Thực ra, tâm không thể nào tồn tại nếu đối tượng của nó không có mặt. Sự tương tức, tương diệt của tâm thức phải qua sự đối đãi của chủ thể (tâm) và đối tượng (vật). Tâm như khỉ, vì khi đối tượng hiện khởi, qua tiếp xúc trung gian của sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và ý), luôn thay đổi, biến chuyển, nhảy nhót không ngừng nên tâm thức cũng theo đó mà biến chuyển, đổi thay. Bản chất của tâm cũng như sóng và nước. Nước nổi sóng nên gọi là sóng nhưng thực chất là sóng từ nước mà có. Cho nên, bản chất của sóng là nước.
Cũng như bản chất của tâm vốn là thanh tịnh. Nhưng vì do lăng xăng, vọng động quá nhiều nên tâm đã không còn nhận thấy bản chất thật sự của mình! Như câu chuyện, một hôm Đức Phật và các thầy Tỳ-kheo đi khất thực. Sau khi dùng cơm xong Phật ngồi nghỉ tại một gốc cây bên bờ sông. Thầy A-nan bèn ra bến sông múc nước cho Phật uống, nhưng tại bến sông vừa có một đàn bò đi qua nên nước tại đây đều bị đục và dơ, không thể uống được. Thầy trở về thưa với Phật về chuyện nước bị dơ. Phật bảo thầy hãy ngồi chờ. Sau một khoảng thời gian, chất dơ lắng xuống, thầy ra sông múc nước đem về cho Phật uống. Nhân đó Phật dạy: Tâm ta cũng vậy. Khi tâm bị vẩn đục, nhiễm ô, đừng khuấy động, đừng nôn nóng. Hãy bình tĩnh quán sát chúng. Sau một thời gian, tâm sẽ tự động trong sạch trở lại. Như nước trong sông kia bị vẩn đục, nếu để yên những cặn dơ sẽ dần lắng xuống.
Ở Nhật, có nhiều đền với phù điêu tạc hình ba con khỉ. Con thứ nhất lấy hai tay che hai mắt lại, con thứ hai bịt hai lỗ tai thật kỹ, con thứ ba dùng hai bàn tay bụm miệng lại. Một hình thức để diễn đạt ba câu châm ngôn: “See no evils, hear no evils, talk no evils”(Không thấy điều xấu, không nghe chuyện xấu, không nói lời xấu). Còn sở dĩ, dùng hình tượng con khỉ mà không phải là con thú khác là vì khỉ thường hay bắt chước làm theo những gì nó trông thấy. Trong thành ngữ của văn hóa Mỹ cũng có câu: “Monkey see, monkey do” (khỉ thấy, khỉ làm theo) là ám chỉ theo ý trên.
Trong kinh Mi Tiên vấn đáp do Hòa thượng Giới Nghiêm dịch, câu hỏi thứ 179 - Về con gà, có đoạn viết: “Các vị Tỳ-kheo… khi trì bình khất thực trong xóm làng, vào thành phố... tâm các thầy rất tỉnh thức, mắt các thầy rất sáng nhưng cũng phải làm như đui, không thấy, không biết gì hết. Khi giao tiếp với ngũ trần: sắc tướng, âm thanh, khí, vị v.v... các vị Tỳ-kheo giả đui, giả điếc, giả câm v.v... Thật đúng như Đức Đại Ca-chiên-diên (Màhà Kaccàyana) đã dạy: Hành giả tu tập, có con mắt sáng cũng làm như mờ, có lỗ tai tốt cũng làm như điếc, có miệng lưỡi thiện thuyết cũng làm như câm; có sức mạnh, dũng cảm cũng nên làm như kẻ yếu đuối; có sự việc gì xảy ra thì thân tâm đều nằm ngủ yên lặng, như mẹ ru con ngủ vậy”.
Không biết có sự trùng hợp nào giữa hình tượng ba con khỉ nói trên và lời dạy trong kinh Mi Tiên vấn đáp hay không? Nhưng về ý nghĩa, thật rõ ràng là có liên hệ với nhau. Không thấy, không nghe, không nói là một hình thức tu tập để tâm không bị dính mắc, không bị mắc kẹt, đặc biệt là vào những việc tiêu cực, xấu xa hay bất tịnh.
Giống như câu chuyện một người tài xế lái xe taxi tại thành phố New York. Một hôm đang đón khách tại một con đường nọ. Sau khi đón khách xong, anh ta ra dấu xin được lái ra. Bỗng có một chiếc xe chạy ẩu, lạng nhanh giành đường, suýt chút nữa là đụng xe taxi của anh. Người lái xe ẩu kia, thay vì xin lỗi, thốt lời thóa mạ, chửi rủa anh tài xế xe taxi thậm tệ. Nhưng anh tài xế taxi vẫn bình tĩnh, vẫy tay xin lỗi, rồi chạy đi. Người khách đi xe kinh ngạc, hỏi anh tại sao lại bình thản như vậy! Anh tươi cười trả lời: “Tôi lái xe taxi đã mười năm rồi, và ở đây có rất nhiều xe rác lắm. Nếu mình không biết bịt mắt, che tai, không nghe, không thấy thì mình sẽ bị họ đổ rác vào mình. Có lợi ích gì đâu mà phải mang rác của kẻ khác”.
Lan man về chuyện khỉ, vượn thì lại nhớ đã đọc ở đâu đó thuật bẫy khỉ độc đáo của một số nơi trên thế giới. Nói chung, muốn bắt khỉ, người ta dùng một trái dừa để nguyên vỏ và sọ, chỉ khoét một lỗ, vừa đủ lớn cho bàn tay của khỉ vào lọt. Trong ruột dừa người ta trộn những thức ăn mềm và thơm ngon mà khỉ ưa thích như chuối, đường, mía, v.v... Thợ săn mang quả dừa này đến nơi có nhiều khỉ. Họ xích quả dừa vào gốc cây rồi bỏ đi.
Thấy vắng người, bọn khỉ kéo nhau đến chỗ có quả dừa, đi chung quanh xem xét tỉ mỉ mọi sự vật. Khi không có gì khả nghi chúng mới chuyển sang trắc nghiệm quả dừa. Nhận thấy mùi thức ăn phát ra từ bên trong ruột quả dừa, liền thay phiên nhau dòm vào. Khi thấy mọi thứ đều an toàn, một con thử thò tay vào nắm lấy thức ăn. Bỗng nó la lên giãy nãy vì không thể rút tay ra được. Cả bọn thất kinh liền xúm nhau vào cứu bạn. Đứa thì kéo chân con khỉ mắc nạn, đứa thì kéo tay, đứa thì nắm lấy quả dừa cố gắng kéo ra, đứa thì cắn quả dừa, níu dây xích v.v... Nhưng tất cả đều vô vọng, bởi vì con khỉ do bản năng tham lam, quyết không thả nắm tay ra. Sau một lúc cố gắng vô ích, bọn khỉ chán nản, chúng bỏ con mắc bẫy, đang lăn lộn kêu khóc. Chúng tản mạn khắp nơi, đứa lên cây, đứa kêu hú, đứa từ xa nhìn đến ái ngại, thương xót. Rồi thợ săn đến, tay dắt chó, tay cầm lưới, gậy gộc, v.v... Họ trói gô con khỉ bỏ vào lồng, đem đi. Rồi trò cũ lại tái diễn, những con khỉ khác lại tiếp tục đưa tay vào cho mắc bẫy.
Xét câu chuyện trên, con khỉ sở dĩ lâm nạn là do chính nó đã không chịu buông nắm tay ra, nên loài người dựa theo tính năng đó mà chế ra cái bẫy để bắt chúng. Vậy nếu con khỉ có trí khôn, thì nên xét lại mà tự trách mình hơn là oán trách số phận. Phật dạy trong Bốn sự thật cao quý (Tứ diệu đế) thì tham dục, khao khát (tanha) là nguồn gốc của khổ đau. Chúng ta ai cũng có bản năng tham dục là vì bản tính sinh tồn để bảo vệ thân xác và tính mạng của mình, nên muốn từ bỏ nó thật là khó khăn và gian nan. Thế nên, muốn trị căn bệnh tham dục này thì phải uống liều thuốc buông xả.
Buông xả bắt đầu bằng bố thí, học cách cho ra, chớ không muốn ôm vào. Muốn có được diệu dược buông xả chúng ta phải học và thực hành. Sở dĩ cần phải học buông xả vì bản tính này vốn không có trong ta. Nó đi ngược lại bản tính sinh tồn. Khi mình bố thí hay cho ra chúng ta bắt đầu rộng mở trái tim, hay tấm lòng của mình. Trái tim càng rộng mở thì chúng ta càng có thể xả bỏ những ích kỷ, tị hiềm, âu lo, phiền muộn. Tất cả những thứ tiêu cực này đều do tham dục mà ra.
Nói chuyện khỉ mà quên chuyện Tề Thiên Đại Thánh là một thiếu sót lớn. Chúng ta, những người đã từng say sưa theo dõi chuyện Tôn Ngộ Không đại phá các động yêu ma, quỷ quái, dù biết đây là một chuyện hư cấu của Ngô Thừa Ân, nhưng ai cũng công nhận sức hấp dẫn và lôi cuốn của chuyện Tây du ký này. Nhưng gần đây, theo Giáo sư Hà Văn Kiệt, trưởng nhóm nghiên cứu, Tôn Ngộ Không thực chất là một người đàn ông có thật, tên là Thạch Bàn Đà, quê tại thành Tiên Dương, người dân tộc Hồ. Ông có ngoại hình xấu xí, thô kệch, kỳ quái, nên có biệt danh là “Hầu hình nhân”. Tuy nhiên, người dân trong vùng ai cũng yêu quý Thạch Bàn Đà, bởi ông tính tình thực thà, thông minh nhanh nhẹn, võ nghệ cao cường, thường hay cứu mạng dân lành, diệt trừ thú dữ.
Vào năm 629, khi Đường Tăng dừng chân tại vùng Tiên Dương, biết tin Huyền Trang đang giảng kinh, người đàn ông xấu xí này liền tìm tới nghe, rồi được cảm hóa, thấm dần tư tưởng nhà Phật. Ông một người một ngựa, tự nguyện tháp tùng Đường Tăng tới Tây Thiên, cùng sư phụ vượt mọi gian nan, hiểm trở trên đường lấy kinh. (Theo Bách khoa toàn thư mở - Wikipedia)
Tác giả bài viết: Thiện Ý
Nguồn tin: Giác Ngộ
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự