Có điều tôi hơi lúng túng là khi hết giờ ngày thứ nhất thì “kết thúc” thế nào và từ ngày thứ hai trở đi nên “tiếp theo” bằng cách sao? Còn nữa, có người bạn khuyên khi thỉnh kinh về để trì tụng xong nên làm “một cái lễ để trả lễ cho bà con cô bác”. Xin quý Báo cho biết ý kiến về vấn đề này. (THANH BÌNH, tranthanhbinhprc@yahoo.com)
ĐÁP: Bạn Thanh Bình thân mến!
Đối với những bộ kinh dài, cần phải tụng nhiều ngày mới xong như kinh Pháp hoa, kinh Địa Tạng, kinh Vô lượng thọ…, thì khi hết thời gian, người tụng chủ động “kết thúc”, hôm sau lại tiếp tục.
Hầu hết các kinh bộ thông dụng này đều được thiết kế đầy đủ với nghi thức tụng niệm. Mở quyển kinh ra, người tụng thấy rõ bao gồm các phần lễ Phật, tán hương,…, phát nguyện, khai kinh, tiếp đến là nội dung kinh (Pháp hoa chẳng hạn), cuối bản kinh có các phần Bát-nhã tâm kinh, niệm Phật, tụng sám,…, rồi phục nguyện, tự quy y và hồi hướng.
Ngày đầu tiên, chúng ta bắt đầu tụng niệm theo các nghi thức như kinh đã hướng dẫn, gồm lễ Phật, tán hương, phát nguyện, khai kinh rồi tụng đọc kinh văn. Cách “kết thúc” thông thường là vào đoạn cuối phẩm nào vừa kịp lúc gần hết giờ, liền chuyển sang tụng Bát-nhã tâm kinh, niệm Phật, tụng sám rồi phục nguyện, tự quy y và hồi hướng, chấm dứt thời kinh.
Sang ngày hôm sau, muốn tụng “tiếp theo” ngày hôm trước thì vẫn bắt đầu theo các bước như lễ Phật, tán hương, phát nguyện, khai kinh. Đến phần tụng đọc kinh văn thì nên “tiếp theo” ngay đoạn mà ngày hôm trước mình đã “kết thúc”. Cụ thể, hôm trước mình kết thúc vào cuối phẩm 6 thì hôm nay tiếp theo vào đầu phẩm 7, tụng cho đến khi hết giờ thì “kết thúc” như đã hướng dẫn ở trên. Cứ như vậy, chúng ta lần lượt “kết thúc” rồi “tiếp theo” cho đến hết bộ kinh.
Sau khi tụng xong một bộ kinh, người ta thường sắm sanh lễ vật gồm hương, hoa, bánh, trái, xôi, chè… để tạ ơn Tam bảo (trong nhà), và nếu có thể thì cúng thí cho cô bác âm linh cô hồn (ngoài trời), nguyện cầu âm siêu dương thái. Lễ này hoàn toàn tùy tâm!
Chúc bạn tinh tấn!