Cái bóng

Chủ nhật - 14/05/2017 08:35
Ý tưởng bất ngờ đến từ một buổi chiều ngồi bên đứa cháu giở sách toán Hình học lớp 11, bài Phép đồng dạng có câu: “Đừng thấy bóng của mình ở trên tường rất to mà tưởng mình vĩ đại” của Pythagore (570 - 496 TCN), một nhà khoa học, toán học và cũng là một nhà triết học người Hy Lạp.
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ
Ngẫm lại hiện tại, có thể là một sự trùng lặp vào cuộc sống tu tập của người con Phật. Cái bóng không thật, nó biến dạng ở mọi ngóc ngách, mọi góc nhìn thay đổi và biến mất khi không còn ánh sáng rọi vào vật thể cụ thể tạo ra nó. Có cái bóng làm người được chở che thấy lòng ấm áp hạnh phúc an lành thật sự, nhưng cũng có cái bóng giả tạo cho người dựa vào cũng thấy ủi an thiện cảm nhưng không thật chắc bền lâu. Cái bóng lớn hay nhỏ, xa hay gần cũng là nó. Mọi dụ dỗ lôi cuốn của cuộc sống tựa như cái bóng mà người mải đi tìm, có đó mất đó, thật giả lẫn lộn. Thế mà lắm người cần cái bóng của mình, cái bóng của người khác và ngại rằng nếu không có cái bóng sẽ hóa thành ma!

Trong thế giới ngập ngụa của vật chất, của tiền tài danh vọng, của cái gọi là hạnh phúc dù chẳng bền lâu… con người ta cũng sẵn sàng tạo cho mình một lớp vỏ, một cái bóng “cho nhiều bóng mát” với kẻ đang cạnh cầu sự ban ơn để có được sự hoán đổi qua lại theo hiện tượng vật lý đối lưu cho và nhận, đến và đi là lẽ tất nhiên. Người nhận cứ tưởng mình đã cho, người cho cứ tưởng mình đã nhận, cả hai đều lợi dụng nhau, diễn biến như thật. Dịp may thành tựu có được từ sự cho nhận kia, từ cái bóng kia có ngẫu nhiên xảy ra như con số đề thì lại cho rằng đó là phước đức, đến nỗi họ không còn tin vào chính mình rồi chính mình biến thành măng cho kẻ kia lừa gió mà bẻ cho đến chẳng biết khi nào cho đủ.

Song, có người lại muốn tạo cho mình một cái bóng, một cái bóng khổng lồ để chiêu dụ người khác, rủ rê người thiếu tự tin - không chánh kiến, thậm chí đến độ mê tín, cho đó là thật mà tin vào nhằm một mục đích nào đó mang tính vụ lợi cá nhân dưới danh nghĩa vì cái chung “vĩ đại”... Cũng có người mạo nhận, tự hãnh tiến, thổi phồng cái ta theo kiểu “chưa đổ ông nghè đã đe hàng tổng” mà làm giàu bất chính, họ tự nhủ rằng kiếp sau thế nào cũng mặc, miễn là kiếp này phủ phê sung sướng là được. Cái ngờ nghệch đáng thương, cái mê cung không lối thoát dần dà biến thành bản chất của kẻ tham manh kia cần gì bàn tới chuyện nhân quả mà nói đến lại cứ tôn vinh luật nhân quả phước đức cao dày! Nói theo nhà Phật, tự tánh bị vô minh che lấp, cái tâm dấy lên vọng niệm. Dù biết, vô minh tự nó không có tội, cũng chẳng phải là nguồn gốc gây ra tội mà chính là do bởi tam độc quấy phá hay nói toạc ra tham ái là kẻ chủ mưu tạo ra tội lỗi, sai lầm của con người.

Ở đây chẳng bàn chuyện vô thường, dẫu biết vô thường là căn nguyên của mọi đau khổ trong cuộc sống và cũng chẳng bàn về Nghiệp như khi đã tác Nghiệp sẽ nhận về báo ứng. Thực tế vẫn còn lắm người trú vào cái bóng giả hoặc cao tay ấn hơn là lợi dụng cái bóng giả để làm ăn giả, miễn là đôi bên đều có lợi trong cơn lốc xoáy gian dối lọc lừa. Hỏi sao? Vì cái ngã giả tạo nên bóng giả - tướng giả, cái tâm giả tạo nên sự thèm muốn trần tục mà tự đánh mất mình.

Học Phật, khi dạy về đức tin, Đức Thế Tôn có dạy rằng: “Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó là truyền thuyết. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó thuộc về truyền thống. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó được nhiều người nhắc đến hay tuyên truyền. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó được ghi lại trong sách vở hay kinh điển. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó lý luận siêu hình. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó phù hợp với lập trường của mình. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó phù hợp với định kiến của mình. Chớ vội tin điều gì, khi điều đó được căn cứ trên những dữ kiện hời hợt. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều ấy được sức mạnh và quyền uy ủng hộ. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều ấy được các nhà truyền giáo hay đạo sư của mình tuyên thuyết. Chỉ tin vào điều gì khi tự mình biết chắc chắn rằng những điều ấy là thiện, là tốt”.

Đức Phật đã dựa trên sự thực nghiệm để nói pháp và Ngài không cho rằng, tất cả kết luận đều là chắc thật, trừ khi nó được kiểm chứng bởi tự thân mỗi người. Có khi nào mình nhìn lại chính mình để rộng lòng dang tay đón nhận sự tin cậy của người khác mà chút vụ lợi, không chút toan tính, tất cả là vô niệm, là thi ân bất cầu báo, là mọi chúng sanh đều có Phật tánh.

Thế thì, người học Phật, thực hành theo lời Phật dạy, Phật tử cũng thường nghe và học câu “Tự mình thắp đuốc lên mà đi”, “…Trong lời dạy đặc biệt quan trọng và hy hữu này, Ðức Phật nhấn mạnh hai điểm. Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy y tựa chính mình, không y tựa một ai khác. Hãy lấy Chánh pháp làm ngọn đèn, hãy lấy Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một cái gì khác” và “Phương châm hướng nội, quay về với chính mình, với con người thật của mình… là phương châm sống động nhất, thiết thực nhất để cải tạo xã hội… và xây dựng Niết-bàn ngay trên thế gian này” (Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi - HT.Thích Minh Châu).

Lời huấn dụ trên mấy ai nhìn thấy mà soi rọi chính mình. Mê lầm do tham ái như một cạm bẫy giăng đầy trên lối đi kiếp người với mục đích của nó không gì khác hơn là để con người giết chết con người, chỉ còn lại phần “con” mà không chút gì gọi là tàm quý. “Ngựa có quen đường cũ” thì vẫn cần người cầm cương dặn dò uốn nắn lòng đinh ninh trong hang động u tối vẫn còn chỗ cho ánh sáng lọt vào. Sống trong đồng sự, không ai bỏ ai, không ai khinh rẻ ai. Vấn đề là tin nhau hiểu nhau, thật sự chở che nhau, dũng cảm giãi bày cho nhau trong chánh kiến Lục hòa, trong chân lý duy nhất là lẽ phải, là chân tình, là cùng nhau giải thoát, vượt qua sông mê. Có thể, cũng đừng phân biệt tách bạch “tự lợi” trước “tha lợi” hay ngược lại nên từ đó nhận ra cái đúng, cái chân thực, cái thiện toàn để cứ thực hiện không chút đợi chờ so đo lợi thiệt “hồn ai nấy giữ”, chẳng chờ kẻ sai lầm nhận ra phút giây chính mình tự ngộ.

Đành rằng, sống phải biết tha thứ. Nhưng sự tha thứ trong tiêu cực bỏ ngỏ thì chẳng khác gì thụ động bao che, sự khoan dung độ lượng trong thinh lặng có khác gì làm tăng thêm sự đau khổ cho kẻ đang lầm mê. Hãy nhìn thẳng vào sự thật để mà nhận thấy, ví như cái mỉm cười của ngài Ca-diếp trong câu chuyện Niêm hoa vi tiếu.

Cái bóng to, cái bóng nhỏ cũng chỉ là cái bóng. Nó không thật nên chẳng ai bắt giữ bóng bao giờ, dù biết đó chính là cái bóng của mình thì cớ sao bám lấy đó mà đem hù dọa hay quyến rũ người khác nhẹ dạ cả tin?

Sống giản dị, nhận ra để hiểu về bản ngã là một lẽ trong ngàn lẽ hạnh phúc chân chính trong cách sắp xếp cuộc sống của chính mỗi người.

Tưởng rằng không dừng lại ở đó, Pythagore còn có những phương châm hành động bất hủ như: “Hãy sống giản dị, không đi xa hơn”…
Thục Độ

Nguồn tin: Giác Ngộ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây