ĐÁP: Nữ hay Nam cũng là chúng sanh, cũng mang thân vô thường bất tịnh, ô uế khổ đau như nhau, không sai không khác, còn phân biệt sạch hay nhơ dành cho Nam và Nữ là ý tưởng của thời đại xa xưa, phong kiến “trọng nam khinh nữ”.
Người Phật tử xưa thờ Phật có khác, tôn trí đức Phật trong trang, rồi treo lên cho cao đến gần nóc nhà, mỗi lần dâng hương, cúng nước phải bắt cây thang leo lên tận nơi mới cúng được, thật là mất công sức, khi về già khó mà leo thang dâng hương cúng nước Phật nữa, nếu nhờ con cháu thì cũng không xong, một là chúng lười biếng, hai là trèo cao té nặng.
Tại sao người xưa thờ Phật, bố trí “trang thờ” thật cao ? Chỉ vì sợ người nữ trong nhà khi có bất tịnh (kinh nguyệt) làm ô uế Đức Phật! Đứng về góc độ thế gian, đó là lễ giáo của người Á đông, nhất là lễ nghi khuôn thước trong giáo pháp nhà Phật.
Tuy nhiên, đứng về góc độ xuất thế gian nếu còn chấp giữ “nhơ và sạch”, thì khó mà hiểu lý “Phật độ đời”, cũng như trong kinh Pháp Hoa, phẩm Đề Bà Đạt Đa, nói Long Nữ hóa thân Nam rồi thành Phật. Hay nói đến các hóa thân của Phật Mẫu bên Mật tông làm sao có cơ sở đắc đạo, độ thiên hạ, chúng sanh.
…Chư vị Sa di ni, Tỳ kheo ni, cùng các Ưu bà di ở gần đều sinh hoạt tại chùa, cùng các phụ nữ tu hành hằng ngày làm bạn với kinh sách, tượng Phật và các pháp vật khác của nhà chùa, từ xưa đến nay chưa từng thấy ai bị tai họa bởi vấn đề xung khắc do kinh nguyệt gây ra cả. (trích Phật học quần nghi của HT Thánh Nghiêm)
Năm 1970, đang tu học Phật pháp tại Quan Âm tu viện, Sư đọc được quyển “Lá thư Tịnh độ” của Ấn Quang đại sư, bản dịch HT Thích Thiền Tâm, nội dung giáo hóa tuyệt vời.
Ngài nói: Nữ nhân khi sanh nở thường đau đớn chẳng kham nổi, nếu mấy ngày chưa sanh rất có thể bị mất mạng. Lại có người sanh xong bị băng huyết, đủ mọi nỗi nguy hiểm, và con cái mắc chứng kinh phong chậm hay gấp, đủ mọi nỗi nguy hiểm. Nếu nhằm lúc sắp sanh, hãy chí thành khẩn thiết niệm ra tiếng rõ ràng “nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát”, chớ nên niệm thầm trong tâm, bởi niệm thầm tâm lực nhỏ, nên cảm ứng cũng nhỏ. Lại do lúc ấy dùng sức đẩy đứa con ra, nếu thầm niệm thì rất có thể do bế khí mà thành bệnh. Nếu chí thành khẩn thiết niệm chắc chắn chẳng bị đau đớn, khó sanh và băng huyết sau khi sanh, đứa con mắc các chứng kinh phong v.v… Dẫu cho khó sanh đến tột bậc, người đã sắp chết, hãy nên dạy sản phụ ấy và những người chăm sóc chung quanh đều cùng niệm Quán Thế Âm ra tiếng, người nhà dẫu ở phòng khác cũng đều có thể niệm, chắc chắn công phu chưa đến một khắc liền được an nhiên sanh nở. Ngoại đạo chẳng hiểu lý, cố chấp vào một pháp cung kính, chẳng biết căn cứ vào sự để luận lý, đến nỗi những bà cụ niệm Phật coi sanh nở là chuyện đáng sợ, dẫu là con gái ruột, con dâu cũng chẳng dám nhìn đến, huống là dám dạy họ niệm Quán Âm ư? Phải biết Bồ Tát mang tâm cứu khổ, lúc sắp sanh tuy lõa lồ, bất tịnh, nhưng là chuyện không thể nào tránh được, chứ không phải là do cố ý luông tuồng, chẳng những “niệm Quán Âm khi ấy” không có tội lỗi gì, mà lại còn gieo được đại thiện căn cho cả mẹ lẫn con. Nghĩa này đức Phật dạy trong kinh Dược Sư, chứ không phải là ý kiến ức đoán của tôi, chẳng qua tôi chỉ đề xướng mà thôi!
Lại nữa, nữ nhân từ mười hai, mười ba tuổi cho đến bốn mươi tám, bốn mươi chín tuổi đều có bất tịnh (kinh nguyệt). Có kẻ nói “trong lúc bất tịnh (có kinh) không được lễ bái, trì tụng!” Lời ấy chẳng thông tình lý. Người bất tịnh (có kinh) ngắn ngày thì hai ba ngày là hết, có người kéo dài đến sáu bảy ngày mới hết. Người tu trì ắt phải niệm niệm không gián đoạn, lẽ đâu vì một tật nhỏ trời sanh ấy để rồi bỏ bê việc tu trì ư?
Nay tôi nói: Trong lúc bất tịnh (có kinh), chỉ nên lễ bái ít hơn (nên ít lễ bái, chứ không phải là tuyệt đối chẳng được làm lễ), niệm Phật, tụng kinh đều theo như lệ thường. Nên thường thay vải dơ (băng vệ sinh). Nếu tay sờ vào vải dơ, hãy nên rửa sạch, chớ dùng tay đã chạm đồ dơ để lật kinh và thắp hương.
Phật pháp thì pháp nào cũng viên thông, ngoại đạo chỉ chấp vào lý ngoài rìa. Người đời đa phần chỉ tin lời ngoại đạo, chẳng biết đến chánh lý trong Phật pháp. Vì thế, khiến cho hết thảy đồng nhân chẳng thể được nhuần thấm lợi ích nơi pháp (trích Lá thơ Tịnh độ - tác giả Ấn Quang đại sự - Năm Dân Quốc thứ 21 - 1932)
Ở đây vì để bảo trì lòng tôn vinh Đức Phật, tôn kính trọng thị những nơi trang
nghiêm thờ phượng cao quý, nên dù thân nam hay thân nữ mà nhơ bẩn, cấu uế,
tất cả cũng đều không đến trước cửa Phật, bàn thờ Phật được.
Xuôi về quá khứ, một ngày nọ Đức Phật đi hóa duyên khất thực cùng với chư đệ tử. Giữa đường gặp “Bà Lão nghèo” gánh phân. Vừa nhìn thấy, Đức Phật liền đi nhanh về hướng Bà Lão, Bà sợ quá vội vàng trốn vào buội cây để Đức Phật không thấy. Nhưng lúc bấy giờ, Đức Phật vẫn đi nhanh đến với Bà, Bà run sợ quá và nói:
- Thân con gánh phân mướn nhơ bẩn quá, Ngài đến gần, con sẽ mang tội
Đức Phật nói: - Không có tội, kiếp trước của Bà Lão là mẹ của Ta
Các đệ tử nghe nói liền suy nghĩ, nhưng không dám nói nên lời với Phật.
Phật dạy các môn đệ dẫn Bà Lão nghèo về tịnh xá Kỳ Viên tắm rữa cho sạch sẽ, dạy cho Bà tu hành, Bà chứng quả A la hán (Phật học Tinh hoa- Thu Giang Nguyễn Duy Cần)
Qua các câu chuyện trên, chúng ta thấy việc nhơ hay sạch, uế hay tịnh là do tâm tưởng, tâm chúng sanh không trong sạch, tức không có tĩnh thức, không tĩnh thức thì Phật không thị hiện, không bao giờ đến với Đức Phật. Ngược lại Đức Phật lúc nào cũng ở trong lòng chúng ta và mọi người.
Tác giả bài viết: HT Thích Giác Quang
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự