Lúc cùng anh quỳ trong chánh điện lễ Phật, lòng tôi thấy xúc động lạ thường. Sau bao nhiêu năm lui tới tịnh xá này và những ngôi chùa khác, đây là lần đầu tiên anh tôi chịu vào lạy Phật. Nhìn động tác lạy chậm chạp của anh, phần do chưa quen, phần do sức còn yếu sau cơn trọng bệnh, tôi có cảm giác như mình đang chứng kiến cảnh gã cùng tử trong kinh Pháp hoa, trải bao nhiêu năm khốn khổ, phiêu bạt nơi đất khách quê người nay mới chịu trở về quê nhà nhìn nhận người cha già giàu có luôn ngày đêm mỏi mòn trông ngóng con về để trao cho sản nghiệp to lớn. Anh tôi chính là gã cùng tử đó, người cha già ngày đêm mong ngóng tin con chính là Đức Phật đại từ, đại nhân.
Lúc anh tôi và Ni sư trụ trì trò chuyện, tôi tranh thủ đến thăm những người đang nằm dưỡng bệnh ở đây. Có những khuôn mặt rất quen thuộc do hàng tháng tôi thường theo xe chở gạo đến tịnh xá theo sự ủy thác của anh tôi, vì thế tôi có duyên tiếp xúc với những người này. Và cũng có những khuôn mặt quen thuộc đã vắng bóng sau bao nhiêu ngày tháng sống trong sự yêu thương, bảo bọc của Ni sư và Phật tử. Lại có những khuôn mặt mới tinh, tuy chưa quen biết nhưng tôi vẫn cảm thấy rất gần gũi với họ vì tất cả đều quay về nương náu dưới mái nhà chung Phật pháp.
Với mấy chục người già thường xuyên lưu trú, phải lo cái ăn, cái mặc, thuốc men cùng những sinh hoạt khác và mấy chục người đến để khám bệnh, nhận thuốc Nam miễn phí hàng ngày, gánh nặng đó rất lớn đâu phải tổ chức xã hội nào cũng có thể đảm đương nổi. Thế mà Ni sư cùng Phật tử tịnh xá Ngọc Linh đã làm được việc đó khiến ai biết chuyện cũng đều tán thán kính nể. (Dĩ nhiên, để duy trì những hoạt động đó phải nhờ vào sự đóng góp của bá gia, bá tánh, của những tấm lòng nhân ái, vị tha).
Sau khi nghe Ni sư trụ trì báo lại các chi phí sinh hoạt, anh tôi quyết định hỗ trợ thêm toàn bộ tiền điện, nước hàng tháng cho tịnh xá. Anh dặn dò tôi hàng tháng liên hệ nắm thông tin, báo lại cho anh biết để gởi tiền về... Xong việc, chúng tôi lên chánh điện lễ Phật, giã từ quý Ni, ra về.
Lúc đỡ anh bước lên xe hơi, cảm nhận cái lạnh lẽo của làn da thiếu sức sống của một người đang mang bệnh mãn tính, lòng tôi trĩu nặng một nỗi buồn. Không biết mai này anh tôi sẽ ra sao khi trót vướng vào căn bệnh ngặt nghèo, bệnh ung thư đại tràng, căn bệnh không gây chết thì cũng gây phiền toái suốt cả phần đời còn lại.
Xe chạy nhanh trên lộ nhựa, hơi máy lạnh tỏa ra một mùi hăng hăng lạ lẫm đối với một người quen sống chốn thôn dã như tôi. Anh tôi trầm tư, lặng lẽ ngắm những thửa ruộng lúa vàng trĩu hạt lướt qua hai bên đường, bài Cát bụi của nhạc sĩ họ Trịnh phát ra từ đầu đĩa của xe, nghe trĩu nặng nỗi ưu tư của kiếp người khiến lệ tôi như chực tràn ra khóe mắt. Tôi khẽ nhắm mắt, nghĩ về cuộc đời của anh mình.
Khác với phần số lận đận của tôi, anh khi bước vào đời đã gặp rất nhiều may mắn, thuận lợi. Sau hai mươi mấy năm thoát ly theo cách mạng, vắng bặt tin tức, cả nhà cứ ngỡ anh đã hy sinh. Mẹ tôi mỗi lần nhắc đến anh đều khóc, người lập cả bàn thờ anh để hương khói hàng đêm... Đùng một cái, sau 1975, anh lù lù trở về nhà với cấp hàm cao của quân Giải phóng. Anh cho biết, lúc học đại học ở Sài Gòn, do đứng trong ban lãnh đạo sinh viên biểu tình chống chính quyền, anh bị mật vụ truy nã gắt gao nên đã thoát ly theo kháng chiến, nhờ có trình độ và có năng khiếu hoạt động kinh tài, anh được đưa ra miền Bắc, gởi ra nước ngoài đào tạo, sau đó mới trở vào Nam tiếp tục tham gia chiến đấu.
Sau thời kỳ quân quản, anh được tổ chức phân công làm giám đốc một công ty quốc doanh xuất nhập khẩu thủy sản, nhờ nhạy bén trong thương trường, với sự lãnh đạo của anh, công ty làm ăn rất phát đạt, đem về cho nhà nước nguồn ngoại tệ lớn, anh và công ty được thưởng nhiều huân, huy chương.
Sau giải phóng khoảng mười năm anh mới lập gia đình, vợ anh cũng là cán bộ phụ trách quản lý một hợp tác xã rau quả ở Sài Gòn. Chị dâu tôi đẹp người, đẹp nết, lại khéo ăn, khéo ở, tuy sống xa gia đình bên chồng nhưng vẫn thường xuyên tranh thủ thăm viếng, quà cáp cho cha mẹ, anh em bên chồng, ai cũng thầm khen gia đình có phước được nàng dâu hiền, khéo cư xử.
Đến tuổi nghỉ hưu, với năng lực và kinh nghiệm chốn thương trường, anh tôi hùn hạp, đầu tư vào thị trường bất động sản, nhờ thời vận tốt, anh thu lãi rất lớn trong cơn sốt nhà đất. Tiền đẻ ra tiền, vợ chồng anh trở thành người giàu có khiến nhiều người phải trầm trồ, ghen tỵ.
Với truyền thống tốt đẹp của người lính và của gia đình, anh tôi không hưởng thụ cuộc sống giàu sang một cách ích kỷ mà luôn có tâm chia sẻ với cộng đồng, nhất là ở quê nhà, anh đã có những đóng góp thiết thực, hiệu quả. Anh hỗ trợ Hội Khuyến học tại xã nhà, giúp sinh viên, học sinh trong xã gặp khó khăn vay không tính lãi để họ có thể tiếp tục theo đuổi việc học. Nhờ đó đã giúp hàng trăm người thành tài, tạo thành một mô hình khuyến học nổi tiếng trong nước, được đánh giá rất cao, cả đài truyền hình tỉnh và Trung ương cũng phát hẳn một chuyên đề về Hội Khuyến học này... Ngoài đóng góp cho địa phương, vợ chồng anh cũng thường tham gia các chương trình từ thiện khác khi tự biết hoặc được mời tham dự.
Cái câu ông bà thường nói “Làm phước được phước” thể hiện rất đúng với trường hợp của vợ chồng anh tôi. Càng quyên góp từ thiện thì việc làm ăn càng phát đạt, ngoài lãnh vực bất động sản, anh còn có phần hùn lớn trong hai nhà máy xuất khẩu thủy sản có lãi tốt... Tiền anh bỏ ra cho hoạt động từ thiện chẳng mất bao giờ.
Vốn gia đình có truyền thống thờ Phật lâu đời, mẹ tôi là Phật tử thuần thành, lúc còn sinh tiền, mẹ tôi thường dạy dỗ, nhắc nhở anh em chúng tôi về chuyện ăn ở hiền lành, giúp đỡ người gặp hoàn cảnh khó khăn, chuyện đi chùa, tu học. Tôi thì có lẽ do gần gũi mẹ nhiều và có một cuộc đời lắm nỗi chông gai, do đó rất thấm thía cái khổ của kiếp nhân sinh nên thường lui tới chốn thiền môn để nghiên cứu, học tập và thực hành Phật pháp. Còn anh tôi nghe lời mẹ dạy, cũng đến chùa nhưng chỉ hỗ trợ những việc từ thiện chứ không hề quan tâm về chuyện giáo lý hay tu học gì cả. Có lần tôi nói với anh rằng nếu kết hợp việc làm phước và tu tập thì tốt nhưng anh chỉ cười trả lời: “Anh còn phải giao tế, tính toán làm ăn, quy y Phật rồi phải giữ tam quy, ngũ giới, chắc chắn sẽ không thể nào giữ được, thôi để già rồi hãy tính, giờ còn phải lo làm ăn, kiếm tiền”. Nghe anh nói tôi biết dẫu có nói gì đi nữa thì anh cũng không đổi ý, nên chỉ thầm cầu nguyện chư Phật, Bồ-tát hộ trì, tạo nhân duyên lành giúp anh sớm phát tâm tu học.
Rồi thời gian và cuộc sống trôi nhanh, tôi thì vẫn làm ăn chỉ vừa đủ sống, ngày tối quanh quẩn với bệnh nhân và lui tới chùa chiền, còn vợ chồng anh tôi ngày càng ăn nên, làm ra. Làm nhiều, giúp đời nhiều và hưởng thụ cũng nhiều, nhà cửa, xe cộ, tiệc tùng, dạ hội, những chuyến du lịch cao cấp trong và ngoài nước..., một cuộc sống mà bao nhiêu người mơ ước, thèm muốn.
Cứ ngỡ mọi việc đều tốt đẹp mãi, đâu ngờ bệnh nạn chợt đến khiến người trong cuộc và thân tộc đau đớn đến sững sờ. Sau một thời gian đau âm ỉ ở hố chậu trái, thỉnh thoảng đi tiêu ra ít máu, người lại sút cân, vào đầu tháng Bảy âm lịch năm ngoái, anh tôi đi khám bệnh, qua những lần thăm khám chức năng và cận lâm sàng, kết quả cuối cùng là anh bị ung thư đại tràng, cần phải phẫu thuật, điều trị bằng phóng xạ và hóa chất để diệt tế bào ung thư di căn.
Khi anh nhập viện điều trị, anh em, các cháu trong nhà thay phiên nhau phụ giúp nuôi dưỡng vì do hai vợ chồng anh cưới nhau khi tuổi đã lớn nên không có con. Ni sư trụ trì tịnh xá Ngọc Linh dù bận túi bụi việc điều hành tịnh xá vẫn dành hẳn một ngày, thuê xe tốc hành cùng Ni chúng và tôi vượt mấy trăm cây số để thăm anh đang nằm viện. Nhân lúc anh tỉnh táo, Ni sư sau khi thăm hỏi đã khéo léo nhắc nhở anh về phước hữu lậu và vô lậu. Ni sư nói rất ít nhưng chắc anh nhận thức được nhiều vì vốn là người thông minh, học rộng...
Trên đường về, thấy tôi lộ vẻ u buồn, Ni sư an ủi: Không sao đâu, người có tâm và làm nhiều việc thiện như anh cậu, nếu phát tâm tu hành, rất mau có kết quả vì như một cây nghiêng sẵn, khi ngã, chắc chắn sẽ ngã theo hướng nghiêng lúc trước. Tôi trả lời, cũng mong như vậy, với đợt bệnh này, chắc anh ấy không còn hẹn để già mới tu.
Sau đợt phẫu thuật cắt bỏ khối u và những đợt điều trị bằng phóng xạ, hóa chất, sức khỏe anh suy sụp nghiêm trọng, sụt ký, người gầy gò, tóc rụng, da nhăn nheo như một ông lão hom hem, bạn bè, thân tộc ai nhìn vào đều ái ngại xót thương. Đâu còn hình ảnh người lính oai hùng xông trong lửa đạn, mưa bom của giặc thù. Đâu còn dáng vẻ sang trọng của một doanh nhân thành đạt mà chỉ còn lại dáng một người bệnh gầy gò, bước đi liêu xiêu phải có người dìu dắt...
Nhờ phát hiện kịp thời, điều trị bằng phương pháp tiên tiến và thuốc men tốt nhất cộng với ý chí của người lính, và chắc cũng nhờ phước báo của việc làm từ thiện bấy lâu của anh nên gần một năm sức khỏe anh đã phục hồi, chỉ cần tái khám định kỳ để tầm soát tế bào ung thư mà thôi. Khi sức khỏe tương đối ổn định, anh sắp xếp lại công việc làm ăn, giao cho những người tín cẩn phụ trách những việc mà trước giờ anh vẫn ôm lo một mình. Anh dành thời gian nhiều cho việc nghiên cứu kinh sách, băng đĩa Phật pháp và tiếp tục tham gia công tác từ thiện. Chuyến về quê thăm nhà và đến viếng tịnh xá Ngọc Linh hôm nay là chuyến đi xa đầu tiên của anh từ khi ngã bệnh cả năm qua.
Xe về đến nhà, tôi xuống xe, anh không ghé vào nữa vì còn phải trở lên Sài Gòn, đường xa mà trời cũng ngả chiều. Trước khi xe lăn bánh, anh hẹn rằm tháng Mười tới sẽ cùng vợ trở xuống xin quy y Tam bảo ở tịnh xá Ngọc Linh. Tôi đứng nhìn bóng xe chạy hút mắt mới bước vào cổng nhà. Đứa con gái của tôi chạy ra mừng cha về, tôi ẵm con lên và trao cho con bé mấy trái cây tươi, lộc của chùa. Vừa đi vừa nghe con bi bô kể đủ thứ chuyện, tôi chợt nhớ đến một câu nói của người xưa: “Mạc đại lão lai phương niệm Phật/Cô phần đa thị thiếu niên nhơn”. Tạm dịch là: Chớ hẹn đến già mới niệm Phật/ Mồ hoang lắm kẻ tuổi thiếu niên. Thật đúng vô cùng, đâu ai chắc mình có thể sống tới già để mà hẹn, đến già sẽ tu, nên đã là người, ta cần phải lập chí sớm tu hành, cả tu phước lẫn tu huệ, có như thế mới không uổng phí một kiếp được làm người.
Cuộc đời anh tôi là một điển hình của quan niệm chờ đến già mới tu. May mắn là anh còn có cơ hội, kịp thời quay đầu hướng về Phật pháp, một cơ hội không phải ai cũng có được khi án tử của bệnh nan y đã nêu tên.
Nguồn tin: Giác Ngộ
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự