Khi khó khổ quá anh hãy niệm Phật nghe!

Thứ bảy - 29/04/2017 12:56
Tôi đến với Phật pháp không theo mô-típ truyền thống, từ khi có chút hiểu biết về đạo Phật đến ngày quy y Tam bảo khá lâu và gian nan. Đọc nhiều sách đến nỗi có biệt danh là “mọt”, song suốt thời học phổ thông chưa từng đọc dù một chữ, lời Phật. Ngày tôi có bạn gái, cô ấy tin Phật sâu sắc, và cho dù vô thường, chia tay, lời cô ấy dặn vẫn đọng lại: Khi khó khổ quá, anh hãy niệm Phật nghe!
Đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ và luôn thực hành theo lời dặn: “Khi khó khổ quá, anh hãy niệm Phật nghe!”
Đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ và luôn thực hành theo lời dặn: “Khi khó khổ quá, anh hãy niệm Phật nghe!”

Rồi tôi may mắn được đọc những quyển kinh sách cũ, song nội dung hấp dẫn, một chân trời đầy mới mẻ đã mở ra. Sau đấy, đọc nhiều trước tác của Sư ông Thích Thanh Từ, giản lược và đại chúng hóa kinh điển, khiến sự nhập môn thuận lợi hơn, tôi đã có chút hiểu biết về đạo. Biết đạo rồi, tôi thường niệm Nam-mô A Di Đà Phật. Thấy trong tâm thư thái, an tịnh, khoáng đạt khó diễn tả bằng ngôn từ.

Mưu sinh, theo nghề khoan giếng nước ngầm, tôi được giao quản lý đội khoan rong ruổi khắp một vùng đồng bằng rộng lớn. Dù không trực tiếp khuân vác, vận hành giàn khoan nhưng trăm thứ việc không tên của người quản lý: mua sắm vật tư, hợp đồng và thu tiền, tạm ứng cho công nhân, giao tế để ăn ở, giải quyết những xích mích trong đội, đối phó với muỗi mòng… cũng đủ khiến tôi mệt nhoài.

Một lần tôi “săn” được một hợp đồng gián tiếp. Một chủ ghe hàng trên sông giới thiệu cho một nhà bà con có nhu cầu khoan giếng, chỉ cách đội chúng tôi đang ở chừng mười mấy cây số, đã thỏa thuận xong giá cả cùng với đặc điểm của giếng khoan và vật tư! Tôi mừng vì không dễ có một hợp đồng gián tiếp ngon như vậy. Mừng vậy song lo cũng nhiều. Tin người chủ ghe hàng vì họ thiệt tình tốt bụng chân chất nhưng gián tiếp, nói miệng vậy biết có chính xác không, đường đi cũng chưa rõ, lại gặp lúc có xích mích với tay kỹ thuật, rồi bên chủ nhà liệu có hiểu hết hợp đồng không… Lo lắm!

Lúc cả đội lên đường đi mà chưa biết rõ nơi đến, ngồi trên ghe mà thắt ruột. Tiếng máy nổ ầm ầm, hai bên sông rặng đước xanh ngắt, tôi ngồi nín thinh ở mũi ghe. Chỉ biết là chỗ đấy, chỗ đấy có cái nhà như thế, bến sông như thế, vậy thôi. Thời đó không có điện thoại di động để hỏi thăm nên chỉ căng mắt quan sát, tìm kiếm mà nhận diện “mục tiêu”. Lo quá, sao gần tám chín cây số rồi mà không thấy chút nào có đặc điểm giống như chủ ghe hàng dặn dò. Nhìn ánh mắt lạnh lùng của tay kỹ thuật cùng cả đội mình trần đen cháy, tôi run. Rủi có chuyện gì, làm sao ăn nói, bù công cán, vật tư, xăng dầu, chắc chết!

Chợt nhớ lời cô bạn gái, tôi bắt đầu niệm Phật thầm trong tâm, mãnh liệt, nhất tâm; chỉ niệm thôi, không khấn vái cầu xin gì hết. Tiếng Nam-mô A Di Đà Phật tuôn trào trong tôi như dòng nước chảy xiết bên dưới. Tôi cũng không biết mình niệm được bao lâu. Rồi tôi bỗng nhìn thấy trên dòng kênh cuồn cuộn chảy rộng mênh mang hướng về Cà Mau, bên tay phải, một mái nhà, một bến nước có gốc mắm thiệt lớn xum xuê đúng như người chủ ghe đã nói. Tôi vui mừng ra hiệu: Dừng lại!

Khi tiếng máy nổ còn ầm ầm sau lái, tôi vội nhảy lên bờ, vào nhà. Cả gia đình “bên B” đang chờ, mừng húm bắt tay. Chính xác, không thể tin được! Thở mạnh, trút lo lắng nặng trĩu trong lòng, nhìn tay kỹ thuật khắc tinh cùng anh em khuân vác máy móc, vật tư lên bờ, lòng khoan khoái lạ. Thật... nhiệm mầu, trải nghiệm ấy tôi không bao giờ quên. Bạn cứ tưởng tượng xem: giữa vùng sông rạch lạ hoắc đầy mắm sú đước vẹt, dòng chảy ngoằn ngoèo, nhà cửa cất tứ tung không theo quy cách nào cả, làm sao nhận diện được chính xác điểm đến chỉ qua vài mô tả?

Đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ và luôn thực hành theo lời dặn: “Khi khó khổ quá, anh hãy niệm Phật nghe!”. Vẫn biết, mỗi người có cách nhìn riêng về các sự vật hiện tượng. Nhưng tôi rất tin vào sự nhiệm mầu khi nhất tâm niệm Phật, hiệu ứng tâm linh sẽ có, như đã xảy ra vào ngày hôm ấy...

Nguyễn Thành Công

Nguồn tin: Giác Ngộ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây