Ác tri thức - Gần mực thì đen

Thứ bảy - 15/08/2015 07:52
Nếu thân cận với ai, theo thời gian mà “tín, giới, văn, thí, tuệ” của ta lu mờ dần như trăng cuối tháng thì đó là ác tri thức.
Ác tri thức - Gần mực thì đen

Ai thích ngắm trăng cũng đều cảm nhận rằng, dù trăng tròn hay khuyết cũng đều đẹp. Nhưng ít ai liên tưởng được rằng, thiện tri thức như trăng đầu tháng, càng ngày càng sáng đẹp; ác tri thức như trăng cuối tháng, càng ngày càng mờ tối dần. Thì ra thú ngắm trăng, thưởng nguyệt nếu biết chiêm nghiệm sâu sắc, liên hệ với sự tu học sẽ thấy rõ thêm về lẽ đạo. Trong lộ trình nương tựa nhau để tu học, mỗi người cần nhanh chóng nhận ra ai là thiện tri thức để thân gần và ai là ác tri thức để tránh xa.

 “Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Bà-la-môn Sanh Lậu đi đến chỗ Thế Tôn thăm hỏi, rồi ngồi một bên. Lúc này Bà-la-môn Sanh Lậu bạch Thế Tôn: Nên quán người Ác tri thức thế nào?

Thế Tôn dạy: Nên xem như xem mặt trăng.

Bà-la-môn hỏi: Nên quán Thiện tri thức thế nào?

Thế Tôn dạy: Nên xem như xem mặt trăng.

Bà-la-môn nói: Nay Sa-môn Cù-đàm nói lược cốt yếu mà chưa giảng rộng nghĩa. Cúi mong Cù-đàm nói rộng rãi khiến người chưa hiểu được hiểu.

- Bà-la-môn! Hãy lắng nghe, lắng nghe và khéo suy nghĩ! Ta sẽ vì ông giảng rộng nghĩa này.

- Xin vâng, Cù-đàm.

Bà-la-môn Sanh Lậu nhận lời dạy rồi, Thế Tôn bảo:

- Giống như, này Bà-la-môn, trăng cuối tháng, ngày đêm xoay vần, còn khuyết chưa có đầy. Đó là tổn giảm. Hoặc lại có lúc trăng không hiện, không có người thấy. Đây cũng như thế. Này Bà-la-môn! Như Ác tri thức trải qua ngày đêm, dần dần không có tín, không có giới, không có văn, không có thí, không có trí tuệ. Người đó vì không có tín, giới, văn, thí, tuệ nên với Ác tri thức đó, khi thân hoại mạng chung, bị vào trong địa ngục. Thế nên, Bà-la-môn, nay Ta nói là Ác tri thức giống như trăng cuối tháng.

Giống như, này Bà-la-môn, trăng đầu tháng, theo ngày đêm dần qua, ánh sáng tăng lên dần dần tròn đầy, rồi đến ngày rằm tròn đầy, tất cả chúng sanh đều thấy. Cũng vậy, Bà-la-môn, như Thiện tri thức, trải qua ngày đêm, tăng thêm tín, giới, văn, thí, trí tuệ. Người ấy do tăng thêm tín, giới, văn, thí, tuệ nên Thiện tri thức kia, khi thân hoại mạng chung, được sanh lên trời và cõi lành. Thế nên, Bà-la-môn, Ta nói Thiện tri thức này, chỗ thú hướng giống như mặt trăng tròn đầy.

Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ này: Nếu người có tham dục/Sân giận, si chẳng dứt/ Với lành, dần có giảm/ Giống như trăng sắp hết/ Nếu người không tham dục/ Sân giận, ai cũng dứt/ Với thiện, có tăng dần/ Giống như trăng tròn đầy.

Thế nên, Bà-la-môn, nên học như trăng đầu tháng.

Bấy giờ Bà-la-môn Sanh Lậu bạch Thế Tôn:

- Lành thay, Cù-đàm! Ví như người gù được thẳng, người mù được sáng, người mê thấy đường, ở nơi tối tăm có đèn sáng. Đây cũng như thế, Sa-môn Cù-đàm dùng vô số phương tiện thuyết pháp cho con. Nay con xin tự quy y Phật, Pháp và chúng Tăng. Từ nay xin cho con làm Ưu-bà-tắc, cho đến hết đời không sát sanh.

Bấy giờ Bà-la-môn Sanh Lậu nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm An ban [2], 
VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.241)

Trong tu học, dĩ nhiên là cần bạn, “ăn cơm có canh, tu hành có bạn” nhưng phải là bạn tốt, thiện hữu tri thức. Vậy làm thế nào để biết ác tri thức mà tránh? Thế Tôn đã chỉ dạy rất rõ ràng, nếu thân cận với ai (dù đó là người xuất gia, hoặc là minh sư, thượng sư), theo thời gian mà “tín, giới, văn, thí, tuệ” của ta yếu dần, lu mờ dần như trăng cuối tháng thì chắc chắn đó là ác tri thức, cần phải tránh xa, nếu không muốn cùng họ đi vào ác đạo.

Ngược lại, nếu sau một thời gian thân cận, chúng ta cảm nhận được “tín, giới, văn, thí, tuệ” của ta mạnh dần lên, như trăng đầu tháng ngày càng sáng thêm, thì chắc chắn người ấy là thiện tri thức, dù họ chỉ là một người rất đỗi bình thường. Thì ra, trong nhà đạo, những chức tước lớn, phẩm vị cao hay thành đạt các pháp hữu vi như cơ nghiệp chùa to Phật lớn, áo gấm mão thêu, tiền hô hậu ủng… lại không phải là tiêu chuẩn của thiện tri thức. Thước đo giá trị thiện tri thức, theo lời Phật dạy, chính là “tín, giới, văn, thí, tuệ”.

Tác giả bài viết: Quảng Tánh

 Từ khóa: thời gian, thân cận, lu mờ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây