Vậy khi đem rải cứ giữ nguyên hay cần phải thiêu lại cho hóa tro hoàn toàn rồi mới rải? Việc rải tro cốt có cần phải xem ngày, chọn tuổi không? Có phải thực hiện thủ tục pháp lý nào với chính quyền địa phương không? (TRUNG HẢI, trunghai1969@gmail.com)
ĐÁP: Bạn Trung Hải thân mến!
Theo quan điểm Phật giáo, sau khi chết thần thức theo nghiệp tái sinh, còn thân tứ đại (đất, nước, gió, lửa) thì lần lượt trả về cho tứ đại. Tro cốt chỉ là địa đại, tùy theo thời gian và cách thức tống táng mà trở về đất nhanh hay chậm mà thôi.
Hiện nay, hầu hết các tro cốt sau khi hỏa táng đều còn những mẩu vụn nhỏ (xương và các chất khoáng kết tinh tạo thành). Vì những mẩu vụn ấy không đáng kể, lẫn với tro đất nên khi thân nhân làm lễ rải tro cốt thì rải luôn chứ không cần thiêu lại.
Cũng không cần xem ngày tháng hay tuổi tác gì cả, khi nào thích hợp thì gia đình làm lễ rải tro. Lễ rải tro cũng nên tiến hành đơn giản, thỉnh được chư Tăng hộ niệm thì tốt, còn không thì gia đình tự làm. Nếu được, trước khi rải tro gia đình nên tụng một biến kinh ngắn, niệm Phật rồi hồi hướng phước đức cho người mất.
Khi rải tro cần tiến hành chậm rãi, kính cẩn. Quán niệm rằng người thân của mình do tứ đại sinh ra thì nay xin trả về với tứ đại bao la rộng lớn. Tự dặn lòng thân mình rồi đây cũng như vậy, nên cần điều chỉnh thân tâm để sống sao cho thật sự có ý nghĩa.
Những địa điểm như biển, sông, rừng, bãi cát, đất trống… thường được chọn để rải tro cốt. Theo luật pháp hiện hành thì mọi việc lớn nhỏ đều cần trình báo và cho phép của chính quyền địa phương. Riêng việc rải tro cốt, theo ghi nhận của chúng tôi vào thời điểm hiện nay, vì diễn ra nhanh gọn và ở cách xa khu dân cư, cũng không gây ô nhiễm môi trường (như chôn cất) nên hiếu sự này dường như được chính quyền địa phương du di, không phải xin phép.
Chúc các bạn tinh tấn!