Đời mạt pháp nên tu pháp môn nào thích hợp?

Thứ bảy - 12/09/2015 22:36
Nếu chấp vào lời nói, ví như chấp vào tứ cú của Phật: Cú thứ nhất “Có”, cú thứ nhì “Không”, cú thứ ba: “Chẳng có chẳng không”, cú thứ tư: “Cũng có cũng không”. Mà ý Phật là muốn mình lìa tứ cú: hễ chấp “Có” thì Phật nói “Không” để phá chấp, hễ chấp “Không” thì Phật nói “Có” để phá chấp của chúng sinh.
Đời mạt pháp nên tu pháp môn nào thích hợp?
Hỏi: Đời mạt pháp nên tu pháp môn nào thích hợp?
 
Đáp: Theo lời của Tổ Sư cũng như lời của Phật nói: “Nhất thiết duy tâm tạo”, bốn câu kệ trong Kinh Hoa Nghiêm: 
 
若人欲了知,
三世一切人;
應觀法界性,
一切唯心造.
 
“Nhược nhơn dục liễu tri, 
Tam thế nhất thiết Phật,
Ưng quán pháp giới tánh, 
Nhất thiết duy tâm tạo”. 
Chính pháp cũng là duy tâm tạo, mạt pháp cũng là duy tâm tạo, “nhất thiết” bao gồm tất cả pháp, đâu có phân biệt chính pháp hay mạt pháp! Do tâm của mình chấp thật thành có.

Tổ sư Thiền tông nói “Có thể chuyển mạt pháp thành chính pháp”; thượng căn, hạ căn, cũng do tâm chấp thật thành có phân biệt, nên Tổ sư nói “chuyển hạ căn thành thượng căn”.
 
Nói đến mạt pháp hay chính pháp, trước kia khi phát trí huệ, tôi cũng tin rằng trong mạt pháp con người không tham thiền được vì không có nhân tài. Nên trước kia tôi hoằng pháp Tịnh độ, trải qua mười mấy – hai mươi năm, sau đó phát hiện chưa một người nào tu đúng tông chỉ Tịnh độ, tu còn không có, nói chi vãng sinh!
 
* Ngày mùng 2/4/1977 (Đinh Tỵ), Ngài trụ trì chùa Từ Ân (Thiền sư Hoằng Tu) bảo tôi hoằng pháp Tổ sư Thiền, ấy chẳng phải ý tôi muốn, tôi đã từng phát nguyện là chưa kiến tánh thì không thuyết pháp.

Trước đó một ngày, tôi được mời cúng dường tại tịnh xá Giác Huê ở quận 5, Hòa thượng trụ trì lúc cúng ngọ tại chùa Từ Ân tuyên bố với các phật tử rằng ngày mai sẽ có thầy Duy Lực ra hoằng pháp Tổ sư Thiền, lúc đó tôi còn chưa hay biết. Tối đến, Hòa thượng mới thông báo cho tôi biết là sáng ngày mùng 2 phật tử đến nghe pháp.
 
Tôi bất đắc dĩ phải ra hoằng pháp, nhưng còn mang một thành kiến rằng Tịnh độ thích hợp hơn pháp Thiền, nên mỗi ngày tôi đều giảng ba lần về pháp Tịnh độ. Ngày hôm sau, Hòa thượng đến phòng tôi bảo “Đừng nói pháp Tịnh độ nữa mà phải giảng về pháp Thiền; Tịnh độ thì đã nhiều người hoằng dương rồi, nhưng pháp thiền thì chưa có người nào. Mặc dầu vậy, tôi vẫn giảng tiếp pháp môn Tịnh độ trong vài ngày.
 
Tôi hoằng pháp Tịnh độ, vạch rõ đường đi và tăng cường lòng tin cho phật tử, kể các sự tích của Cổ Đức và các vị tu trong thời nay để chứng tỏ, nhưng người nghe vẫn không thực hành, đúng theo tông chỉ của Tịnh độ.
 
Tôi bắt đầu hoằng pháp Tổ sư Thiền, phật tử tham thiền trên năm trăm người, mặc dầu chúng không hoàn toàn chuyên tu tham thiền, nhưng số tiểu ngộ phát huệ cũng có gần trăm người. So sánh với lúc hoằng Tịnh độ gần hai mươi năm, chưa có một người tu đúng tông chỉ, ngược lại khi hoằng pháp Tổ sư Thiền từ mấy năm nay, lại có hơn mấy trăm người thực hành và cả trăm người được phát huệ, thông suốt kinh điển, thì biết pháp nào thù thắng hay không thù thắng, pháp nào thích hợp hay không thích hợp rồi.
 
Thật ra, thù thắng hay không thù thắng, thích hợp hay không thích hợp, đều lọt vào tứ cú. Nghi tình là quét sạch tứ cú thì có gì là thù thắng hay không thù thắng, thích hợp hay không thích hợp?

Hiện nay nhân tài tham thiền rất nhiều, số người tham thiền đã xuất ngoại có mặt ở nhiều nước trên thế giới: Anh, Pháp, Mỹ, Úc, Canada … Vậy nếu hỏi đến pháp nào thù thắng, pháp nào thích hợp thì không biết đâu mà nói, tất cả đều do tâm mình, chứ không thể chấp vào lời của Phật, của Tổ.
 
Nếu chấp vào lời nói, ví như chấp vào tứ cú của Phật: Cú thứ nhất “Có”, cú thứ nhì “Không”, cú thứ ba: “Chẳng có chẳng không”, cú thứ tư: “Cũng có cũng không”. Mà ý Phật là muốn mình lìa tứ cú: hễ chấp “Có” thì Phật nói “Không” để phá chấp, hễ chấp “Không” thì Phật nói “Có” để phá chấp của chúng sinh. Lúc Phật nói “Có” ý Phật chẳng phải là có, lúc nói “Không” ý Phật chẳng phải không, nếu chấp vào lời nói là nghịch với ý, nên Tổ Sư Thiền tông thí dụ như “con chó và con sư tử”.
 
Có người liệng ra một cục xương, con chó liền đuổi theo cục xương, còn sư tử chẳng màng đến cục xương mà cắn ngay người đó. Con người dụ cho Tự tánh, cục xương dụ cho lời nói của Phật, của Tổ; hễ hướng về lời nói của Phật, Tổ mà ngộ ấy là con chó, hướng về Tự tánh mà ngộ mới là sư tử.

Phật muốn mình làm con sư tử chứ không muốn mình là con chó, chớ nên đuổi theo lời mà chấp là thật. Lời nói ấy là khai thị cho người ngộ vào tự tánh, trong Kinh Pháp Hoa nói “Khai thị ngộ nhập tri kiến Phật”, khai thị chẳng phải để ngộ nhập cái khai thị, mà là nhờ khai thị ngộ nhập tự tánh của mình. Thế thì không cần biết thù thắng hay chẳng thù thắng , thích hợp hay chẳng thích hợp, tất cả đều do tâm của mình, do lòng của mình vậy.
 
Thiền sư Thích Duy Lực (Khai thị Thiền thất năm 1983 tại Từ Ân thiền tự, quận 11, Tp.HCM).

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây