Trên thực tế, Tịnh
độ cũng là pháp môn dựa trên nền tảng tự lực. Hành giả tu Tịnh độ phải dùng tự
lực để cầu tha lực, nếu không có tự lực thì không thể có tha lực, vì thế sự nỗ
lực tinh tấn của bản thân hành giả trong việc hành trì Tín, Nguyện, Hạnh là điều
chính yếu.
Niềm tin phải kiên cố, không mảy may nghi ngờ, không gì lay chuyển được; phát nguyện vãng sinh phải chân thành, tha thiết, ý chí không lung lạc; sự trì niệm danh hiệu Phật phải siêng năng tinh tấn không gián đoạn. Nếu niềm tin yếu ớt, sự hành trì không tinh chuyên, chí nguyện vãng sinh không kiên cố vì còn tham đắm trần duyên thì khó có thể vãng sinh.
Ngoài mục đích vãng sinh, pháp môn Niệm Phật còn nhiều lợi ích khác. Niệm Phật
là gieo chủng tử Phật vào tâm thức, niệm Phật là tu tập chánh niệm, niệm Phật
là thực hành thập thiện, niệm Phật có thể tiêu trừ phiền não, nghiệp chướng,
tăng trưởng công đức phước báo, niệm Phật giúp thành tựu chánh định (tam muội)…
Tuy nhiên không thể vãng sinh Cực lạc nếu như chỉ niệm Phật (Hạnh) mà không có niềm tin về thế giới Cực lạc và Đức Phật A Di Đà, không có niềm tin mình có thể vãng sinh (Tín), hoặc không có mong muốn, không có chí nguyện sinh về Cực lạc (Nguyện), có nghĩa là niệm Phật không đầy đủ ba yếu tố Tín, Nguyện, Hạnh. Còn một điều quan trọng nữa là, nếu như sự hành trì Tín, Nguyện, Hạnh mà không chuyên cần và bị gián đoạn thì cũng khó thành tựu vãng sinh.
Cần lưu ý đến những điều kiện vãng sinh, kinh A Di Đà, Đức Phật dạy: “Này Xá Lợi Phất, chẳng thể dùng chút ít thiện căn, nhân duyên phước đức mà được sinh về nước đó (Cực lạc). Xá Lợi Phất, nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nghe thuyết về Đức Phật A Di Đà, bèn chấp trì danh hiệu (hành trì pháp môn niệm Phật, nhớ nghĩ và xưng niệm danh hiệu A Di Đà Phật), hoặc một ngày… cho đến bảy ngày, nhất tâm bất loạn, thì khi người đó mạng chung, Đức Phật A Di Đà và Thánh chúng hiện ra trước mắt, người đó lúc lâm chung tâm không còn điên đảo, liền được vãng sinh cõi nước Cực lạc”.
Theo lời kinh nói trên, chỉ có chút ít thiện căn, nhân duyên phước đức thì không thể về thế giới Cực lạc, mà cần phải có sự hành trì tu tập. Điều đó có nghĩa là không phải làm phước thật nhiều thì sau khi chết có thể vãng sinh về thế giới Cực lạc, mà cần phải tu tập, hành trì pháp môn Niệm Phật, phải phát nguyện vãng sinh đồng thời cần phải tu tạo thật nhiều công đức phước báo để trợ duyên cho chánh nhân niệm Phật, như quy y Tam bảo, hộ trì Chánh pháp, biết nhẫn nhục, trì giới (tối thiểu là năm giới của người Phật tử), bố thí, phóng sinh, làm lợi lạc tha nhân v.v… Đây là những điều mà các hành giả Tịnh độ cần lưu ý.
Pháp tu niệm Phật là cách hành trì chính yếu của người tu Tịnh độ. Nhưng niệm Phật như thế nào để có thể vãng sinh? Phải niệm đến nhất tâm bất loạn. Điều kiện hết sức quan trọng mà Đức Phật nói trong kinh A Di Đà là phải niệm Phật đến nhất tâm bất loạn (tâm niệm Phật chuyên nhất, không tạp niệm, loạn tưởng). Đây là điều kiện tối cần. Hành giả niệm Phật đến khi nào nhất tâm bất loạn thì lúc lâm chung Đức Phật A Di Đà và các Thánh chúng hiện ra trước mặt. Nếu niệm Phật đến nhất tâm bất loạn thì tâm kiên cố không dao động, ác nghiệp không thể tác động, chi phối, tâm hành giả không điên đảo vọng tưởng thì khi mạng chung tức khắc vãng sinh.
Để đạt được trạng thái nhất tâm, hành giả cần buông bỏ các duyên, chuyên tâm niệm Phật. Tùy nhân duyên phước báo và sự hành trì mà mỗi hành giả thành tựu mau hay chậm, ít hay nhiều. Có thể hành giả là người đã tu niệm Phật nhiều đời rồi, nay lại tiếp tục hành trì nên mau chóng thành tựu. Có thể hành giả là người có nhiều công đức phước báo nên việc hành trì thường gặp thuận duyên, dễ nhiếp tâm và mau chóng thành tựu. Có thể hành giả là người ít tâm cấu nhiễm, ít phiền não nhiễm ô, ít điên đảo vọng tưởng, nên dễ thành tựu.
Từ đó cho thấy Tịnh độ là con đường tự lực chứ không phải là tha lực, dù muốn
vãng sinh về Cực lạc cần sự tiếp dẫn của Đức Phật A Di Đà chứ không thể dùng
thần thông hoặc nhờ vào phước báo. Nhưng chính sự nỗ lực tinh tấn hành trì Tín,
Nguyện, Hạnh và tu tạo nhiều công đức phước báo mà hành giả có được sự cảm ứng
đạo giao bất khả tư nghì, được tiếp dẫn vãng sinh về Cực lạc.
Người tu Tịnh độ phải thấy rõ điều này để không có tâm niệm ỷ lại vào tha lực mà khinh suất việc hành trì, cho rằng hễ có niệm Phật thì sẽ được Phật rước. Phải biết niệm Phật như thế nào và cần có những trợ duyên gì. Dĩ nhiên người tu Tịnh độ phải có niềm tin về thế giới Cực lạc và Đức Phật A Di Đà, tin rằng hễ niệm Phật nhất tâm thì chắc chắn được vãng sinh, nhưng không phải chỉ tin (Tín) là đủ mà cần phải hành trì (Hạnh), thành tâm phát nguyện sinh về thế giới Cực lạc (Nguyện).
Người tu pháp môn Tịnh độ phát nguyện vãng sinh tối thiểu phải thọ trì năm giới, tu mười điều thiện, cao hơn nữa là Tam tụ tịnh giới; vừa thọ trì giới pháp, luật nghi, sống đạo đức, phạm hạnh, đi theo con đường của bậc Thánh vừa làm lợi ích chúng sinh, thực hành tâm hạnh của chư Phật, Bồ-tát. Giữ tịnh giới trong quá trình hành trì Tín, Nguyện, Hạnh chính là thực hành đời sống đạo đức, phạm hạnh của bậc Thánh làm chánh nhân vãng sinh Tịnh độ.
Kinh Quán Vô Lượng Thọ dạy: “Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm
chẳng sát hại, tu thập thiện nghiệp là chánh nhân tịnh nghiệp của chư Phật ba
đời”. Nếu hành giả tu Tịnh độ trong lúc niệm Phật mà trong tâm vẫn còn giận hờn,
ghét ghen, đố kỵ, tham lam bỏn sẻn, nhiều ham muốn… thì khó có thể nhiếp tâm
tịnh niệm; nếu còn sử dụng những chất gây say làm lu mờ tâm trí, những chất
kích thích gây tán tâm loạn tưởng, nếu không dứt trừ nghiệp nghiện ngập thì
không giữ được chánh niệm tỉnh giác…
Tóm lại, nếu miệng niệm Phật mà tâm còn phiền não bời bời, ba nghiệp thân, khẩu, ý không được chuyển hóa thì không thể nào đạt được trạng thái nhất tâm. Nên việc thọ trì tịnh giới và tu tập các thiện pháp, tạo nhiều công đức phước báo sẽ giúp cho hành giả tu Tịnh độ mau đạt được thành tựu trong hành trì.
Hành trì pháp môn Tịnh độ (niệm Phật, phát nguyện vãng sinh, trì giới và tu tạo
công đức phước báo, làm lợi ích chúng sinh) cần giữ mức đều đều, chuyên tâm bền
bỉ, không nên lúc thì quá siêng năng tinh tấn, lúc thì lười biếng giải đãi. Cần
liên tục không gián đoạn, không nên niệm Phật năm bảy ngày lại nghỉ hai ba
ngày, khi vui thì niệm, khi buồn thì không. Không nên hôm nay phát tâm, ngày
mai nản lòng thối chí.
Cần buông bỏ các duyên bên ngoài: vui chơi đàn đúm, rượu chè cờ bạc, tụ tập hý luận, đùa giỡn bỡn cợt, nói lời vô ích, bàn tán chuyện tốt xấu, dở hay của thiên hạ; suốt ngày bận rộn chuyện ăn ngon mặc đẹp, trau chuốt tấm thân, bận rộn việc làm giàu, khuếch trương sự nghiệp, danh vọng vì tư dục, vì lòng tham muốn của bản thân. Không nên để mình bị ràng buộc, chi phối bởi việc nhà cửa, việc làm ăn, bận bịu làm ảnh hưởng đến sự tu tập.
Quan trọng hơn nữa là buông bỏ các duyên bên trong: ý niệm thị phi hơn thua
phải trái, ân oán tình thù; những lo nghĩ chuyện nhà cửa, tài sản sự nghiệp,
chồng vợ, con cháu, bạn bè, thân bằng quyến thuộc. Nếu buông bỏ mọi việc bên
ngoài mà trong tâm vẫn còn ý niệm bám víu, nắm giữ, luôn bận tâm lo nghĩ đến
thì việc buông bỏ bên ngoài chẳng ích gì; vì thế cần buông bỏ tâm vấn vương
chuyện nọ chuyện kia. Phải buông bỏ (xả ly) các duyên bên ngoài và bên trong,
tinh chuyên hành trì niệm Phật thì mới mau thành tựu được.
Nếu vì tâm nguyện làm lợi ích cho chúng sinh, vì hoằng dương Chánh pháp mà phải tham dự nhiều Phật sự, làm các công tác từ thiện xã hội, nếu vì tu tạo các công đức phước lành để làm trợ duyên cho việc tu hành thì cần phải luôn giữ gìn chánh niệm, không quên pháp môn hành trì, không quên chí nguyện vãng sinh, tuyệt đối không để cho tâm sinh khởi các niệm lợi danh, quyền thế, tham đắm hưởng thụ; không để cho ngoại duyên tác động làm sinh khởi các niệm tham, sân, si.
Tóm lại, cần phải thấy rằng pháp môn Tịnh độ là pháp môn mà sự thành tựu được xây dựng trên nền tảng tự lực. Chính nhờ tâm hạnh của hành giả tương ưng với tâm hạnh, nguyện lực của Đức Phật A Di Đà mà cảm ứng chư Phật hiện tiền tiếp dẫn vãng sinh.
Nguồn tin: Minh Hạnh Đức
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự