Dĩ nhiên là cực khổ lắm, nhưng điều này là do có nhân duyên quả báo bên trong. Vì khi đứa con có khuyết tật đến đầu thai, là do có duyên với cha mẹ. Có câu “Vợ chồng là do tiền duyên, thiện duyên, ác duyên; không duyên thì chẳng gặp. Con cái vốn do nợ túc căn đời trước, thiếu nợ, trả nợ; không nợ thì chẳng đến.” Con đến đầu thai, phải có ba duyên thành thai là duyên cha, duyên mẹ, và duyên của chính đứa bé.
Trong Kinh Lăng Nghiêm nói: “Đồng nghiệp ràng buộc lẫn nhau mà hợp, mà tách rời, mà thành, mà chuyển hóa. Cái thấy phát sáng thì sinh hình sắc, thấy sáng thì ý tưởng thành hình. Nghịch ý thì ghét nhau, cùng ý thì thích nhau. Do lòng ưa thích lưu chuyển nên thành chủng tử; do thâu nạp niệm tưởng nên thành ra bào thai. Do có nhân duyên thai bào phát triển qua cac giai đoạn Yết La Lam, Át Bồ Đàm v.v ....” Gọi là “đồng nghiệp”, là nghiệp của đứa bé và nghiệp của cha me có cùng nhân duyên. Do đồng nghiệp nên sanh ra một thứ tình thương lẫn nhau, tức như keo và sơn quyện dính vào nhau. Do đó mà có những chúng sanh sinh ra từ thai, từ trứng, từ sự chuyển hóa, từ ẩm ướt.
Con người khi đến làm người, thì thức thứ tám đến trước tiên; lúc chết thì thức thứ tám rời đi sau chót. Thần thức vừa rời đi, trên thân liền lạnh; thức chưa đi, thân vẫn không thể lạnh. Cho nên nói “đi sau đến trước làm chủ nhân”.
Con người từ sau khi chết cho đến lúc đầu thai thân mới thì trong khoảng thời gian thức thứ tám ở giữa này được gọi là “Thân Trung Ấm” hay còn gọi là “Thân Trung Hữu".
Thân Trung Ấm nhìn mọi vật đều thấy một màn tối đen, cái gì cũng chẳng nhìn thấy. Nhưng thân này có duyên với người cha, người mẹ nào, hoặc quan hệ cha con, mẹ con, tức là có cùng một loại nghiệp báo tương đồng. Lúc đó dù cách xa ngàn muôn dặm nhưng khi cha mẹ chăn gối ăn nằm, Thân Trung Ấm sẽ thấy một tia ánh sáng nhỏ, sự vô minh của nó liền dấy động, lúc này liền có một luồng sức hút như nam châm hút sắt, không kể khoảng cách xa đến đâu, đều có thể hút nó sang đến để đến đầu thai ! Đây gọi là “Do lưu giữ lòng ưa thích nên thành chủng tử; do giao cấu phát sanh, hấp dẫn nghiệp tương đồng.”
Sau khi thụ thai thì tuần thứ nhứ được gọi là “Yết La Lam”, nghĩa là “khối đặc trơn đục như sữa". Tuần thứ hai gọi là “Át Bồ Đàm”, tức là do khối đặc trơn biến thành hình thai. Về sau thì phát triển dần thành thân hình vậy.
Trong pháp “Mười Hai Nhân Duyên” nói rõ Vô minh duyên hành, vô minh tức là người nam, người nữ sanh ra một thứ tình ý yêu thương, sau đó mớI có chuyện phòng the. “Hành duyên thức”, có hành vi của hai tính phái, theo đó thì có một thứ thức, đây tức là “Nạp tưởng vi thai” cái thức này. Trong lúc này, “Thân Trung Ấm” đầu thai, cũng tức là nói, lúc này đã có sinh mạng rồi. Cho nên giữa con cái và cha mẹ đều có một thứ nhân duyên đặc thù, dầu cho con cái có mang chứng bệnh dị tật gì, cũng đều có một nghiệp duyên đặc biệt cần phải nhận lấy.
Hồi xưa không có máy dò siêu âm nên thọ thai gì thì đều hạ sanh ra, bây giờ có máy dò siêu âm một khi soi rọi thấy là chứng ngu đần, liền đem phá bỏ, tưởng là đem dẹp bỏ đi cái phiền não về sau. Kỳ thật, thông thường những thứ duyên này chẳng phải là một thứ duyên lành, nhưng người làm cha mẹ phải nhận lấy bào thai đó. Nếu như cha mẹ chẳng cảm thông cho nó, lại đem nó giết đi, điều nầy sẽ càng làm tăng duyên ác với nhau trong quan hệ ác duyên này, không chừng trong đời sau nữa thì lại càng ghê gớm hơn, như “Kinh Lăng Nghiêm” đã nêu trong “Thập nhị loại sanh”, có một loại chúng sanh gọi là “Phi Vô Tưởng”, loài chúng sanh nầy chẳng phải là không có tư tưởng, mà là tư tưởng bất bình thường. Tỷ như một loài chim cú sau khi sanh ra thì sẽ ăn thịt chim mẹ, lấy máu thịt của mẹ để nuôi thân mình. Khoa học cũng phát hiện ra một loài bọ hung ăn thịt mẹ nó. Vì sao nó phải ăn thịt mẹ, bởi vì trong đời quá khứ, họ có mối oán thù rất sâu.
Chẳng hạn có trường hợp lấy thù báo ân như trong quá khứ con là ân nhân của mẹ, mà mẹ không biết đã dùng đủ mọi cách làm con chết, để con chết không nhắm mắt mà lại chẳng có cách tố oán. Cho nên trong đời này nó sanh làm con của người, mới ăn thịt mẹ nó. Đại loại là như thế, bên trong đó đều có một thứ nhân duyện quả báo.
Tuy nhiên người thế gian chẳng hiểu rõ nhân quả. Cho nên khi nghĩ là bào thai có vấn đề thì cho rằng có thể phá bỏ; điều này có thể nói là trải sương lên tuyết. Trên căn bản một cái bào thai như thế không nên phá bỏ, mà là phải am hiểu để xóa trả nghiệp duyên.