Kinh nói khác nhau mà không mâu thuẫn hay trái ngược

Thứ bảy - 17/10/2015 20:32
HỎI: Tôi đang tu theo pháp môn Niệm Phật (A Di Đà) rất tinh tấn. Vừa rồi có một người bạn giới thiệu kinh Bố-tra-bà-lâu (kinh Trường A-hàm, số 28, Thích Tuệ Sỹ dịch), trong kinh có đoạn: “Hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn, chủ trương ở một nơi thế gian chỉ có hoàn toàn lạc.
Kinh nói khác nhau mà không mâu thuẫn hay trái ngược

Ta nói với vị ấy rằng: Các ông có thật chủ trương ở một nơi thế gian chỉ có hoàn toàn lạc chăng? Những vị ấy trả lời Ta rằng: Thật vậy. Ta lại nói với họ rằng: Các ông có thấy, biết một nơi thế gian chỉ có hoàn toàn lạc không? Họ trả lời: Không thấy, không biết.

Ta lại nói với họ: Chư Thiên ở một nơi thế gian chỉ có hoàn toàn lạc; các ông đã từng thấy chưa? Kia đáp: Không biết, không thấy. Ta lại hỏi: Chư Thiên ở một nơi thế gian kia, có bao giờ các ông từng cùng đứng ngồi trò chuyện, tinh tấn tu định chưa? Đáp rằng: Chưa. Ta lại hỏi: Chư Thiên ở một nơi thế gian hoàn toàn sung sướng kia, có bao giờ đến nói với các ông chưa, rằng: Việc làm của ngươi chất trực, ngươi sẽ sanh lên cõi trời hoàn toàn sung sướng kia. Ta do việc làm chất trực, nên được sanh lên kia cùng hưởng thọ dục lạc? Kia đáp rằng: Chưa.

Ta lại hỏi: Các ông có thể ở nơi thân của mình, khởi tâm biến hóa thành thân tứ đại khác, thân thể đầy đủ, các căn không khuyết, hay không? Kia đáp: Không thể. Thế nào, Phạm chí, những điều mà Sa-môn, Bà-la-môn kia nói có thành thật chăng? Có thích ứng với pháp chăng? Phạm chí bạch Phật: Đấy không phải là thành thật; không phải là lời nói đúng pháp”.

Khi đối chiếu với kinh A Di Đà tôi thấy có sự mâu thuẫn, gần như ngược nhau hoàn toàn. Rất mong quý Báo giải thích để tôi an tâm tu học theo pháp môn đã chọn. 

(NGỌC LINH, ngoclinhteo81@gmail.com)

ĐÁP: Bạn Ngọc Linh thân mến!

Kinh Bố-tra-bà-lâu ghi lại cuộc đối thoại giữa Đức Phật và Phạm chí Bố-tra-bà-lâu về nhiều vấn đề thuộc triết học và tâm học. Đoạn trích trên liên hệ đến các vấn đề như: “Ngã và thế gian là thường hằng, cho đến, Như Lai không phải có tận cùng không phải không có tận cùng…” và đó là “những câu hỏi Như Lai không trả lời”. 

Theo bản kinh, Đức Phật không trả lời: “Vì chúng không phù hợp ý nghĩa, không phù hợp pháp, không phải phạm hạnh, không phải vô dục, không phải vô vi, không phải tịch diệt, không phải chỉ tức, không phải Chánh giác, không phải Sa-môn, không phải Nê-hoàn (Niết-bàn)”. 

Phật xác quyết: “Ta trả lời về Khổ đế, về Khổ tập, Khổ diệt, Khổ xuất yếu đế. Vì sao vậy? Vì phù hợp nghĩa, phù hợp pháp, là phạm hạnh sơ thủ, là vô dục, vô vi, tịch diệt, chỉ tức, Chánh giác, Sa-môn, Nê-hoàn. Vì vậy Ta trả lời”.

Như vậy, nhằm giúp Phạm chí Bố-tra-bà-lâu thoát khỏi các kiến chấp như “ngã và thế gian thường hằng” cũng như ra khỏi huyền đàm vô ích kiểu “Như Lai không phải có tận cùng không phải không có tận cùng”, Đức Phật đã chỉ ngay cái cứu cánh mà các Phạm chí hằng tin tưởng “ở một nơi thế gian chỉ có hoàn toàn lạc” để họ tự sáng tỏ. Tin vào một nơi mà mình thực sự không biết, không thấy, không gặp, không thực chứng thì “không phải là thành thật; không phải là lời nói đúng pháp”. Ý của Đức Phật muốn khai thị cho Phạm chí là nói suông về “ở một nơi thế gian chỉ có hoàn toàn lạc” không có lợi ích gì cả, mà hãy trở về thực tại tu tập mới có thể chứng đắc và thấu suốt các vấn đề trên.

Ý nghĩa của đoạn kinh đã nêu (trong kinh Bố-tra-bà-lâu), khi so với kinh A Di Đà, thực sự thì không có gì mâu thuẫn cả. Kinh A Di Đà miêu cả cảnh giới Tịnh độ, Cực lạc là y báo, và muốn đạt được y báo thù thắng ấy thì cần hoàn thiện và trang nghiêm chánh báo như niệm Phật nhất tâm bất loạn.

Người tu Tịnh độ, cầu vãng sanh Cực lạc không hề nói suông mà phải “kiến thiết” Cực lạc ngay nơi tâm mình. Miệng niệm Phật hiệu, tâm quán tưởng cảnh giới Cực lạc, thân làm các hạnh lành để hồi hướng phước báo trang nghiêm. Rõ ràng, đường về Cực lạc của người tu Niệm Phật rất rõ ràng, phải có công phu tu tập miên mật và sâu dày, không phải là mong cầu “ở một nơi thế gian chỉ có hoàn toàn lạc” của Phạm chí mà Đức Phật nói đến.

Mặt khác, người tu Niệm Phật cầu sanh Cực lạc nhưng khi vãng sanh về đó rồi thì chỉ mới đạt điều kiện cần “bất thối chuyển”, muốn đạt điều kiện đủ “giải thoát tối hậu” cần phải tu tập nhiều nữa để thể nhập Tự tánh Di Đà. Cực lạc chỉ là phương tiện, chưa phải là cứu cánh, nên nguyện sanh Cực lạc không rơi vào chấp thường như ngoại đạo Phạm chí. Vì vậy, bạn cứ yên tâm niệm Phật theo nhân duyên của mình.

Chúc bạn tinh tấn!

Nguồn tin: Giác Ngộ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây