Nghĩ về hạnh nguyện ngài Địa Tạng

Thứ hai - 15/08/2016 20:14
Mỗi khi mùa Vu lan về, ai cũng thầm gọi đó là mùa Báo hiếu, mùa làm nhiều việc thiện lành. Rằm tháng Bảy trong tiết trời u u minh minh của mưa rả rích dễ làm lòng người thổn thức, soi rọi về mình, an trú lại với tánh chân thật, trong veo.
Nghĩ về hạnh nguyện ngài Địa Tạng

Ai còn diễm phúc được cài những đóa hồng đỏ lên ngực áo mẹ cha thì hạnh phúc xiết bao! Lúc ấy hai vị Phật của ta luôn an trú trong niềm an lạc mỗi bước chân vào đời của con. Dẫu con có lớn khôn hay già trăm tuổi thì vẫn mãi non thơ trong mắt cha mẹ, trong lòng hai vị Phật tại gia ấy sừng sững như núi Thái, cuồn cuộn như biển Đông, mênh mông không ngằn mé tình yêu thương cho đi không một ý niệm nào khác hơn được cho, được thấy, được nghĩ, được làm để các con bình an, hạnh phúc…

Mùa Vu lan chúng ta lại thường nghe bản kinh Vu lan bồn hoặc kinh Địa Tạng Bồ-tát bổn nguyện và trong gió, trong mây, trong mưa ấy nghe diệu hạnh của Tôn giả Đại hiếu Mục Kiền Liên, đó là bậc đại hiếu tử, là hạnh lành mà mãi muôn đời những người con như chúng ta phải huân học và hành theo hạnh của ngài. Tiếng kinh ai trì chiều mưa nghe như có giọt lệ tử sinh từ vô lượng kiếp đang rìn rịn trên trang kinh. Giọt lệ bi cảm, trải tâm với muôn vạn chúng sanh để từ đó nương tâm lành rốt ráo chân như.

Và trong tôi đang ngân lên chắc thật, sâu dày hạnh nguyện của ngài Địa Tạng Vương Bồ-tát: “Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật. Chúng sanh độ tận, phương chứng Bồ-đề”. Có nghĩa là: “Địa ngục chưa trống không, tôi thề không thành Phật. Chúng sanh độ hết rồi, tôi mới chứng Bồ-đề”. Hạnh nguyện ấy bao la trùm khắp cả hư không pháp giới, thử hỏi có bi nào như thế, có từ nào hơn thế chăng?! Nhưng để đem ra so sánh hạnh nguyện của các vị Bồ-tát thì thật là khập khiễng, vô minh. Bởi mỗi vị đi vào cõi Ta-bà uế trược này đều đem một vị thuốc phù hợp “giải độc” tham sân si cho căn cơ của mỗi chúng sanh.

Từ một hạnh hiếu cứu mẹ khỏi cảnh ngạ quỷ, địa ngục của ngài Mục Kiền Liên, chúng ta thấy hạnh hiếu được ngài Địa Tạng nhân rộng khắp chúng sanh. Bởi trong muôn loại ảnh hình chúng sanh quá khứ, hiện tại và vị lai cũng đều từng là thân bằng quyến thuộc với ta. Họ hoặc là cha mẹ ta hoặc là anh chị ta, hoặc là vợ chồng với ta, hoặc là con cái với ta nên sinh tâm yêu thương thì lửa địa ngục sẽ bớt đi, cảnh khổ sẽ ít dần cho đến khi dập tắt hẳn.

Mỗi khi chắp tay kính lễ chư Phật và Bồ-tát, trong tôi lại sừng sững dáng Tăng của ngài U minh Giáo chủ Đại hùng, Đại lực, Đại từ, Đại bi Bổn tôn Địa Tạng Vương Bồ-tát. Vị Bồ-tát dung chứa tất cả đại địa. Tâm của ngài như đất mẹ nuôi dưỡng hạnh lành cho tất cả yêu thương nở hoa, nở nụ cười, nở tình thương và dập tắt lửa si, sân, tham trong mỗi chúng sanh để từng bước vào con đường an lạc.

Đất ư? Chúng ta giẫm đạp, cày xéo và có khi làm bóc tróc nhưng đất vẫn hoàn đất, vẫn là chân đế vững chãi để nâng đỡ chúng ta, là nơi lưu trú an toàn cho mỗi chúng sanh. Một niệm lành thì đất nở hoa, một niệm ác thì đất khô cằn. Nói như vậy mới thấy tâm ý của chúng ta vi tế, thay đổi khôn lường. Nó có thể thiện, nó có thể ác và nếu gặp mưa pháp thấm nhuần thì đất ấy sẽ được chuyển hóa, tâm như đại địa ấy ban rải một tình cảm cao rộng dày chắc để cho mỗi chúng sanh đều có thể trở về với bản tánh trong sáng của chính mình. Ngài Địa Tạng từ vô thỉ kiếp cho đến hôm nay vẫn lưu trú Ta-bà để dõi mắt dìu dắt chúng sanh thoát khỏi mé bờ sinh tử, thoát khỏi địa ngục đau khổ do mê lầm. Trong đất là kho báu quý mà nếu mỗi chúng ta biết trân quý, bảo tồn thì sẽ gặp lại kho báu ấy vậy.

Tinh thần, hạnh nguyện “Địa là dày chắc, Tạng chứa đủ” ngày thêm tỏa sáng từ sự kiên nhẫn mà Bồ-tát Địa Tạng muốn cứu độ hết chúng sanh. Vậy nhưng chúng ta vẫn ỷ lại, vẫn ngó lơ hoặc như có biết thì cũng khi tinh tấn lúc thoái lui, tâm bay nhảy, tâm chưa chịu về lại ngôi nhà trong thân nên thân mọc đầy rêu vô minh, chấp chặt ấy xoay vòng sáu nẻo luân hồi đau khổ trong biển ái sinh tử.

Chợt nhớ lại lời nhắc của một thiện tri thức hôm gặp nhau cà-phê bên bờ sông lộng gió, vị ấy nói: “Trên bước đường tu, chúng ta càng nên dè dặt. Sự dè dặt ấy phát khởi từ thân, miệng và ý. Nếu không dè dặt thì tâm ý buông lung, con khỉ - con ngựa trong ta nó nhảy chồm chổm trong cõi vô minh mà cứ vui cười hạnh phúc ngỡ đang được hút chút ít mật đọa lạc trong chén Ta-bà lại nghĩ là cam lồ vị”.

Mưa ngoài hiên vẫn không thôi rơi. Tháng Bảy vẫn rả rích nỗi niềm âm dương hạnh ngộ. Trong khoảnh khắc ấy tôi nhớ lời huynh trưởng từng nói xa xăm rằng: “Nào, ta hãy nương theo tích trượng phá tan địa ngục vô minh trong tâm thức mình, đi để mà tới nhận lãnh lại ngọc ma-ni tròn vìn mà vô tình hoặc cố tình nhiều đời trôi lăn ta đã để viên ngọc ấy bám đầy sình bụi, nó khuất lấp, giờ đã đến lúc và phải mạnh mẽ cơi nó, để thấy được tự tánh sáng ngời của mỗi chúng ta vậy”.

Đạo tràng râm ran câu kinh tháng Bảy. Đạo tràng đang đi theo hạnh nguyện của đạo hiếu, đạo yêu thương tất thảy chúng sanh. Niệm danh hiệu ngài Địa Tạng để nối bước chân Bồ-đề tâm mà Ngài đã chỉ dẫn. Và như vậy trong tôi mọc lên những đóa hoa như đã từng hoa. Thật vậy, trên bước đường tu, mỗi hành giả phải không ngừng đắp bồi hạnh nguyện Bồ-đề của mình thì mới mong gạt bỏ, cắt dứt dần dần cái ngã vô minh, ích kỷ, vì mình bao đời nay vậy! 

Trần Huy Minh Phương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây