo. Thông qua những người bạn bán vé số, ông Lênh biết được điểm phát cơm từ thiện này nên đã trở thành "khách hàng" thường xuyên ở đây.
Trên tay cầm cọc vé số tới nhận cơm trưa, ông Lênh tươi cười: "Mưu sinh kiếm cơm qua ngày đối với người khuyết tật chúng tôi thật rất khó khăn, giờ được giúp đỡ không biết lấy gì để cảm ơn các nhà hảo tâm và sư thầy…".
Biết đến quán cơm nghĩa tình qua mạng xã hội, Chính Quy (26 tuổi, trú TP.Đà Nẵng) đã tới xin được giúp sức. "Thấy được những nụ cười của cô chú, cả nhóm ai cũng rất vui. Mong rằng sẽ có thật nhiều bạn trẻ cùng tham gia để lan tỏa yêu thương nhiều hơn nữa", Quy chia sẻ.
Nguồn Thanh niên