Ba điều bất hạnh

Thứ hai - 09/03/2015 07:38
Trong kinh, một hôm Đại đức Ananda gặp Đức Thế Tôn hỏi rằng : Bạch Đức Thế Tôn, bạn hữu là bán phần của phạm hạnh hay là toàn phần của phạm hạnh?.
Ba điều bất hạnh
Đức Phật trả lời: Này Ananda, bạn hữu là toàn phần của phạm hạnh chứ không phải bán phần của phạm hạnh.Tại sao vậy? Vì nếu chúng ta gần gũi một người bạn tốt có hạnh kiểm, có đạo đức, có khả năng tu chứng thì đời sống, đạo đức và con đường giác ngộ của chúng ta có thể được chuyển hóa.

Vì vậy Đức Phật mới nói rằng bạn hữu là toàn phần của phạm hạnh. Angulimalá- Vô Não là một tên sát nhân đã giết 999 người nhưng khi gặp Đức Phật với lòng từ bi vô hạn của Ngài, Vô Não đã chấp nhận Đức Phật là đạo sư, là bạn lành. Từ đó Vô Não trở thành một vị tỳ kheo trong đạo tràng của Đức Thế Tôn, tu hành đắc đạo và chứng quả. Nàng Ampápali là một kỹ nữ xinh đẹp, có nhiều vương tôn công tử theo đuổi.

Nhưng khi nghe danh tiếng của Đức Phật, nàng Ampápali cũng đã chấp nhận Đức Phật là một bậc đạo sư, là bạn lành. Cuối cùng nàng Ampápali, một kỷ nữ nổi tiếng đã xuất gia trở thành tỳ kheo ni và đắc được đạo quả thánh. Tại sao chàng Angulimalá và nàng Ampápali lại cho Đức Phật là bạn lành ? Trong tiếng Pali, bạn là Mitta, căn của mitta là Metta – nghĩa là tình thương, lòng từ bi.

Cho nên người nào có tình thương, có lòng từ, dù tuổi tác họ lớn nhỏ như thế nào thì vẫn là bạn của chúng ta.  Ngoài đời quan niệm bạn phải bằng tuổi hoặc lớn hơn hoặc nhỏ hơn ít tuổi thôi. Nếu mình 30 tuổi thì không có thể nói là bạn với người 80, 90 tuổi được. Nhưng trong kinh điển, Phật dạy bạn là người đối với ta có lòng từ, có tình thương và có sự nâng đỡ.Thật hạnh phúc cho những ai có được những người bạn như vậy. Ngược lại, có những điều chúng tôi gọi là bất hạnh, đó là:   

Điều thứ nhất: người cư sĩ tại gia lười biếng là điều bất hạnh. Tục ngữ Việt Nam có câu: ‘’Có công mài sắt có ngày nên kim’’. Ca dao Nam bộ có bài ca ngợi đức tính cần cù, lòng kiên nhẫn của người nông dân : “Cày đồng đang buổi ban trưa/ Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày/ Ai ơi, bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”.

Qúy vị hình dung người nông dân muốn làm ra hạt gạo họ phải tay cầm cày, chân lội bùn, đổ mồ hôi như mưa dưới cái nắng ban trưa ngoài đồng. Những vất vả, cực khổ đó cho kết quả là ‘’ bát cơm đầy, dẻo thơm ‘’giúp chúng ta no bụng hằng ngày. Vậy muốn có bát cơm dẻo thơm phải đổ mồ hôi như mưa mới có được, nên công sức đó là vô cùng quý báu. Nếu người nông dân lười biếng, không chịu thương chịu khó, một nắng, hai sương, sáng sớm lội bùn cày cấy thì làm sao có được hạt gạo dẻo thơm cho đời. Người tu chúng ta cũng vậy.

Trong đời sống xuất gia, đạo đức phải tu tập hằng ngày mới có được chớ không tự nhiên mà thành. Muốn có ‘’một hạt gạo dẻo thơm’’  phải đổi bằng’’ muôn phần đắng cay ‘’ của ’’ mồ hôi đổ xuống ‘’thì việc tu tập để trở thành người có đời sống phạm hạnh cao quý không phải dễ, không phải một sớm một chiều được. Do vậy, nhà học giả Nguyễn Hiến Lê cho rằng thành công chỉ có 5% thông minh,  còn lại 95% là do siêng năng, chăm chỉ, nhẫn nại, tinh tấn.

Trong nhà Phật, pháp tinh tấn rất quan trọng. Người cư sĩ ngay từ bước đầu phải áp dụng pháp tinh tấn để tu tập. Nếu tu tập mà không tinh tấn chỉ uổng phí thời gian mà kết quả không đạt được gì.  Đức Phật chúng ta từ khi phát nguyện dưới cội bồ đề rồi đạt quả vị  chánh đẳng chánh giác là thời gian Ngài trải qua hai mươi a tăng kỳ, một trăm ngàn đại kiếp. Trong kinh ghi nhận trong suốt hai mươi a tăng kỳ, một trăm ngàn đại kiếp đó Đức Phật không bao giờ dừng nghĩ mà tinh tấn liên tục. Dù gặp hoàn cảnh trái duyên Đức Phật vẫn luôn tích cực tinh tấn, nhẫn nại.

 Sự tinh tấn của Đức Phật tổ Thích Ca có 3 giai đoạn:  Viriya parami – là tinh tấn tới bờ kia; Viriya upaparami là tinh tấn tới bờ trên; Viriya paratthaparami là tinh tấn tới bờ cao thượng. Đó là ba giai đoạn mà một vị Phật tổ cần phải vượt qua. Tinh tấn tới bờ kia có nghĩa là vị chánh đẳng chánh giác thực hành sự tinh tấn  dù sự tinh tấn đó có ảnh ưởng đến vợ con, tiền bạc của cải vẫn không lui bước. Tinh tấn tới bờ trên có nghĩa là dù cho sự tinh tấn đó có làm mất đi một tay, một chân hay ảnh hưởng đến toàn tứ chi, cơ thể  của ngài, những vị bồ tát ấy-  vẫn  giữ gìn hạnh tinh tấn. Tinh tấn tới bờ cao thượng nghĩa là để đạt được hạnh nguyện của mình thì dù cho cái thân này phải bị hủy diệt các ngài vẫn tiếp tục hành trì trên con đường tu tập.

Qúy vị biết ở nước ta hằng năm có những vùng thường xuyên bị lũ lụt. Trong mùa lũ đi đến những nơi đó rất nguy hiểm, nước chảy xiết cuốn trôi nhà cửa, bờ bãi. Chúng ta thường nghe báo đài thông tin về con số người thiệt mạng vì thiên tai. Mới đây, tại Hà Nội có 5 người thiệt mạng vì mưa bão. Có một nhà sư áo vàng phát nguyện đi cứu trợ đồng bào bị lũ lụt ở miền Trung.

Chuyến đi này có nhiều Phật tử tham gia mang theo rất nhiều  thực phẩm và tịnh tài dành tặng cho bà con nghèo ở Hội An- Quảng Nam. Do gió to, nước chảy xiết, lương thực và người quá tải  nên chiếc ghe chở đoàn đến vùng quê bị chìm. May mắn là mọi người lội được vào bờ nhưng tịnh tài và thực phẩm đều bố thí cho hà bá. Trong nhiều năm qua, cũng có người  đã thiệt mạng vì đi cứu trợ ở những nơi xa xôi bị thiên tai lũ lụt. Câu chuyện kể trên cho thấy rằng thực hành hạnh nguyện bồ tát rất khó chứ không phải dễ, nhưng dù có ảnh hưởng đến sanh mạng bồ tát cũng không nao núng. Đó là hạnh nguyện, là mật hạnh của bồ tát mà mấy ai thấy biết.

Đức Phật dạy tinh tấn là không ngừng nghĩ. Lười biếng là thói quen. Muốn biết mình có lười biếng hay không thì quý vị chọn một môn học nào ưa thích và tự học. Khi đó quý vị sẽ thấy rõ cái tâm lười biếng và thích ngủ của chúng ta cỡ nào .
Trong hành thiền cũng vậy. Có khi quý vị ngồi thiền thấy có nhiều mệt mỏi chỉ muốn đi ngủ. Nhưng đừng để việc này trở thành thói quen lười biếng. Đừng rơi vào cạm bẫy của thói quen.

Qúy vị hãy làm cho tinh thần phấn chấn để đối trị sự uể oải và lười biếng. Qúy vị cần áp dụng sự quyết tâm cộng sức chịu đựng của thân. Sau giờ thiền, tâm tinh tấn sẽ tăng tiến. Tinh tấn là cội nguồn của tất cả sự chứng đạo, là nền tảng của mọi thành tựu. Mong sao quý vị luôn ghi nhớ điều này.   

Tương lai Đức Phật Di Lặc sẽ ra đời, ngài là một vị Phật tu hạnh tinh tấn. Trong tiền kiếp của Phật Di lặc, một hôm nghe nói có một vị pháp sư lỗi lạc thuyết pháp. Ngài tính nếu đi bộ từ nơi ở đến pháp hội phải mất 5 ngày. Do vậy để đến pháp hội đúng lúc, Đức Di Lặc đã đi bộ không ngừng nghĩ, khi quá mệt thì Ngài bò. Nên khi đến nơi, hai đầu gối chân và cùi chỏ tay của Ngài trầy trụa, chảy máu. Tuy nhiên, Ngài đã được nghe Pháp kịp lúc.

Sự tinh tấn liên tục đến cùng không phải ai cũng làm được nhưng quý vị hãy tự mình quyết tâm sẽ có kết quả.  Trong kinh ghi nhận, đức Phật Di Lặc hiện diện ở bất cứ nơi nào, hướng nào thì nơi đó, hướng sáng ngời rực rỡ hào quang. Ngài ngự ở hướng đông thì hào quang chiếu sáng khắp hướng đông. Nếu ai ở trong hướng đông sẽ không còn phân biệt được không gian, thời gian ngày và đêm, chỉ nghe âm thanh tiếng gà gáy để thức dậy đi làm mà thôi.

Đức Di Lặc đi nghe pháp vất vả như vậy mà vẫn kiên nhẫn đi để rồi sau này thành Phật. Thời nay quý vị đi nghe Pháp có phương tiện thuận lợi hơn rất nhiều. Qúy vị có thể đi xe máy, taxi hoặc đi bộ thì đường sá cũng dễ dàng. Nhưng trong số quý vị vẫn có người lười biếng. Khi mới biết chùa thì siêng đi lắm. Nhưng đi chùa, giữ giới, lạy phật, lâu ngày không thấy mình có tiến bộ, có lúc quý vị nghĩ chùa không linh.

Nhưng thực sự quý vị có tiến bộ nhiều lắm chứ. Ngày xưa khi chưa đi chùa, quý vị bị ai nói nặng một câu, có thể đáp trả lại hai ba câu nặng nề hơn, dữ dằn hơn. Nhưng do đi chùa nhiều, biết tu tập nhiều, hiểu rằng cần giữ cho tâm mình an trụ trong yên tịnh là quý hơn tất cả nên bây giờ ai nói nặng, nói nhẹ  quý vị sẳn sàng bỏ qua. Hãy giữ sự tinh tấn này, thường xuyên đi chùa, lạy phật, nghe pháp để làm gương cho con cháu.

Hình ảnh quý vị sống có đạo đức, giữ giới, tạo thói quen chủ nhật tuần nào cũng đi nghe thuyết pháp, điều đó ít nhiều giúp phát sanh tâm thiện cho người khác. Hãy nguyện trong lòng từ nay về sau chủ nhật nào cũng đi nghe pháp. Nhưng nên biết nếu quý vị phát nguyện như vậy rồi là sẽ bị ma vương thử thách đó. Ví dụ, nhằm trúng chủ nhật có khách ở dưới quê lên chơi, hoặc bạn bè từ Hà nội hay từ miền Trung xa xôi ghé thăm nên khó đi chùa được rồi đó. Những lúc như vậy, quý vị hãy ứng phó bằng cách rủ bạn bè, người thân cùng đi chùa với mình luôn, cũng là dịp chuyển hóa đời sống cho họ.

Cho nên đức Phật dạy lười biếng là một điều bất hạnh. Đối trị với lười biếng là tinh tấn.  Người đang đi trên con đường cầu giải thoát cần phải có lòng phát nguyện. Sức mạnh của lòng phát nguyện sẽ giúp mỗi chúng ta  khắc phục sự giải đãi, ngu si, tâm buông lung và lười biếng.

Điều thứ hai, đối với người xuất gia mà không thu thúc các căn là điều bất hạnh. Các căn là mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý pháp. Hằng ngày chúng ta bị phiền não chi phối là do không thu thúc các căn. Chúng ta bị lôi cuốn khi thấy sắc đẹp, khi nghe tiếng hay, khi ngửi mùi thơm hoặc dính mắc, tham đắm sự xúc chạm. Muốn thu thúc các căn, Đức Phật dạy chúng ta phải có chánh niệm và tỉnh thức liên tục.

 Đức Phật dạy Ananda rằng : Con phải hạn chế tiếp xúc với tín nữ. Ngài Anada hỏi:  Vậy gặp trường hợp khi tiếp xúc với tín nữ thì con phải làm sao?. Đức Phật dạy: Con phải chánh niệm khi nói chuyện và  con nên nói ít  thì sẽ tốt cho con hơn. .
 Trong giới luật, Đức Phật dạy các vị tỳ kheo nói chuyện với tín nữ không quá 6 tiếng. Thực sự không biết 6 chữ hay là 6 tiếng đồng hồ. Vì có những tín nữ vào chùa xin làm lễ cầu an, cầu siêu,  quý thầy cố gắng nói chuyện làm sao cho phải lẽ. Đức Phật khuyên ngài Anada trong lúc tiếp xúc với tín nữ phải tỉnh thức nếu không sẽ bị quyến rũ và đời sống phạm hạnh không được trong sạch.

Trong giới luật, Đức Phật dạy khi các vị tỳ kheo nói chuyện với tín nữ không được nhìn thẳng, không được cười. Cái này trong thời gian mới xuất gia, Sư y cứ phụng hành, nói chuyện với Phật tử không nhìn, không cười nên bị cho là ông sư hách dịch, rất là khó cho Sư.

Cho nên có nhiều vị tỳ kheo vì muốn giữ giới nên thay vì nhìn người tín nữ đối diện khi nói chuyện, họ bèn nhìn chỗ khác, nhìn cây cối, nhìn lên trời…Cho nên cuối cùng, phật tử không hiểu, cho rằng quý sư không lịch sự, không quan tâm, không thân thiện…nên không hỏi đạo, hỏi pháp…Quý sư vì vậy mà cũng chẳng tiếp độ được ai. Ở trong kinh có ghi chép rằng: đời sống, sinh hoạt, tuổi thọ, tình cảm của các vị chư thiên rất vi tế,  không giống như con người.

Ở cõi chư thiên, tiên nam có tình cảm với tiên nữ thì hai vị ấy chỉ cần nhìn nhau mĩm cười là xem như thỏa mãn nhu cầu tình cảm. Chứ không như cõi thế gian phàm phu, con người nam nữ yêu thích nhau thì phải gặp nhau, rủ đi ra bờ sông, hoặc rủ nhau đi vũ trường, đi nghe ca nhạc v..v..Cho nên tình cảm chư thiên rất vi tế. Do vậy, Đức Phật dạy tỳ kheo phải nghiêm trì giới luật, khi tiếp xúc với người nữ thì phải chánh niệm và tỉnh thức, nếu không đời sống phạm hạnh sẽ không lâu.

Chuyện kể ngài Xá Lợi Phất có một vị sa di đệ tử 7 tuổi rất ngoan. Vị sa di này xuất gia chưa bao lâu đã đắc thần thông. Tuy có thần thông nhưng sa di chưa diệt trừ phiền não. Do có thần thông nên hằng ngày vị sa di này bay là đà trên hư không chơi. Thấy đệ tử ham thích vui chơi đây đó, ngài Xá lợi Phất kêu sa di đến giáo giới. Ngài nói: ‘’Này con, con có duyên tu với thầy, con đã đắc thần thông, nhưng thần thông đó giống như là đá đè cỏ , thấy vậy chớ chưa giải thoát. Con đừng dùng thần thông bay đi như vậy coi chừng có ngày ăn cơm với tro nghe  con’’.  

Nhưng vị sa di này không nghe lời thầy dạy, ngày nào cũng bay đi chơi. Thời gian trôi qua. Một hôm sa di bay ngang qua chỗ gánh nước công cộng, thấy có đông người vui quá bèn dùng thần thông bay thấp xuống để xem thì ngay lúc đó có cô gái xinh đẹp cất tiếng hát trong trẻo, ngọt ngào. Âm thanh dịu ngọt của lời ca đó lọt vào tai vị sa di trẻ tuổi. Qúy vị nên biết khi chúng ta đắc thần thông thì tâm phải định. Định là khi thấy cảnh, thấy sắc… tâm không động mới được, chớ tâm động thì thần thông sẽ mất. Tu thiền là tập cho tâm định. Tâm định nhờ giữ giới trong sạch.

Tâm định rồi từ đó phát sanh trí huệ mới có thần thông. Khi sa di nghe tiếng hát du dương của cô gái, tâm sa di rúng động. Sa di dùng thần thông đáp xuống, thấy cô gái xinh đẹp quá bèn đi theo về nhà. Sau Sa di xin cưới cô gái làm vợ, gởi y áo lại cho Thầy.

Cha mẹ vợ làm nghề đan rỗ. Do vậy, hằng ngày vị Sa Di vào rừng đốn tre về cho cha mẹ đan. Dù cực khổ gấp trăm lần so với lúc còn ở bên sư phụ tu hành, nhưng sa di vẫn vui vẻ, tự an ủi rằng ta có vợ đẹp ngoan hiền cũng là quý rồi. Một hôm, ở trong rừng đốn tre đến trưa mà vẫn chưa thấy vợ mang cơm tới, vị sa di bực bội trong lòng, nghĩ mình vất vả ( lúc trước tu cùng Sư Phụ có bao giờ bị đói, bị làm lụng cực khổ như vậy ) mà sao vợ lại chậm trễ cơm nước quá chừng.

Khi người vợ mang cơm tới, dù trong lòng đã nguôi giận vợ nhưng vị sa di vẫn lấy tay cầm cái búa chặt tre quơ quơ phía trước, không dè trúng phải người vợ làm đui một con mắt. Từ đó hằng ngày sa di vừa đi chặt tre trong rừng vừa lo cho vợ ở nhà. Do chỉ còn một con mắt, có những hôm người vợ thổi lửa nấu cơm, tro bay vào đầy cả nồi cơm mà không biết. Đến khi vị sa di bưng chén cơm ăn có lẫn bụi tro, chợt nhớ lời Thầy dạy năm xưa bèn ứa nước mắt, trong lòng không nguôi thương nhớ.

Cha mẹ vợ thấy Sa di thường hay khóc nghĩ rằng sa di hối hận vì chuyện đã qua. Sau đó vị sa di đã thưa với cha mẹ vợ xin được trở về chùa cũ, tiếp tục sống cuộc đời xuất gia mà trước kia sa di đã từng chọn. Gia đình bên vợ của Sa di đồng ý. Gặp lại Thầy, tâm tư sa di trở nên bình lặng. Sa di tinh tấn không ngừng, tu thiền nhập định và đắc lại pháp ngày xưa người đã từng được.

Câu chuyện này Sư đã kể không biết bao nhiêu lần cho quý vị Phật tử nghe. Không để dục vọng khống chế.  Nếu như tâm quý vị không kiên nhẫn, mỗi lần dục vọng khởi lên trong tâm sẽ thúc bách quý vị hành động khiến chúng ta mãi mãi bị trói buộc trong luân hồi sanh tử. Không có người nào thay ta tu hành. Không có người nào làm cho ta giác ngộ. Đức Phật giác ngộ là phần của đức Phật đã xong việc của mình. Ngài chỉ dạy cho chúng ta phương pháp tu hành nhưng không tu dùm chúng ta. Nên mỗi người cần phải tự mình tu hành.       

Có một người làm thơ viết rằng:

‘’Vì em là chúng sinh/ Nên yêu em thật nhiều/ Lỡ mai em thành Phật/ Ta sẽ đùa với ai/ Vì em là bồ tát/ Yên tâm ta ngủ vùi / Trăm năm đầy mơ mộng/ Chỉ một mình em thôi/ Nếu em là chúng sinh / Ta quay đầu nhìn lại/ Ôi! thiên thần thất bại/ Khổ đau giấc mộng dài.’’. Không biết người làm thơ bây giờ đang ở đâu, đi về đâu với giấc mộng hão huyền.

Qúy vị nên nhớ, Đức Phật chỉ rõ con đường đi đến giải thoát. Mỗi người chúng ta phải tự thực hành. Không ai có thể khiến cho người khác khai ngộ. Tham, sân, si ba độc ngủ ngầm trong nội tâm chúng ta. Không phải người khác đưa nó vào, cũng không ai có thể đem nó đi. Vì vậy chúng ta cần phải tu tập để thanh tịnh tâm mình. Bằng cách nào? Hãy thu thúc các căn bằng chánh niệm tỉnh giác.  

Nếu không thu thúc lục căn, không tỉnh thức, hoan hỷ trong tu tập  chúng ta dễ đánh mất đời sống phạm hạnh. Trong giới luật Đức Phật dạy phụ nữ là kẻ thù của phạm hạnh. Chúng tôi nói phụ nữ là bạn lành của sa môn nhưng là kẻ thù của phạm hạnh. Vì sao vậy ? Quý vị thấy đa số người đi chùa là tín nữ. Cúng dường, đúc tượng, xây chùa, làm phước, in kinh sách ….đa phần là tín nữ . Tín tức là tin. Người nữ có đức tin rất mạnh. Trong pháp hội này hơn  80 % tín nữ tham dự. Cho nên tín nữ là bạn lành của sa môn. Nếu nói là kẻ thù của sa môn thì chắc chắn tín nữ rất buồn và không muốn đến chùa. Cho nên nói tín nữ là bạn lành của sa môn để tỏ lòng biết ơn tín nữ với những việc họ đã làm góp phần cho phật pháp được bền vững.

Nhưng tín nữ cũng là kẻ thù của phạm hạnh. Cho nên quý vị phải tu hành miên mật, thu thúc lục căn. Tâm niệm và hành động phải giữ thanh tịnh. Phải biết tỉnh giác trong mọi hoàn cảnh.

Điều thứ ba đức Phật dạy một người trí thức hay nóng giận là điều bất hạnh. Trí thức trong Phật giáo khác với ngoài đời. Ở ngoài đời người có học vị thạc sĩ, tiến sĩ được gọi là trí thức, là học rộng hiểu cao. Nhưng trong kinh Phật dạy, người trí thức phải có đức hạnh, biết giữ gìn 5 giới: không sát sanh, không nói dối, không trộm cắp, không tà dâm, không uống rượu. Nếu có hành vi sát sanh là không có đạo đức thì dù có học cao tới đâu cũng không được coi là trí thức. Vì học cao để hướng đến sự ly tham, ly sân, ly si.

Người học cao mà còn tham, sân, si quá nhiều, dùng kiến thức để phát minh điều này điều kia làm tổn hại thiên hạ, làm cho nhân loại điên đảo thì không phải là người trí thức theo tinh thần phật giáo. Người trí thức theo Phật giáo là người có đức hạnh, biết giữ 5 giới, bố thí, trì giới, tham thiền, có tâm từ bi hỷ xả đối với tất cả chúng sanh.

Tại sao nói trí thức hay nóng giận là điều bất hạnh ? Vì người trí thức cố nhiên là người có quyền chức. Người có quyền chức mà nóng giận thì không thành công việc lớn.  Muốn thành công việc lớn phải ôn hòa nhã nhặn trong mọi tình huống, tâm mới có tầm nhìn xa.

Người mà chỉ nghe nói đã vội tin, không tìm hiểu căn cơ, ngọn nguồn sự việc, đó là người si mê. Tâm lý của con người chỉ tin những gì mình thấy. Nhưng tri giác cũng có lúc sai lầm.Thấy sợi dây tưởng rằng con rắn. Nghi ngờ là tâm thường có của con người. Nghi ngờ là chướng ngại lớn nhất cản trở chúng ta tìm về với ánh sáng của tỉnh giác. Có người do hay nghi nên dẫn đến hiểu sai lệch sự việc, con người.

Cho nên hãy luôn khiêm tốn để lắng nghe, tỉnh táo để quan sát, nhận hiểu các vấn đề xảy ra trong đời sống một cách toàn diện trong các mối quan hệ chung quanh. Qúy vị hãy thấu suốt tất cả việc khi nó vừa phát sinh. Như vậy mới tránh được sự nóng giận vì tâm phê phán, tâm phản ứng của cái ngã to tướng của chúng ta.

Qúy vị hiểu rằng đa số mọi sự trong đời đều do nhân duyên. Có những chuyện ta không mơ tưởng mà nó thành. Có những việc ta mong muốn đến cháy ruột cháy gan thì nó lại không tới. Hãy biết duyên tới đâu mình làm tới đó. Cái nào duyên của mình thì mình làm. Cái nào không có duyên với mình thì hoan hỷ né qua cho người khác làm. Đừng bực tức, giận dỗi.

Có cô tín nữ xinh đẹp chân mang giày cao gót, tay cầm cây dù vui vẻ đi trên phố. Không may, có một thanh niên sơ ý dẫm lên chân cô ta. Đau quá, nổi giận, cô ta vừa la vừa cầm cái dù  đánh liên tục ba bốn cái thật mạnh vào vai anh thanh niên. Người thanh niên không phản ứng gì mà thủng thẳng nói: Xin lỗi chị. Em biết em lỡ đạp vào chân chị, chắc chị đau lắm, thôi chị đánh em thêm vài cái nữa cho chị bớt đau’’. Nghe nói vậy, cái tâm đang phun trào cơn giận như núi lửa trong lòng cô ta bỗng từ từ dịu xuống.

Những lời nói biết lỗi rất ôn hòa kia như nước mát mẻ làm cho lửa giận hạ nhiệt. Cô cũng cảm thấy mình thái quá bèn nói rằng :’’ Tui biết, cậu đạp tui đau lắm, nhưng tui nóng tánh, có đánh cậu mấy cái, thôi tui xin lỗi cậu nghen’’.  

Chúng ta không biết người thanh niên tu theo đạo gì nhưng cách hành xử cộng với lời nói từ tốn như vậy đã đối trị với lòng tức giận của người kia. Điều này rất phù hợp với giáo lý của Đức Phật. Đối trị với lòng sân hận chỉ có tâm từ. Sân hận không bao giờ dập tắt bằng sân hận, chỉ có thể dập tắt sân hận bằng tình thương. Người tu phải thực hành tâm từ bi bác ái, được như vậy thì người trong gia đình sẽ quý mến quý vị hơn, lời nói quý vị có giá trị hơn. Muốn có tâm từ phải siêng tu tập chớ không tự nhiên mà có.

Cuộc đời không có gì là tồn tại mãi mãi. Đừng có quan trọng hóa vấn đề để rồi đâm ra đau khổ trước những được mất của cuộc đời. Cái gì đến cứ đến. Cái gì đi cứ đi.  Qúy vị cố gắng nỗ lực nhưng thành hay bại là do nhân duyên. Nên hiểu nhân duyên để quý vị không phiền não.

Hãy giữ tâm sáng suốt , lặng lẽ nhìn dòng đời sanh diệt.

Kính thưa quý vị!

Thời pháp đến đây cũng vừa phải lẽ. Cuối cùng quý vị biết được người cư sĩ tại gia lười biếng là bất hạnh; người tu sĩ xuất gia mất tỉnh giác, không thu thúc lục căn là bất hạnh; người trí thức không có lòng từ bi, hỷ xả, nóng giận là bất hạnh.

Cầu mong thời pháp này là món quà đạo vị cho chư thiện nam tín nữ,  mong sao quý vị áp dụng giáo lý Phật dạy tu hành tinh tấn, sống an lành và thanh tịnh.

Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu ni Phật.    

Tác giả bài viết: Đại đức Thiện Minh

 Từ khóa: toàn phần

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây