Tuy nhiên, có một điều khiến tôi trăn trở là bố có khá nhiều tiền (theo tìm hiểu của tôi thì bố đã phụ lòng tin của thầy trụ trì, lấy tiền thập phương bá tánh cúng chùa để dùng cho riêng mình). Có tiền, bố tôi về quê xây nhà cửa khang trang, thái độ thì vênh váo coi thường vợ con nhưng đối với người ngoài thì rất tử tế, gặp ai kêu khó khổ thì rút tiền cho ngay lập tức.
Nói chung bố tôi thích dùng tiền để mua oai, được ai khen lắm tiền là khoái chí lắm. Dù ở chùa đã lâu nhưng bố tôi dường như ít chuyển hóa, lúc sân si thì chửi bới, văng tục như bao người. Cũng may là hiện mẹ con tôi tự làm ăn sinh sống, cũng không vướng bận gì nhiều (trừ căn nhà đang ở do bố xây) về những đồng tiền mờ ám của bố. Tôi muốn hỏi quý Báo là bố tôi có làm những việc không minh bạch liên quan đến tiền bạc của chùa thì sau này mẹ con tôi có phải chịu quả báo không? Có nên gặp thầy trụ trì để thông báo về thực trạng của bố để thầy biết và xử lý không?
(TUỆ HẢI, duongtuehai@gmail.com)
ĐÁP:
Bạn Tuệ Hải thân mến!
Theo lệ thường, người phát nguyện chuyên làm công quả tại các chùa thì chỉ làm việc bằng cái tâm, mong cầu phước báo ngày sau, họ không có yêu cầu về thù lao và gần như chẳng có thu nhập. Vị trụ trì chỉ trợ duyên một số tiền nhỏ đủ để những người làm công quả mua sắm các nhu yếu phẩm hay vật dụng cần thiết. Thỉnh thoảng khách thập phương có biếu họ một chút quà (trà, bánh hoặc là một ít tiền) để bồi dưỡng trong tinh thần cảm mến đạo tình. Nói chung, làm công quả là làm phước, không đem về cho mình lợi ích vật chất nào cả.
Nên việc bố của bạn làm công quả ở chùa mà có khá nhiều tiền bạc là điều rất khác thường. Ngoài ý kiến mà bạn đã nêu (lấy cắp tiền công đức), chúng tôi hy vọng bố của bạn đã làm thêm ngoài việc công quả. Làm thêm ở đây có nghĩa là ngoài việc công quả và kinh kệ ra, vì chùa không có thầy nên có thể bố của bạn kiêm luôn “thầy” cúng (cúng nhà, cúng đất, cúng mộ, cúng vong…) hoặc “thầy” xem tử vi, phong thủy, ngày giờ, bói toán, trấn yểm cho những người dân có nhu cầu. Trong các cộng đồng còn nặng về tín ngưỡng và tập tục dân gian thì những việc này rất đắc dụng, nếu được nhiều người tín nhiệm sẽ có thu nhập khá cao. Còn nếu bố không có làm thêm như chúng tôi hy vọng thì ắt hẳn ý kiến của bạn là đúng, vì chỉ làm công quả thì không thể có nhiều tiền.
Nhân danh đi làm công quả mà trở nên có nhiều tiền, hẳn bố của bạn đã biến chất, không còn tâm và hạnh của người làm công quả chân chính. Bố của bạn chẳng những không được phước mà còn mắc tội báo nặng nề. Hơn nữa, thái độ “vênh váo, coi thường vợ con, háo danh, chứng tỏ mình có tiền” cùng hành vi “chửi bới, văng tục, sân si” là bằng chứng cho thấy đó không phải là nhân cách của người Phật tử mẫu mực.
Đối với vấn đề “bố tôi có làm những việc không minh bạch liên quan đến tiền bạc của chùa thì sau nay mẹ con tôi co phai chiu qua báo không?”. Xét về biệt nghiệp thì ai làm sai người nấy chịu, nhân quả luôn công bằng và phân minh. Nhưng xét về cộng nghiệp thì mẹ con bạn cũng có liên quan, dù không nhiều. Nên một khi đã biết rõ những tài sản của bố vốn không “sạch” thì hết sức cố gắng để không dính vào, vì thọ dụng những thứ không phải do mình làm ra chắc chắn phải mang nợ, mà có nợ thì ắt phải trả, không đời này thì đời sau.
Chúng tôi tán đồng ý định gặp thầy trụ trì để phản ánh sự việc với thầy. Bạn cứ thành thật và thẳng thắn bày tỏ cho thầy rõ tất cả những gì bạn biết. Dẫu rằng đây không phải là việc dễ làm nhưng nó rất cần thiết, trước là để giúp thầy và giúp chùa, sau là giúp bố tránh bớt những nghiệp xấu ác. Tiền bạc của bá tánh thập phương cúng chùa là để phụng sự Tam bảo, bất cứ ai thọ dụng tiền bạc này cho mục đích cá nhân đều phải chịu quả báo nặng nề. Bố của bạn đã lạc vào đường mê, bị lợi lộc làm lu mờ nhân cách, bạn thương bố thì cần giúp bố thức tỉnh để hồi tâm hướng thiện.
Chúc bạn tinh tấn!
Nguồn tin: Giác Ngộ
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự