Công đức trang nghiêm

Thứ hai - 23/05/2016 14:48
Cách nay hơn 2.500 năm, Đức Phật ra đời trong bối cảnh xã hội Ấn Độ mà người dân phải chịu sự chi phối khắc nghiệt của chế độ tập ấm và luật lệ phân chia quyền hành theo bốn giai cấp.
Mọi người đã bực tức nạn hưởng thụ sa đọa của hàng tu sĩ Bà-la-môn cùng vua quan và bất mãn với sự cai trị hà khắc của luật tập ấm, chà đạp hạng thứ dân, không cho phép họ có cơ hội tiến thân.

Trong tình trạng bất an ấy, Đức Phật đã hiện hữu như một người mô phạm vẹn toàn tài năng và đức hạnh, mang đến niềm hy vọng một ngày mai tươi sáng cho dân chúng thời bấy giờ.

Thật vậy, khi Đức Phật đản sanh, tiên A Tư Đà ở núi Tuyết đã tiên đoán rằng nếu Ngài đi tu, sẽ là đấng Đại giác, nếu làm vua sẽ là bậc Chuyển luân Thánh vương. Chuyển luân Thánh vương trị nước chăn dân bằng đức hạnh, được dân chúng kính yêu, đất nước luôn thái bình, thịnh vượng, vì không có giặc giã, thiên tai.

 Quả đúng như lời dự đoán của Tiên nhân A Tư Đà thọ 120 tuổi tiêu biểu cho người sống lâu, có kinh nghiệm ở đời. Khi Đức Phật giáng sanh đã có những điềm lành đó. Quả thật Ngài chinh phục được thế gian bằng đức hạnh. Không chỉ người bình thường kính phục Ngài, mà các người lãnh đạo đầy đủ quyền uy trong tay như các ông vua vùng Ngũ hà thời đó cũng hết sức nể phục tài đức của Ngài. Đối với họ, Ngài là bậc Thầy, là vua của các vua. Tuy nhiên, Ngài buông bỏ quyền uy tột đỉnh để thăng hoa trên đường Thánh vị, đạt đến quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Bằng kinh nghiệm sống trên lộ trình tiến đến cứu cánh Đại giác mà Đức Phật đã tự thân trải qua và thành tựu viên mãn, Ngài mang ra chỉ dạy cho những người có cùng chí hướng. Nương theo trí tuệ và đức hạnh của Phật, họ cũng được an lạc và phát triển được tri thức, đạo đức.

Không phải chỉ có hàng đệ tử đương thời với Ngài mới tiếp nhận được sự giáo dục cao quý ấy. Sau khi Phật Niết-bàn, kéo dài cho đến ngày nay, trải qua hơn 25 thế kỷ, tư tưởng thánh thiện của Đức Phật vẫn còn là kim chỉ nam cho nhân loại noi theo trên con đường thăng tiến đạo hạnh.

Giáo lý của Đức Phật đã được những người mang chí lớn nối tiếp Ngài truyền bá. Theo con đường hoằng hóa độ sanh của chư vị Tổ sư, tư tưởng Phật giáo đã đến Việt Nam rất sớm, có thể nói vào khoảng đầu Công nguyên. Tuy nhiên, phải đến thế kỷ thứ X, khi vua Đinh Tiên Hoàng thống nhất đất nước, sự đóng góp lợi ích của Phật giáo mới thực sự rõ nét.

Thật vậy, sau khi chấm dứt nạn đô hộ của ngoại xâm ở phương Bắc, tiếp đến là loạn 12 sứ quân; giống như thời kỳ trước khi Đức Phật ra đời, mỗi sứ quân có một phù thủy cố vấn, gây nạn nhiễu nhương khiến nhân dân đồ thán.

Đinh Tiên Hoàng xuất thân là người chăn trâu kết hợp được một số võ biền, đã nhờ thế lực ủng hộ của quần chúng Phật giáo và theo sự chỉ đạo của Pháp sư Ngô Chân Lưu mà thành công trong việc thống nhất giang san. Vì vậy, vừa lên ngôi, Đinh Tiên Hoàng đã sắc phong cho Pháp sư Ngô Chân Lưu làm Khuông Việt Thái sư, một chức tương tự với chức vụ Thủ tướng ngày nay.

Thiết nghĩ, chính tài thao lược và sự đóng góp của Khuông Việt trong sự nghiệp thắng lợi và ổn định đất nước đã đưa Phật giáo lên đỉnh cao, mở đầu cho thời kỳ mà chúng ta thường gọi là thời kỳ vàng son Đinh, Lê, Lý, Trần. Ngoài ra, lực lượng sáng tác văn học trong buổi đầu thời kỳ độc lập, chủ yếu cũng là các nhà sư. Những tác phẩm văn học thành văn của giai đoạn này còn lại đến nay là một số bài thơ chữ Hán của các nhà sư Đỗ Thuận, Ngô Chân Lưu, Vạn Hạnh...

Trong thời Đinh, Lê, Lý, Trần, phải nói ảnh hưởng của Phật giáo phát triển cao độ nhất vào đời Trần. Chắc hẳn chúng ta đều hãnh diện với hình ảnh đặc biệt của Trúc Lâm sơ Tổ, vừa là vua, vừa là nhà sư. Quá trình hành đạo của Ngài không chỉ đơn thuần tham Thiền trong hang động ở núi rừng, mà còn xả thân nơi chiến trường cùng với nhân dân bảo vệ giang san Tổ quốc. Đó là mô hình đặc biệt của Phật giáo Việt Nam qua vai trò siêu tuyệt của vua Trần Nhân Tông, làm vua thì thể hiện uy đức của vị anh minh và làm sư thì rất phạm hạnh, mẫu mực. Tài đức vẹn toàn của vua Trần Nhân Tông được người dân Việt Nam kính ngưỡng, xem Ngài như Phật, nên tôn danh Ngài là Đức Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông.

Trong suốt chiều dài lịch sử hơn 2.000 năm, các bậc tiền bối đã biết thừa hưởng di sản của Đức Phật để tiếp tục thắp sáng ngọn đèn Chánh pháp, tỏa rộng sức sống lợi lạc của đạo pháp cho dân tộc.

Tùy theo nhu cầu của đất nước mà Phật giáo chúng ta nhập thân, hành động theo tinh thần vô ngã vị tha dưới nhiều hình thức khác nhau. Chính sự nhập thân đa dạng của giới Phật giáo đã biểu lộ bản chất tư duy và hành động của giới Phật giáo Việt Nam chưa bao giờ lùi bước trên hành trình xây dựng tương lai tươi sáng của dân tộc.

Ngày nay, chúng ta sống trong thời đại có nhiều điều kiện thuận lợi hơn thời của cha ông. Ngoài việc thừa hưởng được nền văn minh nhân loại và sự thống nhất đất nước, Phật giáo Việt Nam còn đạt đến điểm tốt đẹp mà mọi người hằng mong đợi, đó là sự thống nhất Phật giáo cả nước. Với sự thống nhất này, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) được hình thành trên căn bản pháp lý của một tổ chức tôn giáo, đại diện cho Tăng Ni, Phật tử cả nước.

Sự hiện hữu duy nhất hợp pháp của GHPGVN làm nền tảng cho chúng ta phát triển hoạt động về mọi mặt từ Trung ương đến hạ tầng cơ sở và đã đạt được những thành quả đáng kể.

Thật vậy, trải qua gần 7 nhiệm kỳ, GHPGVN đã hoàn thành tổ chức ở cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đồng thời, công tác Tăng sự được quan tâm đặc biệt ở tất cả các cấp Giáo hội, các Đại giới đàn tôn nghiêm trao truyền giới pháp, góp phần xương minh Phật pháp.

Đặc biệt, năm 2016 là năm GHPGVN đang mở ra một trang sử mới để tổ chức nhiều sự kiện quan trọng như kỷ niệm 35 năm thành lập GHPGVN (1981-2016), tổ chức Diễn đàn Phật giáo quốc tế chào mừng 1 năm Cộng đồng Asean, tiến hành Đại hội đại biểu GHPGVN cấp quận, huyện nhiệm kỳ 2016-2021.

Riêng Phật giáo TP.Hồ Chí Minh cũng khẳng định sự thành tựu các công tác Phật sự trong quá trình hình thành và phát triển, nhất là công tác xây dựng Việt Nam Quốc Tự, một cơ sở Giáo hội có nhiều dấu ấn lịch sử của Phật giáo và dân tộc, sẽ trở thành “Trung tâm văn hóa - hành chánh - tâm linh” của GHPGVN thành phố trong tương lai.

Ngoài ra, một Phật sự vô cùng quan trọng của ngành giáo dục Phật giáo. Sau hơn 2 năm kể từ lễ khởi công xây dựng công trình, đến nay đã hoàn tất giai đoạn 1. Lễ khánh thành Học viện Phật giáo VN tại TP.Hồ Chí Minh thuộc xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh trên diện tích rộng gần 24 mẫu, được tổ chức vào ngày 8-5-2016 (mùng 2-4-Bính Thân).

Có thể khẳng định rằng đây là cơ sở đại học Phật giáo mang tầm vóc quốc tế, là nơi tu học nội trú và là môi trường ứng dụng, hành trì các pháp môn trong đạo Phật, nhằm giúp hàng ngàn Tăng Ni sinh viên có thể sống đời sống đạo đức và trải nghiệm tâm linh theo tinh thần Phật dạy.

Đào tạo Tăng Ni là một trong những nội dung được chư tôn đức giáo phẩm lãnh đạo quan tâm hàng đầu ngay sau khi GHPGVN được thành lập (1981). Cho đến nay, chúng ta có 3 Học viện Phật giáo tại Hà Nội, Huế và TP.Hồ Chí Minh, 1 Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại TP.Cần Thơ, trong đó Học viện Phật giáo VN tại TP.Hồ Chí Minh là cơ sở giáo dục đầu tiên của Giáo hội có chương trình đào tạo sau đại học được sự cho phép của Chính phủ.

Sau lễ khánh thành, Hội đồng Điều hành sẽ sắp xếp cho Tăng Ni sinh lưu trú để chuẩn bị nhập hạ và tiếp tục tu học tại cơ sở này.

Sự kiện này đặt niềm tin về một ngày không xa, nơi đây sẽ diễn ra các hoạt động Phật giáo quốc tế, là nơi tiếp tục đào tạo nhiều thế hệ Tăng Ni có tri thức Phật học, vững chãi trong hành trì và tinh tấn dấn thân phụng sự Phật pháp, đất nước, vì lợi lạc cho số đông.

BTN_0155.JPG
Chư tôn đức giáo phẩm dâng hương trước lễ đài
Phật đản PL.2559 do BTS PG TP.HCM tổ chức - Ảnh: Bảo Toàn

Hân hoan kính mừng Đại lễ Phật đản PL.2560 - DL.2016, Tăng Ni, Phật tử trân trọng và tiếp tục giữ gìn những điểm son đáng quý của cha ông; đồng thời, cần nỗ lực học cho thành tài, tu cho thành đức, để từ đó đạt được trình độ thấy biết như thật. Bấy giờ, dùng tri kiến giải thoát và đức hạnh mà hướng dẫn người, cảm hóa họ sống theo Chánh pháp, xây dựng thế giới an vui ngay tại thế gian này.

Thành tựu như vậy, mới không hổ danh hàng đệ tử Phật cũng như thực hiện được hoài bão của Đức Từ phụ Thích Ca Mâu Ni là “Ngài hiện hữu trên cuộc đời vì lợi ích cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc cho chư Thiên và loài người”.

HT.Thích Trí Quảng

Nguồn tin: Giác Ngộ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây