Tại sao đức Phật chia làm ngũ thừa (5)? Vì căn cơ trình độ của mọi người khác nhau. Để phù hợp cho mọi căn cơ, nên nói có ngũ thừa. Như hiện nay tôi hoằng dương Tổ Sư Thiền, thuộc Tối thượng thừa, cũng có người hoằng dương đại thừa, hoặc trung thừa, hoặc tiểu thừa, nhơn, thiên thừa ... chỉ cần mỗi người theo đúng bổn phận của mình, theo đúng công chỉ của Phật là đủ.
Tôi chỉ chuyên hoằng Tổ Sư Thiền, ngoài ra không biết tới, cũng chẳng thể can thiệp. Sở dĩ nói mạt pháp, vì nghiệp lực của chúng sinh đã là như thế, dẫu cho hằng sa chư Phật, Bồ tát cũng không thể sửa đổi, Phật Thích Ca trở lại cũng chẳng thể sửa lại định nghiệp của chúng sinh.
Đức Phật có ba việc không làm được:
1/ Chẳng thể độ người không có nhân duyên.
2/ Chẳng thể sửa lại định nghiệp của chúng sinh, vì nhân nào quả nấy.
3/ Chẳng thể độ hết chúng sinh.
Cho nên, mọi người cứ làm đúng bổn phận của mình, là tuân theo lời dạy của Phật.
Trong Phật pháp có thất chúng: Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, thức xoa, Sa di, Sa di ni (Năm chúng xuất gia) Ưu-bà-tắc và Ưu-bà-di (Hai chúng tại gia).
Mỗi mỗi đều có bổn phận riêng, cho đến xã hội cũng vậy: Làm cha có bổn phận của người cha, làm mẹ có bổn phận của người mẹ, làm con có bổn phận của người con, làm chồng có bổn phận của chồng v.v... nếu người nào cũng làm tròn bổn phận của mình thì xã hội yên tịnh, thiên hạ thái bình.
Thiền sư Thích Duy Lực
Chú thích:
(1) Tam thừa (三乘, sa. triyāna) là ba cỗ xe đưa đến Niết-bàn, đó là Thanh văn thừa (zh. 聲聞乘, sa. śrāvakayāna), Độc giác thừa (zh. 獨覺乘, sa. pratyekabuddhayāna) và Bồ Tát thừa (zh. 菩薩乘, sa. bodhisattvayāna). Đại thừa gọi Thanh văn thừa là Tiểu thừa (sa. hīnayāna) với sự đắc quả A-la-hán (sa. arhat) là mục đích, độc giác thừa là trung thừa (sa. madhyamāyāna) với quả độc giác Phật. Bồ Tát thừa được xem là đại thừa (sa. mahāyāna) vì nó có thể cứu độ tất cả chúng sinh và hành giả trên xe này cũng có thể đắc quả cao nhất, quả vô thượng chính đẳng chính giác (zh. 無上正等正覺, sa. anuttarasamyaksaṃbodhi).
Cũng có cách phân chia Tam thừa thành tiểu thừa, đại thừa và Kim Cương thừa, được áp dụng để phân loại Kinh điển Phật giáo, thường được thấy trong các tông phái Phật giáo Tây Tạng.
(2) Nhân Thừa: Tu theo nhận thức phổ biến của thế gian là làm lành, lánh dữ, giữ gìn 5 giới: Không sát sinh hại vật, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối hại người, không rượu chè ma túy. Đây là cách tu của hàng cư sĩ tại gia, có thể vẫn còn quan hệ vợ chồng, có con cái. Ngoài ngũ giới, còn có tam quy hay quy y Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng. Tức là đem thân tâm của mình nương tựa vào Phật, Pháp, Tăng để tu tập. Kết quả là được tiếp tục làm người ở kiếp sau.
(3) Thiên Thừa: Cách tu này hướng tới cõi trời. Cõi trời có thọ mạng lâu dài, cảnh giới tốt đẹp hơn cõi thế gian. Tu theo Thập thiện để đạt kết quả là kiếp sau được sinh ra ở cõi trời. Thập thiện là ngoài Ngũ giới của nhân thừa còn bao gồm 5 điều thiện khác: Bố thí; buông bỏ các tập khí tham sân si; không tạo khẩu nghiệp tức là không chửi bới, nói những lời hung ác; không âm mưu hại người lợi mình; buông bỏ tà kiến tức là những tri kiến không đúng.
(4) Ngũ giới: Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu.
(5) Ngũ thừa: Nhân Thừa, Thiên thừa, Thinh Văn thừa, Duyên Giác Thừa, Bồ Tát Thừa, Phật Thừa.