ĐÁP: Bạn Lê Hồng Phong thân mến!
Cầu siêu là cầu nguyện, hộ niệm và khai thị cho các chúng sanh bị đọa lạc tỉnh thức mà buông bỏ phiền não và chấp thủ để siêu thoát, sanh lên các cõi lành. Theo Phật giáo Bắc truyền, có hai nhóm đối tượng chúng sanh chính yếu cần được cầu siêu.
Nhóm thứ nhất, những chúng sanh đang ở trạng thái thân trung ấm (thần thức, hương ấm), thân trung gian hình thành sau khi chết cho đến tối đa khoảng 49 ngày (tuy nhiên có thuyết cho rằng những thân trung ấm chết bất đắc kỳ tử, đột tử do oan nghiệp có thể tồn tại lâu hơn 49 ngày rất nhiều). Tổ chức cầu siêu từ khi mất, tuần sơ thất cho đến chung thất có ý nghĩa và giá trị rất lớn, giúp hương linh có thể nương nhờ công đức (nhờ Phật lực gia hộ, chư Tăng chú nguyện, thân nhân làm phước) mà thức tỉnh, chuyển hóa nghiệp lực để siêu sanh cõi lành.
Nhóm thứ hai, những chúng sanh sau khi chết đã trải qua thời gian 49 ngày nhưng vì oan nghiệp bất đắc kỳ tử, đột tử nên vẫn chưa tái sanh, hoặc phần lớn đã tìm được chỗ tái sanh nhưng do lúc sinh tiền tạo nhiều nghiệp bất thiện nên sanh vào ác đạo (địa ngục và ngạ quỷ). Các chúng sanh này vô cùng khổ đau, đói khát nên rất cần thân nhân trợ duyên, cứu giúp, siêu độ. Vì thế những đại lễ cầu siêu bạt độ, chẩn tế dành cho nhóm đối tượng này cũng rất cần thiết và quan trọng.
Cho nên, cầu siêu cho người thân đã mất rất lâu rồi là chuyện bình thường và nên làm. Người đệ tử Phật, hàng ngày kinh kệ, niệm Phật, lễ bái xong đều hồi hướng công đức nguyện cầu âm siêu, dương thái. Riêng đối với những hương linh sau khi chết 49 ngày đã tái sanh vào các cõi lành thì hẳn nhiên họ không cần cầu siêu. Dù vậy, nếu thân nhân làm phước rồi hồi hướng công đức cho họ thì ở nơi cõi lành vẫn được thêm phần lợi ích.
Chúc bạn tinh tấn!