Khi các bạn đồng tu thấy vậy thì trách, cho rằng tôi làm như thế là bất kính với kinh sách, sẽ bị quả báo. Với tôi, kinh sách tôi vẫn kính trọng và giữ gìn cẩn thận, không hề có ý bất kính. Tôi không biết làm như vậy có đúng không? (THIÊN TRÚC, minhphuongpham89@gmail.com)
ĐÁP: Bạn Thiên Trúc thân mến!
Ngày xưa, khi ngành in ấn chưa phát triển, có được kinh sách là phước duyên hy hữu, quý hóa vô cùng. Thời ấy, người ta giữ kinh “như giữ tròng con mắt”, ai để kinh Phật bị dơ bẩn, hư hại, mối mọt, thất lạc là mang tội lớn.
Ngày nay, kinh sách được in ấn với số lượng khá lớn, với nhiều thể loại và kích cỡ. Có những pho kinh Phật được in ấn với số lượng vừa phải nhưng rất trang trọng, bề thế, tôn nghiêm, khá đắt đỏ và quý hiếm. Bên cạnh đó còn có nhiều kinh sách, nhất là các kinh phổ thông và những thể loại sách Phật giáo, được thiết kế và in ấn theo thị hiếu và thị trường với các đặc tính nhỏ, gọn, mỏng, không bền, rất phù hợp và tiện dụng cho người đọc.
Với sự đa dạng của kinh sách như vậy, thiết nghĩ người sử dụng cần phát huy tinh thần tùy duyên để có ứng xử phù hợp. Với các pho kinh sách quý (đại tạng hay kinh bộ), chúng ta chỉ tụng đọc mà thôi, giữ gìn cẩn trọng. Nếu cần ghi chú thì nên sử dụng sổ tay để ghi chép chi tiết chương, mục, trang, dòng, từ, để tiện cho việc tra cứu, trao đổi, học hỏi.
Còn đối với các kinh sách dạng tài liệu học tập, nghiên cứu, dù chúng ta luôn kính trọng nhưng vẫn có thể đánh dấu, gạch chân, bôi màu để tiện lưu tâm, chú ý; giúp cho việc tìm hiểu giáo pháp dễ dàng và thuận lợi hơn. Cho nên không hề mang tội bất kính hay bị quả báo đối với trường hợp này. Xét cho cùng, đọc kinh (bằng phương cách riêng của mỗi người) nhằm hiểu đúng lời Phật dạy rồi ứng dụng tu học mới thực sự kính trọng kinh Phật nhất.
Chúc các bạn tinh tấn!