ĐÁP:
Bạn Ánh Dương thân mến!
Nhân quả là nói tắt của tiến trình nhân-duyên-quả. Nhân là tác nhân chính, duyên là những nhân phụ, quả là kết quả. Ngoài nhân, duyên có vai trò cực kỳ quan trọng, chi phối mãnh liệt đến việc hình thành quả. Thực tế có vô số tiến trình nhân-duyên-quả đang vận hành, những tiến trình nhân-duyên-quả khác nhau này lại luôn tương tác, chi phối lẫn nhau; làm nhân, làm duyên, làm quả cho nhau để tạo ra thiên biến vạn hóa. Nhân quả theo Phật giáo là những mối quan hệ đa tuyến, đan xen điệp điệp trùng trùng, là điều không thể nghĩ bàn.
Vì thế, nếu hiện đời bạn giết một chú chó, tạo ác nghiệp sát sinh thì có thể ngay đời này, đời kế sau hoặc nhiều đời về sau mới có quả báo. Quả báo ấy rất đa dạng, có thể bạn bị oan gia báo oán, có thể vô tình bị đoạt mạng, có thể bị đau ốm bệnh tật triền miên, có thể bị tai này nạn kia nhưng không ảnh hưởng gì nhiều đến thân mạng hay sức khỏe, v.v và v.v... Đó là chưa nói đến vô số các việc thiện ác khác mà bạn đã làm trong đời (các đời trước nữa) sẽ vận hành cùng tương tác lẫn nhau tạo ra vô lượng chuỗi nhân-duyên-quả tốt xấu khác nhau, vô cùng vô tận.
Như vậy, có nhân thì chắc chắn có quả. Nhưng quả ấy thế nào còn tùy thuộc vào duyên. Nếu hiện tại tạo được nhiều duyên lành (tu tập, tạo phước…) thì có thể chuyển hóa phần nào (hoặc gần hết) các nhân ác trong quá khứ. Điều cần lưu ý là những định dạng nhân quả theo chiều hướng đơn tuyến (như bạn ví dụ, kiếp trước người này giết chó rồi kiếp sau con chó ấy giết lại người này, rồi tiếp tục theo nhau oan oan tương báo) đều không đúng như thật với vận hành nhân-duyên-quả đa tuyến, trùng điệp của Phật giáo.
Nhân quả trong các câu chuyện hay các truyện tích Phật giáo phần lớn hướng đến việc giáo dục đạo đức, có tính phổ biến, nên thường triển khai theo nguyên tắc “nhân nào-quả nấy”, nhằm giúp cho người đọc dễ khái quát về nhân quả, thực sự đó chỉ đúng một phần nhỏ so với triết lý nhân-duyên-quả của Phật giáo.
Chúc bạn tinh tấn!
Nguồn tin: Giác Ngộ
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự