7 loại tâm sám hối

Thứ bảy - 21/05/2016 19:23
Muốn thành tựu thân tướng Như Lai, chúng ta phải phát lồ sám hối tội chướng từ bao đời, rồi phát tâm bồ đề thệ nguyện cứu độ chúng sinh, dù phải bỏ cả tài sản thân mạng cũng không luyến tiếc.
7 loại tâm sám hối
 1. Phát sinh tâm hổ thẹn (sinh đại tàm quí tâm). Nguyên đức Thế Tôn và chúng ta đều là phàm phu, nhưng đức Thế Tôn thì đã thành Phật từ lâu, còn chúng ta thì đến bây giờ vẫn còn trầm luân trong biển sinh tử, chưa biết đến bao giờ mới thoát khỏi! Nghĩ như thế mà sinh tâm hổ thẹn, và phát lồ sám hối.

2. Phát sinh tâm sợ sệt  (sinh khủng bố tâm).  Hạng phàm phu chúng ta, thân ngữ ý thường tạo ác nghiệp, gây tội lỗi triền miên, nhân đó mà sau khi mạng chung, sẽ phải đọa lạc vào các đường dữ, như Địa-ngục, Ngạ-quỉ, hoặc Súc-sinh, nhận chịu quả báo đau khổ cùng cực. Nghĩ như thế mà sinh tâm sợ sệt, và phát lồ sám hối.

3. Phát sinh tâm nhàm chán rời bỏ  (sinh yếm li tâm). Chúng ta lưu chuyển trong biển sinh tử, hư giả không chân thật, giống như bọt nước vừa nổi lên liền tiêu mất. Thân này là tập hợp của mọi điều khổ đau, gom chứa toàn những vật bất tịnh. Nghĩ như thế mà sinh tâm chán bỏ, và phát lồ sám hối.

4. Phát sinh tâm bồ đề  (phát bồ đề tâm). Muốn thành tựu thân tướng Như Lai, chúng ta phải phát lồ sám hối tội chướng từ bao đời, rồi phát tâm bồ đề thệ nguyện cứu độ chúng sinh, dù phải bỏ cả tài sản thân mạng cũng không luyến tiếc.

5. Phát tâm bình đẳng  (oán thân bình đẳng tâm). Tâm ý từ lâu vốn phân biệt chấp trước, hễ khởi niệm liền có nhân có ngã, đối xử thì coi trọng người thân mà khinh ghét kẻ oán. Nay phát lồ sám hối, nguyện phát khởi tâm từ bi đối với tất cả chúng sinh, cứu độ một cách bình đẳng, không phân biệt kẻ oán người thân, không dính mắc tướng nhân tướng ngã.

6. Tâm luôn ghi nhớ báo ân Phật  (niệm báo Phật ân tâm). Đức Thế Tôn đã trải qua vô lượng kiếp tu hành khổ hạnh, chỉ vì tâm từ bi muốn cứu độ chúng ta. Ân đức ấy thật khó báo đáp. Vậy, chúng ta trong đời này phải luôn luôn nghĩ nhớ ân đức ấy của Phật; và cố gắng báo đáp ơn Phật bằng cách chí thành sám hối tội chướng sâu dầy, phát tâm dũng mãnh tinh tấn tu tập, cứu độ chúng sinh đồng thành Chánh giác.

7. Quán chiếu bản tánh của tội lỗi là không  (quán tội tánh không). Bản tánh của tội lỗi vốn không, không có thật thể, chỉ là do nhân duyên điên đảo mà phát sinh. Vì vậy, công phu sám hối ở giai đoạn này là dùng trí tuệ bát nhã quán chiếu, để thấy rõ tội lỗi chỉ là duyên sinh, bản tánh của chúng xưa nay vốn không tịch, không có cái gì gọi là "tội”. Tâm vọng động đã tiêu trừ thì tội lỗi cũng không do đâu mà sinh khởi. Đó là sự sám hối chân thật nhất.

Nguồn tin: Vedepphatphap.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây