Đọc chú "Vãng sanh" trước khi ăn, được không?

Thứ sáu - 19/04/2013 08:56
HỎI: Tôi là một Phật tử trẻ mới bước vào đạo. Thầy của tôi luôn khuyến tấn ăn chay nhưng hiện tại tôi đang học tại một trường bán trú (ăn cơm trưa tại trường) nên không thể ăn chay được.

Trước khi ăn cơm tôi có đọc thầm bài chú “Vãng sanh” và niệm thầm danh hiệu Phật A Di Đà để cầu siêu cho những sinh vật bị đem làm thức ăn có được không? Có phải là tôi đang gián tiếp tạo nghiệp sát sanh hay tạo nghiệp “thấy người làm ác mà vui theo”?

(BẢO TÂM, khoaitay_love­_thitbo@yahoo.com.vn

ĐÁP:

Bạn Bảo Tâm thân mến!

Thực tập ăn chay đúng cách rất tốt cho sức khỏe và trưởng dưỡng đạo tâm của người Phật tử. Tuy vậy, tùy theo hoàn cảnh của mỗi người mà điều chỉnh hạnh lành này sao cho phù hợp với thực tiễn. Một người Phật tử sau khi quy y Tam bảo luôn được chư Tăng Ni khuyến khích thực hành ăn chay một tháng ít nhất là 2 ngày, nhiều hơn thì càng tốt chứ không hề bắt buộc trường chay. Do vậy, vì hoàn cảnh chưa cho phép thì bạn nên ăn chay mỗi tháng 2 (hoặc 4) ngày thôi, còn những ngày khác thì hãy ăn uống bình thường.

Người Phật tử khi phát tâm giữ giới không sát sinh luôn kiểm soát thân tâm để “không trực tiếp giết hại, không xúi bảo người giết hại, không thấy sự giết hại mà sanh tâm vui mừng”. Như vậy, trong quan hệ nhân-duyên-quả chằng chịt, thì việc không ăn chay của bạn có liên quan đến nghiệp sát sanh của người khác nhưng bạn chỉ “khuyết” mà không “phạm” (dù gián tiếp) giới sát sanh. Cho nên, dù chưa ăn chay được như ý nhưng bạn cũng không nên quá mang nặng mặc cảm tội lỗi về việc ăn uống của mình.

Chính chư Tăng trong truyền thống Phật giáo Nguyên thủy (Nam tông) hiện nay đi khất thực được thí chủ cúng gì thì ăn nấy, không phân biệt chay mặn mà vẫn trọn vẹn với giới luật không giết hại chúng sanh do Đức Phật chế định.

Nên thiết nghĩ, trước khi ăn cơm dù chay hay mặn, bạn không nên đọc thầm bài chú “Vãng sanh” và niệm thầm danh hiệu Phật A Di Đà để cầu siêu mà nên nhiếp tâm thầm niệm danh hiệu Phật Thích Ca (niệm ân Tam bảo), kế đến quán tưởng đến công ơn cha mẹ và tất cả mọi người đã lao nhọc để tạo ra bữa ăn này.

Ăn cơm (hay sử dụng các vật khác) với tinh thần biết ơn sâu sắc và khởi tâm đền đáp mọi người, tri ân cuộc đời bằng sự nỗ lực học tập, lao động chân chính của mình chính là tinh thần chánh niệm trong ăn uống, tiêu thụ hàng ngày của người Phật tử.

Chúc bạn tinh tấn!

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây