Đức Phật nhà lãnh đạo tài ba

Thứ sáu - 19/07/2013 12:31
Một nhà lãnh đạo phải là một người mẫu mực, là một người mà chúng ta có thể tôn trọng và noi theo. Đức Phật đã từng thanh lọc bản thân trải qua rất nhiều kiếp, thực tập sáu ba-la-mật.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Đức Phật thường được diễn tả là một trong những nhà lãnh đạo tài ba nhất của mọi thời đại. Tuy nhiên, những gì tạo nên đặc tính của một nhà lãnh đạo giỏi? Trách nhiệm và phẩm chất của một nhà lãnh đạo giỏi gồm những gì? Và chúng ta có thể học tập những gì từ đức Phật với tư cách là một nhà lãnh đạo tài ba để có thể vận dụng vào trong xã hội nhiễu nhương mà chúng ta đang sống.
 
Nhà lãnh đạo có tầm nhìn sâu rộng
 
Giống như thuyền trưởng của một con tàu, một nhà lãnh đạo phải có mục đích rõ ràng, chỉ khi đó họ mới có thể vẽ ra lộ trình của mình và lái con tàu đi đúng hướng. Từ bỏ những quyền lợi của nếp sống vương giả, từ bỏ hoàng gia và sự phú quý, Thái tử Tất đạt đa hướng đến một mục đích là tìm ra nguyên nhân của sự đau khổ và con đường thoát khổ. Mặc dù phải trải qua nhiều gian nan, khó nhọc và lắm phen thất bại, nhưng thái tử đã không thay đổi hành trình của mình, Ngài kiên định cho đến khi đạt được sự giác ngộ. 
 
Tuy nhiên, đức Phật đã không dừng lại ở đó, Ngài tiếp tục thực hiện chí nguyện hướng dẫn cho tất cả chúng sinh thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử khổ đau. Chính tầm nhìn này đã định hình 45 năm thuyết pháp của Ngài và cấu thành vị thế của Ngài trong vai trò một vị lãnh đạo tăng đoàn và quần chúng phật tử, một đoàn được thể duy trì và hiện vẫn đang phát triển.   
 
Với tâm nguyện này, sứ mệnh của đức Phật là cứu độ tất cả chúng sinh. Sứ mệnh này được hình thành dựa trên nền tảng của tình thương yêu và lòng bi mẫn đối với tất cả chúng sinh, không phân biệt chủng tộc, tín ngưỡng, hay địa vị xã hội. Khi chỉ dạy nhóm đệ tử đầu tiên của mình, đức Phật dạy rằng, hãy đi và truyền dạy giáo pháp vì sự lợi ích và hạnh phúc của nhiều người.

Ở phương diện này, đức Phật là một nhà cách mạng, Ngài thể hiện lòng can đảm phi thường trong việc biện hộ cho sự giải phóng con người thoát khỏi sự phân biệt bốn giai cấp trong xã hội Ấn Độ cổ đại, trong việc không chấp nhận giai cấp Bà-la-môn là giai cấp có thẩm quyền tối cao trong xã hội và trong việc chấp nhận cho nữ giới tham dự vào đoàn thể Tăng già.

 
Nhà lãnh đạo làm mẫu người lý tưởng
 
Một nhà lãnh đạo phải là một người mẫu mực, là một người mà chúng ta có thể tôn trọng và noi theo. Đức Phật đã từng thanh lọc bản thân trải qua rất nhiều kiếp, thực tập sáu ba-la-mật. Ngài thật là phi phàm! Ngài luôn giữ đức hạnh và chính chắn trong mọi ý nghĩ, lời nói và hành động. Lời nói và việc làm của Ngài luôn thống nhất với nhau. Chính sự thống nhất và kiên định này đã tạo được niềm tin sâu sắc nơi hàng đệ tử.
 
Với tư cách là nhà lãnh đạo, đức Phật lãnh đạo bằng cách nêu gương, đời sống giản đơn và khiêm tốn của Ngài chính là sự phản ánh về những lời Ngài đã dạy. Trong sinh hoạt hàng ngày, đức Phật không bao giờ phí phạm thời gian trong những chuyện phù phiếm hay lười nhác.

Trong 45 năm, Ngài dồn thời gian và công sức của mình vì lợi ích của mọi người, bắt đầu một ngày từ lúc bình minh và làm việc cho đến nửa đêm. 

 
So sánh Ngài với những vị lãnh đạo khác trên thế giới, những người sống trong những biệt thự sang trọng trong khi một nữa dân số thế giới thì đang phải gánh chịu sự nghèo khổ và đói kém, chúng ta sẽ hiểu tại sao nhiều người than vãn về sự thiếu vắng những nhà lãnh đạo giỏi trong thời đại của chúng ta. Trong lời khuyên của Ngài dành cho những nhà cầm quyền thời bấy giờ, đức Phật nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự lãnh đạo theo tinh thần của chính pháp. 
 
Một nhà cầm quyền trước tiên phải là một người hiếu thảo và chính trực, tránh xa tất cả những sự trụy lạc. Vương quyền và quyền lực cai trị phải đi kèm với sự cai trị đúng đắn, không phải là sự cai trị cưỡng chế. Sau đây là mô hình lý tưởng của sự lãnh đạo dựa trên những giá trị đạo đức, đức Phật đã nhấn mạnh đến 10 nguyên tắc mà một nhà cầm quyền cần phải có, đó là: 1. Bố thí, cúng dường; 2. Sống theo các chuẩn mực đạo đức (giữ giới hạnh); 3. Sống vị tha; 4. Liêm chính; 5. Hòa nhã; 6. Tự tiết chế; 7. Không sân hận; 8. Không bạo động; 9. Kiên nhẫn; 10. Cởi mở và tiếp thu ý kiến, quan điểm của người khác.
 
Nhà lãnh đạo làm người trung gian hòa giải 
 
Trong vai trò một nhà lãnh đạo, đức Phật thể hiện cả hai khả năng hòa giải và phán xét công minh trong việc đánh giá. Trong chuyện tiền thân Ummagga, làm Hoàng tử Mahausadha, Bồ-tát (tiền thân của đức Phật) đã thể hiện khả năng của mình trong việc giải quyết những rắc rối và những bất hòa. Trong vai trò một người cố vấn cho vua, Ngài đã thể hiện tài trí của mình trong việc bảo vệ nhân dân. 
 
Đức Phật đã thể hiện khả năng của mình trong việc giải quyết những mâu thuẫn giữa hai phe chống đối trong những trường hợp nghiêm trọng. Có một lần, sự tranh chấp diễn ra giữa những người thuộc dòng họ Thích Ca - bên nội của đức Phật, và dòng họ Koliya - bên ngoại của đức Phật. Hai bên tranh chấp với nhau và không đi đến một sự thỏa thuận về việc phân phối nguồn nước của sông Rohini. Hai bên đang đứng trên bờ vực của một cuộc chiến tranh khốc liệt. Đức Phật đã làm lắng dịu sự tranh chấp bằng câu hỏi: “Quý vị xem cái gì có giá trị hơn, mạng người hay nước?”.
 
Nhà lãnh đạo làm người quản lý
 
Đức Phật là một nhà quản lý nguồn nhân lực tuyệt vời. Với sự hiểu biết sâu sắc về con người, Ngài biết rõ những thế mạnh cũng như những nhược điểm của những người xunh quanh Ngài. Dựa trên những đặc điểm nổi bật của họ, đức Phật phân ra làm 6 nhóm người:
 
1. Những người đầy tham vọng và sự đam mê
2.  Những người đầy thù hận và ghen ghét
3. Những người đầy si mê
4. Những người trung thành và tự tin
5. Những người thông minh và sáng suốt
6. Những người luôn do dự và hoài nghi
 
Đức Phật giao phó nhiệm vụ cho đệ tử của mình tùy theo khả năng và tính khí của từng người. Hơn nữa, Ngài bày tỏ sự cảm kích bằng cách dành cho họ sự tôn trọng thích đáng và ghi nhận công lao của họ. Những người huấn luyện khả năng lãnh đạo cho những nhà quản lý nên học thêm về sự tôn trọng này ở đức Phật để có thể phát triển nguồn lao động có hiệu quả. 
 
Nhà lãnh đạo đóng vai trò người bảo vệ
 
Trong những chuyện tiền thân của đức Phật, có rất nhiều câu chuyện về lòng dũng cảm của Bồ-tát và tinh thần hy sinh cao cả nhằm bảo vệ những quyền lợi của tập thể. Trong chuyện tiền thân Mahakapi, trong một tiền kiếp về trước, Bồ-tát là con vượn đầu đàn của một đàn vượn sống trong những ngọn núi ở Hymalaya. Một hôm, vua của vương quốc ấy dẫn tùy tùng đi săn trong rừng xoài và sai đám lính tấn công đàn vượn. Để giúp cả đàn thoát khỏi sự tấn công của đám lính, Bồ-tát dùng một số cây tre nối lại với nhau để làm cây cầu nhằm cho đàn vượn có thể nhờ đó mà qua được bên kia bờ sông. Không may là những cây tre bị ngắn. 
 
Để bắc cầu đến bờ sông bên kia, Bồ-tát phải vươn mình ra, một đầu nắm chặt vào bờ sông và một đầu nắm vào phần cuối của đoạn cầu tre để cho đàn vượn leo qua trên lưng của mình. Trong đàn vượn có một con tên Devadatta vốn ganh ghét Bồ-tát, nhân thấy kẻ thù của mình đang ở trong tình thế không thuận lợi, nên nó đã cố tình dẫm thật mạnh lên lưng của Bồ-tát khi mà Bồ-tát đang lấy thân làm cầu cho nó đi qua. Mặc dù đau đớn vô cùng nhưng Bồ-tát vẫn nắm chặt vào những dây tre cho đến khi con vượn ấy qua sông được an toàn. Đức vua tận mắt nhìn thấy sự dũng cảm và hành động vị tha của con vượn, vua đã ra lệnh cho đám tùy tùng nâng con vượn xuống khỏi cây và cố gắng cứu chữa cho chú vượn. Vua hỏi chú vượn: Tại sao lại dám mạo hiểm tính mạng để cứu những con vượn khác như thế? Bồ-tát đáp lại: “Thưa đức vua, quả thật thân thể tôi rất đau đớn, nhưng tâm tôi vẫn yên tĩnh. Tôi nâng đỡ những người mà nhờ họ tôi mới có thể thực tập sức mạnh của sự nhẫn nhục cho mình trong thời gian dài”.
 
Sau khi Bồ-tát qua đời, đức vua tạo lập một miếu thờ để vinh danh tinh thần hy sinh cao cả của Bồ-tát và ra lệnh dâng cúng phẩm vật cho Bồ-tát mỗi ngày.
 
Một khía cạnh khác mà ở đấy đức Phật thực tập vai trò của một người bảo vệ thể hiện qua việc những lời đức Phật dạy được chuyển tải đến với tất cả mọi người, trong bốn chúng đệ tử của đức Phật - tăng, ni và nam nữ cư sĩ phật tử.

Tuy nhiên, việc trở thành thành viên của bốn chúng đệ tử không phải quá tùy tiện. Trong khi điều này có thể khiến cho nhiều người phê bình rằng đức Phật là người gây khó khăn.

Song, đức Phật đặt ra những điều lệ trong việc cho phép một người trở thành thành viên của cộng đồng Phật giáo không phải vì ý thích cá nhân của Ngài mà là vì để bảo vệ cộng đồng Phật giáo khỏi phải bị những thế lực trục lợi và xấu xa lợi dụng và nhằm đảm bảo cho cộng đồng Phật giáo được tồn tại lâu dài. Đức Phật còn đưa ra những chuẩn mực, những điều luật, những nguyên tắc, đặc biệt là những giới luật, để bảo vệ sự lành mạnh và trật tự trong cộng đồng Phật giáo.

 
Nhà lãnh đạo làm người chỉ đường   
 
Trong suốt 45 năm thuyết pháp độ sinh, nhiều đệ tử của Phật đã đạt được sự giác ngộ sau khi nghe những lời dạy của Ngài và thực tập theo. Hơn 2.500 năm sau, đức Phật vẫn tiếp tục tạo cảm hứng cho hàng triệu người trên khắp thế giới đi theo con đường mà Ngài đã chỉ dạy. Những vấn đề được nêu ra trên đây là những vai trò quan trọng của đức Phật để Ngài trở thành một nhà lãnh đạo tài ba, người có thể tạo cảm hứng cho người khác để họ làm sống dậy những gì tốt đẹp nhất trong bản thân họ, để phát triển toàn diện những tiềm năng của họ và đạt đến đích Niết bàn tối thượng.

Nguồn tin: www.citehr.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây