Người sắp lâm chung nên để ở bệnh viện hay ở nhà?

Thứ năm - 23/11/2017 16:51
Qua hai quan niệm nhân quả báo ứng và luân hồi, chắc chắn các phật tử lúc sinh tiền phải lấy đó làm chuẩn mực mà tu hành thật nghiêm túc, giữ giới tinh chuyên, quyết tâm lánh xa điều ác, làm các việc lành, thì khi lâm chung mọi việc đều qua. Trong vòng một niệm pháp giới thanh tịnh, nghiệp lực thanh tịnh thì “bất đọa địa ngục”, không phải vướng bận vào quy luật thời gian liễu sinh thoát tử.
Người sắp lâm chung nên để ở bệnh viện hay ở nhà?
HỎI: Con có đọc một số bài viết về vấn đề Chết, Tái Sinh, Luân Hồi nhưng vẫn còn quá nhiều thắc mắc. Theo như con được biết khi người vừa qua đời, mọi người khuyên trong 8 tiếng đầu tiên là lúc thần thức chuẩn bị thoát ra khỏi cơ thể thì không nên đụng vào cơ thể. Tuy nhiên, rất nhiều người bệnh trong thời gian cận tử nghiệp ở bệnh viện thì cả một đội ngũ y bác sĩ phải làm hết sức để cứu họ, gia đình xung quanh than khóc, kêu gọi. Như vậy có ảnh hưởng đến vấn đề tái sinh của người ấy không? Thêm vào đó, nếu mất ở bệnh viện thì phải chuyển xuống nhà xác ngay lập tức và chuyển vào phòng lạnh chờ điều tra giải phẫu nếu có chuyện hoặc chờ người nhà hoàn tất thủ tục. 
 
Vậy thưa Sư người sắp mất nên để ở bệnh viện hay để ở nhà và có nên chuyển vào phòng lạnh không? Nếu để ở phòng lạnh thì có ảnh hưởng gì cho vấn đề cận tử nghiệp và việc tái sinh của họ?
 
ĐÁP:
 
1. Nhân quả báo ứng

Nói về nhân quả báo ứng, luân hồi, như chúng ta đã biết, nghiệp duyên chịu quả báo luân hồi thật đa dạng phong phú vô cùng. Chúng sinh vô biên, thì pháp Phật độ sinh cũng vô biên, nghiệp báo luân hồi khổ đau sẽ kéo dài vô cùng tận, nếu chúng sinh không có tâm giác ngộ, dừng lại tất cả các ác duyên.
 
Hành trình nhân quả trải qua ba đời: nhân quá khứ, quả hiện tại, nhân hiện tại, quả vị lai. Cái kết quả của “nhân tạo nghiệp” đến với chúng sinh và con người, nhà Phật gọi là báo ứng. Như trong kinh Địa Tạng, quyển Thượng, phẩm thứ Ba, Quán chúng sinh nghiệp duyên, đức Bồ tát Địa Tạng thuyết giảng:
 
Như có chúng sinh chẳng hiếu thảo với cha mẹ, cho đến giết hại cha mẹ, làm thân Phật bị thương chảy máu, khinh chê ngôi Tam bảo, chẳng kính Kinh điển, cũng phải đọa vào Vô Gián địa ngục, trong nghìn muôn ức kiếp không khi nào ra khỏi được.
 
Hoặc có chúng sinh trộm cắp những tài vật lúa gạo, đồ ăn uống y phục, v.v... của thường trụ, cho đến không cho mà lấy một vật, kẻ đó phải đọa vào Vô Gián địa ngục trong ngàn muôn ức kiếp không lúc nào mong ra khỏi được”.
 
Nói về địa ngục Vô Gián đó, giáp vòng ngục thành hơn tám muôn dặm, thành đó thuần bằng sắt cao đến một muôn dặm. Lửa cháy trên thành không có chỗ nào hở trống. Trong ngục thành đó có các nhà địa ngục liên tiếp nhau đều có danh hiệu sai khác.
 
Riêng có một sở ngục tên là Vô Gián. Ngục này châu vi muôn tám nghìn dặm, tường ngục cao một nghìn dặm, toàn bằng sắt cả. Lửa cháy hừng hực suốt trên suốt dưới. Trên tường ngục rắn sắt, chó sắt, phun lửa đuổi nhau chạy bên này sang bên kia.
 
Trong ngục có giường rộng khắp muôn dặm. Một người thọ tội thời tự thấy thân mình nằm đầy chật cả giường, đến nghìn muôn người thọ tội cũng đều tự thấy thân của mình nằm chật cả trên giường. Ðó là do vì những tội nghiệp đã tạo ra nó cảm thấy như thế.
 
Lúc thế giới này hư hoại thời sinh nhờ qua địa ngục ở thế giới khác. Lúc thế giới khác đó hư hoại thời lại sinh vào cõi khác nữa. Lúc cõi khác đó hư hoại thời cũng xoay vần sinh vào cõi khác. Ðến khi thế giới này thành xong thời sinh trở về thế giới này. Những sự tội báo trong ngục Vô Gián như thế đó…
 
2. Luân hồi
 
Theo Phật giáo thì luân hồi là lộ trình từ nhân đến quả tái sinh là một sự báo ứng tự nhiên của mọi hành động. Mỗi hành động đều có những phản ứng dội lại cho hành động gây ra.
 
Con người phải trải qua nhiều kiếp cho đến khi chịu đủ sự trả quả tương xứng về những gì mình đã làm và không tạo nên nghiệp xấu thì mới mong được tới cõi an lạc, nơi mà Phật giáo gọi là cõi Niết bàn. Những ai phạm điều xấu, ác thì khi chết phải đọa vào địa ngục và chịu những sự xử phạt công minh.
 
Phật dạy có mười nghiệp dữ (sát sinh, trộm cắp, dâm dật, tham muốn, tức giận, si mê) đối lại với mười nghiệp dữ có mười nghiệp lành (không giết hại, không tham lam trộm cắp, không giận hờn, không mê muội...). Nếu khi sống tạo nghiệp ác thì khi chết phải chịu luân hồi tái sinh vào thân phận kẻ chịu khổ đau vì phải trả cái nghiệp xấu ấy. Nếu khi sống tạo nghiệp lành thì khi chết sẽ luân hồi đầu thai vào thân xác mới có đời sống sung sướng tốt lành hơn. 
 
Nói tóm lại tất cả những gì mà bản thân đang phải trải qua ở hiện tại chính là kết quả của những nghiệp gì mà kiếp trước bản thân đã làm. Và tất cả những gì mà hiện tại bản thân hành động thì đó sẽ là cái nghiệp được tạo lập trong hiện tại để có nghiệp báo ở tương lai tức là sư báo ứng của việc mình làm.
 
Qua hai quan niệm nhân quả báo ứng và luân hồi, chắc chắn các phật tử lúc sinh tiền phải lấy đó làm chuẩn mực mà tu hành thật nghiêm túc, giữ giới tinh chuyên, quyết tâm lánh xa điều ác, làm các việc lành, thì khi lâm chung mọi việc đều qua. Trong vòng một niệm pháp giới thanh tịnh, nghiệp lực thanh tịnh thì “bất đọa địa ngục”, không phải vướng bận vào quy luật thời gian liễu sinh thoát tử.
 
Đạo Phật quan trọng ở chỗ: “Hộ niệm cho người sắp trút hơi thở cuối cùng phải thật kỹ lưỡng, không được đụng chạm, vì chạm nhẹ thì lưu luyến, khóc lóc tiếc thương thì ái sinh, chạm mạnh làm cho đau đớn thì niệm sân sinh khởi, hoặc lúc bị đưa vào nhà xác, phòng lạnh không có người trợ duyên “niệm Phật” thì si sinh khởi…”. Luận chứng này dành cho người phật tử, người có tu hành khi lâm chung.
 
Với người không phải phật tử, không tu hành, cả đời làm ác thì khi lâm chung, chuẩn bị kỹ lưỡng bao nhiêu cũng vẫn bị nhân quả báo ứng, luân hồi thôi các bạ̣n ạ!
 
Hòa thượng Thích Giác Quang

 Từ khóa: lâm chung

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây